“Nghệ An cần lựa chọn một số sản phẩm có tiềm năng, lợi thế để tập trung đầu tư về KHCN nhằm phát triển thành sản phẩm hàng hóa, hình thành những vùng nguyên liệu, nông nghiệp sạch tập trung có quy mô lớn”, Phó Chủ tịch Lê Bá Trình đề nghị với tỉnh Nghệ An.
Toàn cảnh buổi làm việc của đoàn công tác Ban Chỉ đạo chương trình giám sát về khoa học và công nghệ với tỉnh Nghệ An về việc thực hiện giám sát Nghị quyết trung ương 6 (Khóa XI).
Ngày 30/11, Đoàn công tác của Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam do ông Lê Bá Trình, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Trưởng Ban Chỉ đạo chương trình giám sát về khoa học và công nghệ đã có buổi làm việc về việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (Khóa XI) về phát triển khoa học, công nghệ và Luật Khoa học công nghệ.
Theo đó, trong giai đoạn 2011 - 2015 với phương châm lấy “ứng dụng là chính” Nghệ An đã triển khai 165 nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ cấp tỉnh, trong đó lĩnh vực nông nghiệp 64 nhiệm vụ chiếm 38,8%, lĩnh vực khoa học xã hội-nhân văn 45 nhiệm vụ chiếm 27,3%, còn lại là các lĩnh vực khác 56 nhiệm vụ chiếm 33,9%.
Đối với ngành nông lâm ngư những ứng dụng khoa học công nghệ đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế của tỉnh nhà.
Trong đó, phải kể đến nhiều đơn vị, doanh nghiệp tiêu biểu như dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp của Tập đoàn TH, dự án chăn nuôi bò sữa của Vinamilk, phát triển vùng nguyên liệu và xây dựng nhà máy chế biến gỗ MDF, các dự án phát triển vùng nguyên liệu mía nhà máy đường NAT&L, Sông Con, các dự án rau hoa nhà kính, vùng cam, quýt…
Đối với ngành công nghiệp, xây dựng từ năm 2011-2015 có 95 dự án được hỗ trợ với tổng số tiền trên 6 tỷ, trong đó có 28 dự án đầu tư đổi mới công nghệ, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hoá được nâng lên rõ rệt. Nhiều ứng dụng được đưa vào thực tiễn đời sống tiết kiệm được thời gian, nhân công góp phần nâng cao năng suất lao động, sản phẩm.
Đặc biệt, việc thực hiện các ứng dụng KHCN vào đời sống luôn song song với bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu.
Trong đó, tập trung vào tác động biến đổi khí hậu; các giải pháp, công nghệ xử lý ô nhiễm hàng nông thủy sản xuất khẩu do sử dụng hóa chất; ô nhiễm đất, không khí, nước bởi các hoá chất BVTV, rác thải sinh hoạt; nghiên cứu tác động của hệ thống các dự án thủy điện đến kinh tế xã hội của vùng hạ du, đến môi trường sinh thái; nghiên cứu, đề xuất các giải pháp ngăn ngừa lũ ống, lũ quét; ứng dụng các công nghệ mới, hiện đại trong cảnh bảo nguy cơ ngập lụt, đánh giá hiện trạng xả nước thải vào nguồn nước, rủi ro môi trường ven biển, như: công nghệ viễn thám, công nghệ GIS, mô hình thủy văn, thủy lực thành lập bản đồ nguy cơ ngập lụt; thiết bị và phần mềm quan trắc tự động; bản đồ cảnh báo ngập lụt phục vụ công tác chỉ huy phòng chống lũ lụt hạ du hồ chứa nước Vực Mấu...
Tổng kinh phí phân bổ để nghiên cứu KHCN giai đoạn 2011-2015 là 172 tỷ đồng.
Tuy nhiên, mức đầu tư phát triển KH&CN/ đầu tư phát triển của tỉnh Nghệ An chỉ ở mức 0,4-0,5% vì nguồn thu tiền sử dụng đất phân cấp các huyện, thành thị, tuy nhiên, giao chỉ tiêu trong tiền sử dụng đất để lại cho các huyện, thành phố, thị xã hàng năm đều không thực hiện được.
Ngoài ra, việc hỗ trợ để phát triển tài sản trí tuệ đang được ứng dụng và thương mại hóa. Đến nay Nghệ An có 632 đối tượng được bảo hộ trong đó sáng chế 11, giải pháp hữu ích 5, kiểu dáng 34 và nhãn hiệu 582. Đã thành lập CLB sáng chế Nghệ An với 43 hội viên.
Giai đoạn 2011-2015 cơ quan chuyên môn đã chỉ đạo tổ chức tổ chức 40 cuộc thanh tra chuyên ngành với tổng số cơ sở đã thanh tra 1.418 cơ sở. Trong đó, 110 cơ sở bị xử phạt bằng tiền, số tiền xử phạt là hơn 2 tỷ đồng.
Tại buổi làm việc, nhiều câu hỏi của đoàn giám sát được đặt ra với các ngành, đơn vị tỉnh Nghệ An.
Trong đó, tập trung vào các yếu tố làm giảm số lượng đề tài nghiên cứu từ 40 đề tài xuống còn 25 đề tài, cơ chế quỹ, chính sách cho nghiên cứu KHCN vào đời sống…
Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Lê Bá Trình phát biểu tại buổi làm việc.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Lê Bá Trình, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đề nghị, Nghệ An cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tạo chuyển biến về hành động đối với KHCN của cấp ủy, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội; tăng dần đầu tư cho KHCN một cách hợp lý, ưu tiên nguồn ngân sách sự nghiệp KHCN cho các nhiệm vụ KHCN trọng điểm, quy mô và tầm ảnh hưởng lớn; tiếp tục xây dựng cơ chế khuyến khích, hỗ trợ các các nhà đầu tư, các doanh nghiệp thành lập tổ chức hoạt động nghiên cứu, chuyển giao khoa học và công nghệ, thu hút các chuyên gia đầu ngành.
“Nghệ An cần lựa chọn một số sản phẩm có tiềm năng, lợi thế để tập trung đầu tư về KHCN nhằm phát triển thành sản phẩm hàng hóa, hình thành những vùng nguyên liệu, nông nghiệp sạch tập trung có quy mô lớn; đẩy nhanh việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý nhà nước và sản xuất, đời sống, từng bước hình thành công nghiệp công nghệ thông tin; quan tâm nghiên cứu lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn”, ông Trình nhấn mạnh.
Trước đó, vào chiều ngày 29/11 Đoàn đã thăm và khảo sát việc sử dụng ứng dụng KHCN tại nhà máy sữa và trang trại bò của Tập đoàn TH đóng tại huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An).
Đoàn công tác thăm và làm việc tại Tập đoàn TH.
Được biết, ngày 1/12 đoàn tiếp tục làm việc tại tỉnh Quảng Trị.