Nghệ An: Rà soát các cơ sở giáo dục kỹ năng sống

Điền Bắc 21/09/2023 07:07

Trong năm học 2022-2023, các trung tâm giáo dục kỹ năng sống (KNS) tỉnh Nghệ An đã tổ chức hơn 4.000 lớp học, với gần 80.000 học viên. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng dạy KNS, vừa qua Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tỉnh này đã thông báo tạm dừng việc các trung tâm liên kết dạy KNS trong cơ sở giáo dục công lập để rà soát.

Tỉnh Nghệ An sẽ tạm dừng việc dạy học KNS trong các nhà trường để rà soát nhằm đảm bảo việc dạy học KNS hiệu quả. Ảnh minh hoạ.

Tranh giành thị trường

Việc dạy học KNS trong nhà trường đã được Bộ GDĐT hướng dẫn tại Thông tư số 04 ngày 28/2/2014 của Bộ trưởng Bộ GDĐT về việc ban hành Quy định quản lý hoạt động giáo dục KNS và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa; được Chính phủ quy định tại Nghị định 24 ngày 23/3/2021, quy định việc quản lý trong cơ sở giáo dục mầm non và cơ sở giáo dục phổ thông công lập. Trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nội dung giáo dục đạo đức, lối sống, KNS cũng được chú trọng, giúp học sinh phát triển toàn diện.

Tại Nghệ An, theo thống kê, hiện địa phương này có 152 đơn vị hoạt động giáo dục KNS và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa đã được Sở GDĐT cấp giấy phép. Trong số này, tính đến tháng 9/2023, có 18 trung tâm có chương trình được sở thẩm định đủ điều kiện dạy trong các cơ sở giáo dục. Riêng trong năm học 2022-2023, các trung tâm giáo dục KNS đã tổ chức được hơn 4.000 lớp học, với gần 80.000 học viên, trong đó, có hơn 63.000 học viên ở các lớp học và hơn 16.000 học viên học tại các trung tâm. Nhiều đơn vị đã đầu tư cơ sở vật chất, phòng học, khuôn viên, trang trí, phương tiện, trang thiết bị dạy học đảm bảo, phù hợp.

Tại Hội nghị triển khai chương trình tăng cường tiếng Anh, KNS trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Văn Khoa - Phó Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Nghệ An cho rằng, ngoài những kết quả đạt được, thực tế cho thấy vẫn tồn tại nhiều vấn đề, đặc biệt tại các trung tâm giáo dục KNS. Cụ thể, thời gian qua một số trung tâm KNS trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có hiện tượng tranh giành thị trường không lành mạnh.

“Chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận lại, bởi làm giáo dục thì phải có văn hóa giáo dục. Cạnh tranh cần lành mạnh để nâng cao chất lượng, không phải bằng chiêu trò. Từ nay trung tâm nào không chấp hành nghiêm quy định, còn hiện tượng dùng mọi cách để tranh giành thị trường, Sở sẽ kiên quyết xử lý”, ông Khoa nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông Khoa cũng cho rằng, nội dung liên kết đào tạo KNS đã được đưa vào giảng dạy tại rất nhiều trường học trong cả nước. Cụ thể, tại tại khoản 2, Điều 6 Nghị định 24/2021 của Chính phủ nêu rõ: “Cơ sở giáo dục được chủ động liên kết với các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở nghiên cứu, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, các tổ chức, cá nhân và gia đình học sinh để tổ chức các hoạt động giáo dục phù hợp với điều kiện của địa phương theo quy định của pháp luật”.

Tạm dừng để rà soát

Nghệ An bắt đầu thực hiện chủ trương đưa giáo dục KNS vào giảng dạy trong các nhà trường vài năm gần đây. Bước đầu triển khai chương trình đã ghi nhận một số kết quả tích cực như góp phần nâng cao nhận thức, định hướng hành vi, rèn luyện cho học sinh một số kỹ năng cần thiết. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai nội dung này còn nhiều bất cập. Các khoản thu, chi chưa minh bạch khiến nhiều phụ huynh băn khoăn. Cụ thể việc tổ chức dạy KNS theo hình thức liên kết giữa cơ sở giáo dục với các trung tâm cần huy động xã hội hóa để thực hiện (học sinh tham gia trên tinh thần tự nguyện và được sự đồng ý của phụ huynh). Khi tổ chức, trung tâm - nhà trường - phụ huynh cùng họp và thống nhất về các khoản thu, chi; mức thu thực hiện theo Nghị quyết số 31/2020 của HĐND tỉnh Nghệ An quy định mức thu tối đa các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của nhà trường đối với cơ sở giáo dục công lập; mức thu dịch vụ tuyển sinh các cấp học trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Nhiều đơn vị giáo dục KNS có cơ sở vật chất chưa phù hợp, thiếu không gian cho hoạt động ngoài trời, khu trải nghiệm… Việc tái đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học kỹ năng sống từ nguồn thu chưa được quan tâm thỏa đáng; Công tác tuyên truyền, phối hợp giữa nhà trường - gia đình - trung tâm chưa tốt, chưa nhận được sự đồng thuận của phụ huynh, học sinh cũng như dư luận xã hội...

Trước thực trạng đó, Sở GDĐT Nghệ An cho hay, sẽ ban hành công văn về hướng dẫn liên kết tổ chức hoạt động giáo dục KNS trong các cơ sở giáo dục, cụ thể hơn các nội dung trong Thông tư 04/2014 của Bộ GDĐT như nêu rõ các nguyên tắc, điều kiện, tiêu chuẩn của trung tâm, cơ sở giáo dục, quy trình triển khai thực hiện. Đặc biệt là điều kiện tiêu chuẩn về giáo trình, tài liệu, đội ngũ giáo viên, báo cáo viên, huấn luyện viên.

Ông Nguyễn Trọng Hoàn - Chánh Văn Phòng Sở GDĐT Nghệ An cho biết, để việc dạy học KNS hiệu quả, đúng theo các văn bản hướng dẫn, trước mắt, Sở GDĐT chỉ đạo các phòng GDĐT và các nhà trường tạm dừng việc dạy học KNS trong nhà trường. Đồng thời, yêu cầu các phòng giáo dục, các nhà trường và các đơn vị liên quan cần rà soát về con người, vật chất, chương trình dạy học và các điều kiện tổ chức khác trước khi đưa vào nhà trường. “Việc dạy và học phải được triển khai theo tinh thần tự nguyện. Riêng các trung tâm ngoài nhà trường nếu đủ điều kiện đảm bảo theo quy định vẫn được hoạt động. Sở tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc hoạt động của các trung tâm này”, ông Hoàn cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nghệ An: Rà soát các cơ sở giáo dục kỹ năng sống