Được xem là “thủ phủ” của nguyên liệu cát, sỏi – nơi có hàng chục mỏ cát hoạt động nhiều năm qua, nhưng ít ai biết rằng huyện Tân Kỳ (Nghệ An) lại là địa phương mà các bến thủy nội địa, bến bãi hầu hết là hoạt động “chui”.
Bãi cát trái phép của Cty Hùng Tiến - xã Nghĩa Hợp, dù chưa được cấp phép bến thủy nội địa nhưng hoạt động rầm rộ.
Dù chưa hoàn thiện các thủ tục pháp lý theo quy định của pháp luật, song nhiều bến cát “không phép” trên địa bàn huyện Tân Kỳ vẫn ngang nhiên hoạt động trong một thời gian rất dài. Trong khi đó, chính quyền địa phương nơi có các bến bãi này lại tỏ ra thờ ơ, mặc nhiên cho hoạt động khai thác trái phép tồn tại, khi dư luận phản ánh, người dân thắc mắc thì cho rằng vượt quá khả năng.
Những ngày giữa tháng 4, tại các bến cát trên địa bàn các xã Nghĩa Đồng, Nghĩa Bình, Nghĩa Hợp... của huyện Tân Kỳ (Nghệ An) vẫn hoạt động tấp nập. Các phương tiện ra vào bến lấy hàng bất kể giờ giấc, từ xe 3-5 tấn đến các loại xe đầu kéo, container...chạy ngày đêm. Theo thống kê của Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện Tân Kỳ, hiện trên địa bàn có 11 bến cát thì có tới 9 bến chưa được cấp phép, tất cả các bến cát đều nằm trên tuyến Sông Con, trải dài từ các xã Nghĩa Đồng, Nghĩa Bình, Kỳ Tân đến Tân Long, Nghĩa Dũng.
Đơn cử như tại xã Nghĩa Đồng, có tất cả 3 bến cát không phép thuộc các đơn vị gồm Cty Hải An, Cty Tám Tài, Cty VHS, hay như tại xã Nghĩa Bình, Nghĩa Hợp và Nghĩa Dũng, mỗi địa phương có đến 2 bến cát không có giấy phép. Tại xã Nghĩa Đồng, ngoài 3 bến cát có tên trong danh sách (nằm trong quy hoạch) còn có nhiều bến cát chui. Thậm chí, nhiều bến cát tuy không nằm trong quy hoạch nhưng vẫn mở bến hoạt động rầm rộ. Cụ thể, tại xóm Nghĩa Sơn, xã Nghĩa Hợp, huyện Tân Kỳ có một bến cát, sỏi của ông Nguyễn Viết Hùng (nằm ngay cạnh đường HCM) dù chưa được cấp thẩm quyền cho phép nhưng vẫn trao đổi mua bán mà không bị xử lý.
Rồi đến bến cát của Công ty Hùng Tiến tại xã Nghĩa Hợp dù chưa có giấy phép bến, bãi nhưng vẫn hoạt động vận chuyển cát sỏi thường xuyên. Tương tự, tại bến cát Dũng Phương (xóm Tân Thành, xã Tân Long, huyện Tân Kỳ) cũng được người dân địa phương phản ánh, bến cát đã hoạt động lâu năm nhưng chưa được cấp giấy phép hoạt động bến thủy nội địa. Tại thời điểm có mặt, phóng viên ghi nhận có 3 tàu chở cát đang bơm cát từ khoang tàu lên bãi tập kết. Trên bãi, có 2 xe cẩu làm nhiệm vụ múc cát đổ lên xe tải, cảnh tượng ra vào như trẩy hội.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Thanh -Trưởng phòng TN&MT huyện Tân Kỳ (Nghệ An) cho biết, hiện trên địa bàn có 15 mỏ cát, sỏi được cấp phép; 11 bến thủy nội địa, bến bãi được quy hoạch (trong đó có 2 bến được cấp phép). Nếu như, các mỏ cát, sỏi được cấp phép đầy đủ thì ngược lại, các bến thủy nội địa, bến bãi việc cấp phép rất ít. Về việc này, ông Vi Văn Quang – Trưởng phòng Kinh tế- Hạ tầng huyện Tân Kỳ cho biết: “Trên địa bàn huyện hiện có hai doanh nghiệp là đầy đủ thủ tục khai thác cát, sỏi cũng như bến bãi tập kết, còn lại các doanh nghiệp chưa đủ điều kiện cho phép. Về phía huyện, trong thời gian qua đã xử lý nhiều doanh nghiệp về mặt hành chính vì để xảy ra sai phạm trong quá trình tập kết vật liệu trái phép. Hiện chúng tôi đang tổng hợp, trong thời gian tới sẽ xử lý triệt để”.
Còn ông Nguyễn Văn Hoa – Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ (Nghệ An) cho biết, thực trạng hiện nay trên địa bàn huyện có 15 mỏ cát được cấp phép, 13 trong số đó đã đi vào hoạt động. Tuy nhiên chỉ có 2 mỏ có đầy đủ giấy phép mỏ và giấy phép bến thủy nội địa, trong số 11 mỏ còn lại thì hiện đang làm thủ tục để cấp phép bến thủy nội địa. Nhưng chính thủ tục cấp phép còn nhiều vướng mắc nên rất khó khăn cho doanh nghiệp khi thực hiện.
Theo số liệu từ Sở GTVT Nghệ An, quy hoạch phát triển giao thông đường thủy nội địa tỉnh Nghệ An được phê duyệt tại Quyết định số 5260 trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 239 bến thủy nội địa (trong đó có 35 bến khách, 200 bến hàng hóa, 3 bến chuyên dùng và 1 bến tổng hợp). Trong 200 bến hàng hóa thì chủ yếu là tập kết cát sỏi, đến nay đã có 86 bến có ý kiến đầu tư dự án (trong đó có 42 bến được cấp phép, 33 bến được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư, 11 bến chưa được chấp thuận đầu tư). Riêng tại huyện Tân Kỳ, ngoài 11 bến nằm trong quy hoạch thì còn có hàng chục bến bãi đang hoạt động chui.