Ở huyện Châu Thành (An Giang), nơi người dân sống bằng nghề cào hến đông nhất phải kể đến là ấp Vĩnh Phúc, xã Vĩnh Hanh, con số lên tới hàng trăm hộ.
Thợ cào hến.
Nghề cào hến quanh năm, tuy nhiên tập trung là vào khoảng tháng 3 - 8 (âm lịch). Khi ấy, mùa nước ở các dòng sông, kênh dần cạn, hến bắt đầu sinh sôi nảy nở nhiều, vì thế hàng trăm hộ dân đua nhau làm nghề.
Trầm mình trong dòng nước lạnh ngắt, anh Võ Văn Hùng ở ấp Vĩnh Phúc, xã Vĩnh Hanh có 15 năm trong nghề cho biết: Bây giờ việc cào hến không dễ dàng như trước, người làm nghề phải vượi sóng hàng chục cây số mới có hến mang về. Bởi nguồn hến dần cạn kiệt, chỉ chưa đầy cây số mà có đến chục vỏ lãi cào hến, nào là lặn máy, nào cào tay đông đúc như chợ nổi miền sông nước. Sáng sớm các thợ cào đối mặt với cái lạnh, chiều với cái nắng đổ lửa…
Sau hơn 10 phút, anh Hùng lôi lên một túi bùn có lẫn rác hến và rẹm nặng cả chục ký. Sau đó anh dạo qua dạo lại vài lần dưới nước để tạp chất đẩy ra ngoài. Tiếp đến một tay anh nắm lấy cán vợt, tay còn lại đỡ túi vợt nâng số hến, rẹm vào khoang xuồng. Và cứ thế hết túi này đến túi khác, xuồng anh cứ len lỏi theo mé sông, còn con anh thì sàng sảy, lựa ra hến lớn hến nhỏ cho vào xoong (nồi) lớn, ngăn chứa, cứ thế công việc diễn ra liên tục hàng giờ đồng hồ.
Anh Hùng cho biết, nghề này đòi hỏi phải có sức dẻo dai, chịu được cái lạnh. Trầm mình dưới nước lâu rất dễ bị chuột rút, da dị ứng. Nhưng cha bị bệnh giải nghệ thì con, cháu tiếp tục bám nghề. Vì đó là công việc nuôi sống khi không đất lẫn vườn.
Nói như ông Huỳnh Văn Thanh gần 60 tuổi, ở ấp Bình Trân, xã Bình Chánh, huyện Châu Phú thì gia đình quá nghèo khó nên cả 2 vợ chồng cùng đi cào hến. Mỗi ngày công việc bắt đầu từ 6 giờ sáng đến 14h chiều, rồi tranh thủ sàng sảy, luộc hến, cơm nước…đến 10 giờ đêm mới cân hàng cho thương lái.
Ở đây, cào hến là công việc hàng ngày và quen thuộc, đàn ông, trai tráng có nhiệm vụ ra sông cào, còn phụ nữ ở nhà rửa, sàng lại cho sạch sỏi, đất, rong rêu… rồi đem vào lò nấu. Sau khi nấu xong, hến được bóc nhân và được làm sạch trước khi cân cho thương lái. Công việc tuy đơn giản nhưng lại tốn nhiều thời gian và công sức. Nhưng, đối với họ dường như chuyện ướt mình, lạnh lẽo, mưa gió…không quan trọng, điều họ quan tâm nhất là cào có hến hay không.
Sau gần một ngày trầm mình, những người chồng lại phụ giúp vợ nấu hến để kịp giao cho thương lái. Nhắc những thau hến nóng hổi, anh Hùng kể, thường thì 6 kg hến sống sẽ cho ra 1 kg hến ruột. Mỗi ký này hiện được mua với giá từ 13 ngàn đến 25 ngàn (tùy lúc), nên dù vất vả thì cái nghề này vẫn là “cần câu cơm” không bỏ được.
Hiện không ít bà con nông dân đang thiếu đất canh tác, chưa tìm ra một nghề ổn định, nay có thêm nghề cào hến chí ít thì cũng góp phần giải quyết công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động, ổn định cuộc sống cho nhiều gia đình trong diện nghèo khó.