Nghề công tác xã hội: Thách thức tính chuyên nghiệp

Thủy Anh 11/11/2015 09:30

Để có được đội ngũ nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp, vấn đề cơ bản là đào tạo có chất lượng và sử dụng hiệu quả. Việc đào tạo chuyên ngành công tác xã hội phải tuân thủ theo chuẩn đầu ra cho từng bậc đào tạo, mức độ thành thạo kỹ năng. 

Ngày 10/11, tại Trường ĐH Công đoàn diễn ra Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Công tác xã hội VN - Thách thức tính chuyên nghiệp trước nhu cầu hội nhập và phát triển”.

Hội thảo nằm trong khuôn khổ các hoạt động Kỷ niệm ngày công tác xã hội thế giới lần thứ 18 tại VN.

Theo TS Nguyễn Hải Hữu - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dạy nghề và nghề CTXH VN, Chủ tịch hội các trường đào tạo CTXH Việt Nam - thách thức về phát triển nghề công tác xã hội (CTXH) ở VN được nhìn thấy ở nhiều mặt. Về khuôn khổ pháp lý, tuy đã có có một số văn bản quản lý nhà nước ban hành nhưng chưa đủ, thiếu các văn bản quy phạm pháp luật quan trọng như xác định vai trò, vị trí của nhân viên CTXH, việc làm của nhân viên CTXH.

Thêm vào đó, hệ thống dịch vụ CTXH chậm phát triển, trong số 21 nhóm dịch vụ CTXH mà nhiều nước trên thế giới đang thực hiện thì ở VN qua khảo sát năm 2015, mới chỉ thực hiện được khoảng 1/3 đặc biệt là các dịch vụ mang tính chuyên môn và chuyên sâu như đánh giá mức độ tổn thương, đánh giá nguy cơ rủi ro, đánh giá sức khoẻ… Mạng lưới tổ chức cung cấp dịch vụ CTXH tuy đã được hình thành nhưng hoạt động về cung cấp dịch vụ CTXH mang tính chuyên môn và tính chuyên sâu còn hạn chế.

Ông Hữu đặc biệt nhấn mạnh, việc phát triển nguồn nhân lực CTXH còn nhiều bất cấp. Trước hết chất lượng đào tạo còn hạn chế do nội dung phương pháp đào tạo chưa phù hợp, dạy lý thuyết nhiều hơn dạy thực hành. Chương trình nội dung đào tạo chưa gắn kết với chuẩn đầu ra. Có trường việc xây dựng chuẩn đầu ra vẫn còn hình thức, dạy chuyên môn chưa gắn chặt với dạy làm người, dạy về đạo đức nghề nghiệp. Đội ngũ giảng viên chuyên ngành CTXH ở nhiều trường còn thiếu và yếu về chuyên môn, cơ sở vật chất phục vụ đào tạp chưa đáp ứng, thiếu cơ sở thực hành và đội ngũ kiểm huấn viên có chất lượng…

Tương tự, TS Phạm Mạnh Hà - ĐH Công đoàn cũng đặc biệt chú trọng đến đội ngũ giảng viên và việc làm của sinh viên CTXH sau khi ra trường. TS Hà cho rằng: Đội ngũ giảng viên giảng dạy ngành CTXH trong các cơ sở giáo dục ĐH VN hiện nay, chủ yếu được đào tạo từ ngành Xã hội học. Trong khi, bản thân ngành Xã hội học của một số trường đang vừa thiếu về số lượng, vừa hạn chế về chất lượng… Đây là bài toán nan giải.

Về việc làm của sinh viên sau khi ra trường, TS Hà nhận định: Mặc dù chưa có cuộc điều tra khảo sát cụ thể về thực trạng việc làm của sinh viên tốt nghiệp ngành CTXH, song với tình trạng giáo dục đào tạo như hiện nay, chủ yếu là lý thuyết, thì rất nhiều sinh viên sau khi ra trường không tìm được việc làm là điều dễ hiểu. Bởi họ mới chỉ được trang bị lý thuyết, còn môi trường xã hội đầy thách thức, biến đổi hàng ngày đồi hỏi sinh viên phải trang bị những kỹ năng thực tế để thực hành thì chưa được quan tâm đúng mức...

Theo TS Hữu: Về chất lượng đào tạo, phải chú ý thay đổi cách thức đào tạo.“Để có được đội ngũ nhân viên CTXH chuyên nghiệp, vấn đề cơ bản là đào tạo có chất lượng và sử dụng hiệu quả. Việc đào tạo chuyên ngành CTXH phải tuân thủ theo chuẩn đầu ra cho từng bậc đào tạo, mức độ thành thạo kỹ năng. Bên cạnh đó phải giáo dục về giá trị nghề và đạo đức nghề” – TS Hữu khẳng định.

Trả lời câu hỏi, làm thế nào để sinh viên có thể thực hành tốt nhất? – ThS. Nguyễn Thị Thanh Hương - Phó Trưởng khoa CTXH (Trường ĐH Lao động – Xã hội) chia sẻ: Có nhiều phương pháp giảng dạy nhằm rút ngắn khoảng cách giữa lý thuyết với thực hành của thực tập sinh CTXH. Một trong những khía cạnh của phương pháp giảng dạy dựa vào kinh nghiệm là học qua những gì được trải nghiệm và đúc kết lại trong văn bản, tài liệu công trình khoa học của những người đi trước. Nhật ký thức hành của thực tập sinh là một trong những nguồn tài liệu quý giá để sinh viên trước khi học tập thực hành có thể nghiên cứu, đặc biệt khi có sự hướng dẫn thảo luận, sự phân tích của giáo viên về những trải nghiệm giá trị đạo đức, kiến thức và kỹ năng của sinh viên.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nghề công tác xã hội: Thách thức tính chuyên nghiệp