Vượt qua ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nghề đan lục bình ở huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu tiếp tục giúp người dân ở vùng nông thôn có thu nhập ổn định.
Nghề đan lục bình không còn xa lạ với người dân vùng sông nước tại khu vực ĐBSCL, trong đó có huyện Hồng Dân tỉnh Bạc Liêu. Huyện Hồng Dân nơi có dòng sông Cái Lớn lục bình sinh sôi nảy nở quanh năm. Người dân ở đây ở đây gom lục bình trôi trên sông rồi nuôi cho lục bình lớn để cắt phơi khô rồi bán cho thương lái. Bằng cách lấy công làm lời, nhiều hộ dân ở đây lấy cọng lục bình khô đan thành các sản phẩm thủ công mĩ nghệ theo khuôn mẫu có thu nhập cao hơn. Tuy lao động vất vả nhưng công việc này đã mang lại thu nhập ổn định cho nhiều gia đình ở các địa bàn ven sông Cái Lớn.
Không chỉ giúp cho lao động nhàn rỗi ở nông thôn có thêm thu nhập ổn định, cải thiện đời sống, nghề này còn tạo ra những sản phẩm thân thiện với môi trường giúp giảm ô nhiễm môi trường, giảm tác động của biến đổi khí hậu.
Bà Lê Thị Út Chín ở ấp Ninh Định xã Ninh Hòa cho biết, hàng ngày bà đi cắt lục bình từ rất sớm rồi đem đi phơi khô đem đi bán. Công việc này không tốn chi phí nhiều, chỉ mua tre cắm rào lục bình lại khoảng hơn 2 tháng là cho thu hoạch. Giá lục bình khô có thời điểm từ 17 đến 18 ngàn đồng 1 kg nhưng tháng nắng nhiều cho thu nhập 1 tuần hơn 5 triệu đồng. “So với canh tác lúa 1 hay 2 vụ thì việc rào lục bình ven sông để bán cho thu nhập cao hơn nhiều vì đầu ra ổn định và cho thu hoạch quanh năm nhờ vậy mà kinh tế gia đình ổn định”, bà Út chia sẻ .
Gia đình chị Nguyễn Thị Thép ở ấp Vĩnh An, xã Ninh Hòa hàng ngày vẫn tất bật đan chậu hoa, nệm, giỏ xách… từ nguyên liệu lục bình. Gia đình chị Thép không đất sản xuất, và nghề đan lục bình là thu nhập chính của gia đình. Gia đình chị Thép tham gia đan lục bình từ hơn 10 năm trước thay cho công việc đi làm thuê, làm mướn sống qua ngày. Trước khi tham gia, chị được hỗ trợ học lớp nghề đan đát miễn phí.
Chị Thép chia sẻ, nếu như để làm ra một 1 cái vỏ lục bình khô chẳng hạn, phải trải qua nhiều công đoạn từ đem lục bình phơi khô đến gián keo, quấn, vô sương, đan, bo miệng...Tùy theo mẫu mã, kích cỡ mỗi sản phẩm làm ra bán được từ hơn 100 đến hơn 200 ngàn đồng tùy theo loại. Nếu trừ các khoản chi phí và sinh hoạt trong gia đình, gia đình còn dư từ trên 200 đến 300 ngàn đồng/ngày, đời sống gia đình nhờ vậy cũng ổn định và khấm khá hơn. "Nhờ sự phát triển nghề đan lục bình này nên gia đình tôi vẫn có cái ăn, có cái nghề, có thu nhập cũng đủ chi tiêu hàng ngày", chị Thép nói.
Ấp Ninh Định xã Ninh Hòa với điều kiện là vùng đất trũng phèn, nên việc sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả không cao. Để tăng thêm thu nhập cho gia đình, bà con địa phương chọn tham gia nghề đan lục bình. Hiện toàn ấp có gần 300 hộ dân, thì có 90% hộ đã tham gia nghề đan đát lục bình, trung bình mỗi hộ có từ 1 đến 3 nhân khẩu đan đát, với thu nhập bình quân một người từ 100.000 – 150.000 đồng/ngày.
Theo các hộ dân mùa dịch bệnh vừa qua, bà con nơi đây vẫn đan lục bình bình thường, không bị ảnh hưởng nên đời sống khá thoải mái. Doanh nghiệp cũng vẫn làm việc, không bị dừng. Giờ hầu như cả ấp Ninh Định này nhà nào cũng đan lục bình.
Ông Nguyễn Hoàng Vũ – Phó chủ tịch UBND huyện Hồng Dân cho biết, nghề đan đát lục bình được hình thành gần 20 năm ở huyện Hồng Dân. Với việc làm tại nhà, thu nhập ổn định và lao động chủ yếu là trung niên trở lên, do đó, dù trong những tháng mùa dịch vừa qua, bà con vẫn có thể đan lục bình, có thu nhập đều đặn, đảm bảo đời sống. Từ vài hộ tham gia ban đầu đến nay có gần đã có đến hàng trăm ở các xã rên địa bàn huyện giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động nhàn rỗi tại địa phương. Ngoài ra, địa phương đã thành lập HTX Quyết Tâm với nghề đan lục bình thu hút hơn 500 xã viên tham gia. “Ngoài việc khuyến khích bà con tham gia nghề đan lục bình, chúng tôi còn hỗ trợ bà con vay vốn từ ngân hàng chính sách để có điều kiện làm kinh tế, đồng thời ký kết với các doanh nghiệp thu mua sản phẩm ở TP Hồ Chí Minh, Bình Dương với mức giá ổn định đảm bảo lợi nhuận cho người đan lát”, ông Nguyễn Hoàng Vũ – Phó chủ tịch UBND huyện Hồng Dân cho biết thêm.
Lục bình trôi nổi và sinh sôi đầy kín mặt sông đã từng là nỗi ám ảnh đối với người dân vùng sông nước do tốc độ phát triển nhanh, dày đặc, cản trở lưu thông cho nhiều phương tiện đường thủy. Nhưng giờ đây, cây lục bình đã được khai thác cho hiệu quả kinh tế khá đối với nhiều hộ dân. Nghề đan lục bình thật sự đang là mô hình sinh kế hiệu quả cho người dân ở địa phương ở Hồng Dân tỉnh Bạc Liêu. Từ mô hình này, giúp người lao động nhàn rỗi ở địa phương có thêm nguồn thu nhập và trang trải cuộc sống gia đình, thích ứng với tình hình dịch bệnh hiện nay. Đây cũng là mô hình được địa phương quan tâm nhân rộng quy mô, giúp người dân trên địa bàn tăng thu nhập, giảm nghèo một cách bền vững.