Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã thống nhất với đề nghị của UBND tỉnh Bắc Ninh về việc xây dựng Hồ sơ Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của thế giới.
Bức tranh “Đám cưới chuột”.
1. Theo đó, Bộ VHTTDL đồng ý với đề xuất của UBND tỉnh Bắc Ninh về việc xây dựng Hồ sơ “Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ” và việc mời Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam phối hợp, tư vấn thực hiện nhiệm vụ xây dựng hồ sơ.
Thông tin trên được nêu rõ tại Văn bản số 1918/BVHTTDL-DSVH gửi UBND tỉnh Bắc Ninh về việc xây dựng Hồ sơ Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ trình UNESCO. Bên cạnh đó, lãnh đạo Bộ VHTTDL cũng đề nghị UBND tỉnh Bắc Ninh giao Sở VHTTDL phối hợp với các đơn vị liên quan lập kế hoạch xây dựng hồ sơ gửi Bộ VHTTDL xem xét trước khi trình UBND tỉnh phê duyệt.
Thông tin này khiến nhiều người quan tâm đến văn hóa, đặc biệt là các nghệ nhân và người dân làng tranh Đông Hồ nói riêng, người dân Bắc Ninh nói chung hết sức vui mừng. Bởi lâu nay, dòng tranh dân gian truyền thống mang hồn Kinh Bắc đã góp phần làm phong phú tranh dân gian Việt Nam. Tuy nhiên, trải qua nhiều thế kỷ, với những thăng trầm của đời sống văn hóa - xã hội, làng tranh dân gian Đông Hồ đã có những mai một, vì thế cần thiết có sự chung tay bảo vệ từ nhiều phía.
Việc lập hồ sơ khoa học trình UNESCO đưa nghề làm tranh dân gian Đông Hồ vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp có ý nghĩa quan trọng nhằm tiếp tục gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa làng nghề, nâng cao ý thức cộng đồng trong công tác bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống.
2. Làng tranh Đông Hồ xưa có tên là làng Mái, nằm ngay bên bờ Nam sông Đuống, nay thuộc xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, tranh Đông Hồ xuất hiện vào thế kỷ XVI nhưng hiện không có thống kê thời kỳ đầu có bao nhiêu mẫu tranh.
Thời kì cực thịnh của làng tranh là vào khoảng cuối thế kỷ XIX đến những năm 40 của thế kỷ XX. Lúc ấy, trong làng có 17 dòng họ thì tất cả đều làm tranh. Thời đó, cứ khoảng tháng 7, tháng 8 hàng năm là cả làng đã tất bật để chuẩn bị cho mùa tranh Tết, khắp làng rực rỡ sắc màu…
Theo PGS.TS Trương Quốc Bình- Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, “về nội dung tranh Đông Hồ gồm 5 thể loại đó là: tranh thờ, tranh lịch sử, truyện tranh, tranh chúc tụng, tranh sinh hoạt. Trong đó phổ biến nhất vẫn là tranh chúc tụng”.
Nhắc tới tranh dân gian Đồng Hồ, nhiều người vẫn nhớ tới những bức tranh nổi tiếng, như Vinh hoa, Mục đồng thổi sáo, Đại cát, Đám cưới chuột, Đánh ghen… Trước đây, vào dịp Tết, những bức tranh dân gian Đông Hồ được người dân ở nhiều địa phương mua về treo trang trí trong nhà, qua đó để dăn dạy hay kể cho con cháu những câu chuyện về nhân nghĩa, về yêu thương.
Các nghệ nhân làng tranh dân gian Ðông Hồ dùng ván để in, vì thế, tranh được in hoàn toàn thủ công với các bản màu, mỗi màu dùng một bản, tờ tranh có bao nhiêu màu in bấy nhiêu lần ván in. Ðể có những bản khắc đạt đến trình độ tinh xảo như vậy đòi hỏi phải có người vẽ mẫu trước. Những người vẽ mẫu và người chế tác bản khắc đòi hỏi họ phải có lòng yêu nghệ thuật và tâm hồn nghệ sĩ, đức tính tỉ mỉ và đặc biệt phải có trình độ kĩ thuật cao.
Tháng 3/2013, nghề làm tranh dân gian Đông Hồ đã được công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia.