Ghẹ Vân Đồn (Quảng Ninh) từ lâu đã nổi tiếng ngon ngọt, đậm đà, khác biệt hẳn với ghẹ ở các vùng biển khác. Cũng nhờ sự nổi tiếng ấy mà ghẹ Vân Đồn có mặt trên khắp các bàn tiệc hải sản. Để bắt được những con ghẹ tươi ngon, người dân Vân Đồn có bí quyết riêng.
Qua mấy lần lỡ hẹn, cuối cùng tôi cũng có được chuyến đi đánh lưới ghẹ với Hà Văn Tiến – “thợ săn” ghẹ có tiếng ở thôn 8, xã Hạ Long, huyện Vân Đồn. Giờ đã là cuối tháng 10, biển Vân Đồn không còn gay gắt nắng. Gió thu thổi nhẹ, mặt nước trong vùng vịnh Bái Tử Long chỉ nhấp nhô chút sóng, khung cảnh êm đềm như chưa từng có bão Yagi qua đây.
Trên chiếc thuyền nhựa composite dài hơn 2 mét hướng tới khu hòn Cò gần cảng Ao Tiên, Tiến kể cho tôi nghe câu chuyện xung quanh nghề lưới ghẹ. Trước đây Tiến chỉ đi lưới ghẹ bằng chiếc thuyền nan nhỏ có gắn máy, từ mùa hè năm 2023, anh đầu tư chiếc thuyền composite dài hơn 2 mét này với giá hơn 20 triệu đồng, làm phương tiện linh động cho mỗi chuyến độc hành săn ghẹ. Cùng với bộ lưới, tổng chi phí đầu tư cho nghề lưới ghẹ khoảng 30 triệu đồng.
Đã trải qua đủ các nghề, từ bốc vác hàu ở cảng Cái Rồng, phụ xây, rồi thợ cơ khí ở Cẩm Phả, nhưng rồi Hà Văn Tiến vẫn trở về với cái nghề truyền thống của gia đình: Đi biển.
Tiến là đời thứ 3 trong gia đình làm nghề chài lưới. Trước đó thì không biết, nhưng cả ông bà nội, ngoại, đến bố mẹ Tiến đều gắn với cái nghề quanh năm lênh đênh trên biển. Mùa nào thức ấy. Đến mùa ghẹ thì rủ nhau đi lưới ghẹ, hết mùa thì lại chuyển sang đánh cá. Từ xưa đến nay vẫn vậy, chỉ khác là bây giờ có thuyền gắn máy, lưới không phải tự đan.
“Em đi biển làm nghề lưới với bố từ năm 13 tuổi, đến năm 15 tuổi đã chính thức làm riêng, một mình một thuyền kiếm tiền từ cua, cá, ghẹ… Nhưng nghề em thích nhất vẫn là lưới ghẹ” – Tiến nói.
Trên khắp các vùng biển Quảng Ninh, hầu như vùng nào cũng có ghẹ. Nhưng ghẹ Vân Đồn vẫn được những người sành ăn ưa chuộng nhất, bởi hương vị thơm ngon, thịt dai, ngọt đậm. Giá ghẹ Vân Đồn vì vậy cũng cao hơn ghẹ các nơi khác. Các chủ bè thu mua hải sản của những người đánh bắt chia ra 3 loại ghẹ với các mức giá khác nhau. Với ghẹ loại 1 Tiến bán được từ 350.000 đồng/kg trở lên. Loại 2 và loại 3 có giá khoảng 250.000 đến 300.000 đồng/kg.
Trước đây còn có loại ghẹ bầu (màu nâu, to và chắc hơn ghẹ xanh và ghẹ hoa), giá đắt gấp 3 lần ghẹ khác, nhưng bây giờ gần như không còn nữa. Giờ đắt nhất là ghẹ xanh. Vào mùa, công việc đánh bắt ghẹ có thể cho thu nhập tiền triệu/ngày.
“Giờ là những tháng cuối mùa rồi, làm chỉ đủ chi tiêu sinh hoạt thôi anh ạ! Có hôm còn âm cả tiền dầu nữa ấy chứ!'' – Tiến nói vọng lên từ cuối thuyền...
Đánh bắt gần bờ từ khu vực Vân Đồn chủ yếu là ngư dân bản địa và ngư dân Quảng Yên. Chẳng ai nói làm nghề lưới ghẹ giàu có, nhưng cặm cụi với nghề lưới ghẹ, Tiến đủ tiền xây nhà, nuôi vợ và 2 con.
Tiếng máy nổ vang giòn vọng vào vách núi, khuấy động không gian tĩnh mịch của vịnh Bái Tử Long. Thuyền chạy chỉ mất khoảng 10 phút là tới được khu vực hòn Cò, thuộc xã Hạ Long, huyện Vân Đồn. Mùa ghẹ bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 6 (âm lịch), các tháng 8 đến tháng 11 cũng vẫn có nhưng ít hơn, đặc biệt là từ tháng 11 đến tháng 2 ghẹ không xuất hiện nữa mà nằm ếp xuống bãi. Đây là thời điểm ghẹ cái làm gạch (trưởng thành), nhưng ghẹ đực cũng theo đó mà ít xuất hiện. Theo quy luật này thì thời điểm chúng tôi đi là vào tháng 10 không phải chính mùa ghẹ, nhưng thời tiết vẫn còn nắng ấm.
''Anh cứ chuẩn bị tinh thần nhé, có thể về tay trắng mà chẳng được con nào đâu!'' – Tiến nheo mắt nói.
Đợi cho dòng nước chảy yếu đi, Tiến bắt đầu thả lưới. Anh tắt máy, điều khiển chiếc thuyền bằng mái chèo đi chầm chậm ngược theo dòng nước chảy, vừa ra lưới một cách đều đặn, nhịp nhàng.
Lưới ghẹ không khác lưới cá nhiều, nhưng có đặc điểm riêng biệt là chỉ có 1 màn lưới (lưới khác thường có 2-3 lớp) và mắt lưới rất thưa. Bộ lưới của Tiến là loại lưới rem, rộng khoảng 60 cm, dài 1.000 m, với mắt lưới rộng khoảng 5cm. Tiến cho biết, nghề lưới ghẹ vùng khơi xa thường dùng bộ lưới giềng bẹ, quãng dài hơn, sợi lưới to hơn, dùng để đánh vùng nước sâu. Nhưng những người đánh lưới ghẹ ven bờ như Tiến chỉ dùng loại lưới rem nhỏ mà hiệu quả.
Cách thả lưới cũng không hề đơn giản. Những người có kinh nghiệm thường đi ngược chiều nước để thả lưới, giúp cho lưới có độ chùng nhất định để giữ được ghẹ. Một tấm lưới dài khoảng 1.000 mét, chia làm nhiều đoạn trước khi thả, nhưng vẫn giữ liền mạch. Nghề lưới ghẹ đòi hỏi sự nhanh nhạy và những mánh khóe riêng... Khi xác định được đoạn lưới đóng nhiều ghẹ, người đánh bắt phải tháo nút đoạn lưới đó kéo lên thuyền ngay, rồi nối đoạn còn lại với nhau tiếp tục thả xuống cho kịp canh nước. ''Người ta thường kéo đoạn lưới đó lên thuyền để gỡ ghẹ, rồi sau đó mới tiếp tục thả xuống. Làm như vậy mất thời gian mà không hiệu quả vì đàn ghẹ sẽ đi qua mất” – Tiến vừa thả mảng lưới cuối cùng, quay lên nói...
11h trưa, sau khi ngâm lưới khoảng 3 tiếng đồng hồ, chúng tôi đã nhìn thấy những miếng phao bắt đầu lay động. ''Đóng hàng rồi!'' – Tiến nói, khuôn mặt thản nhiên, anh vẫn ngồi yên, mắt nhìn chăm chú vào những miếng phao khác, như thể đã chắc chắn lũ ghẹ dưới nước kia là của mình rồi. Phải 15 phút sau, Tiến mới kéo mẻ lưới đầu tiên. Tiến nhanh chóng gỡ ghẹ ra rồi lại thả lưới xuống. Anh nhoài người ra ngoài mũi thuyền, men theo dây lưới mà nhấc dần từng đoạn lên khỏi mặt nước. Lúc này anh khồng cần chèo thuyền nữa.
''Ghẹ mùa này không nhiều, mỗi ngày được khoảng 3-4 cân là may lắm rồi'' - Miệng nói tay gỡ, từng động tác của Tiến thể hiện sự thành thục với nghề. Anh gỡ rất nhanh mà không hề để cho gai ghẹ làm rách lưới. Bàn tay đầy những vết sẹo cứ thoăn thoắt gỡ, dễ dàng như người ta bứt nấm vậy.
Lứa ghẹ hôm nay Tiến ''săn” được xếp vào ghẹ loại 2, ngày công cho 5 tiếng trên biển được khoảng 800.000 đồng. Tiến rủ tôi về nhà uống bia, với đồ nhắm là thành quả khoảng 3 kg ghẹ. Nhìn mẻ ghẹ tươi xanh dưới nắng thu, tôi cũng thèm được nhấp ngụm bia với miếng thịt ghẹ luộc dai ngọt, chấm tương ớt, nhưng chợt nhớ cái nghề biển cơ cực, phút chốc lại cầm lòng.