Mang giá trị truyền thống “thổi hồn” vào gỗ, nghệ nhân trẻ Nguyễn Tấn Phát (38 tuổi, Sơn Tây, Hà Nội) đã “trình làng” bộ sưu tập độc đáo gồm 2022 con hổ chào xuân Nhâm Dần.
Đối với những người yêu thích nghệ thuật điêu khắc, không ai là không biết đến bộ sưu tập 1010 tượng trâu được anh Phát cho ra mắt vào đầu năm 2021 vừa qua. Tiếp nối thành công đó, năm nay, anh Phát tiếp tục thực hiện bộ sưu tập gồm 2022 con hổ.
Xuất phát từ lòng yêu quê hương, trân trọng những giá trị truyền thống, nghệ nhân trẻ Nguyễn Tấn Phát (Sơn Tây, Hà Nội) đã bắt tay vào thực hiện bộ tác phẩm độc đáo trước thềm năm mới.
Nghệ nhân trẻ Tấn Phát chia sẻ, hai năm về trước anh bắt đầu thực hiện hóa ý tưởng của mình. Với mong muốn mang đến cho khán giả một món ăn tinh thần nhân dịp năm mới và gìn giữ những nét truyền thống văn hóa dân tộc.
Tác phẩm gồm 2.022 con hổ độc bản, mỗi bức tượng hổ và phù điêu mang vẻ đẹp riêng cùng với những nét chạm khắc tinh tế có một không hai.
Tất cả hổ nằm trong bộ sưu tập đều được làm từ gỗ mít - một loại gỗ truyền thống của làng cổ Đường Lâm (Hà Nội) kết hợp với đá ong, nghệ thuật sơn mài. Nhìn thoáng qua, nhiều người dễ lầm tưởng hổ được làm từ đất nung. Tuy nhiên, loại chất liệu bản địa tưởng chừng cứng nhắc và thô sơ như: gỗ mít, đá ong… có thể trở thành một tác phẩm không phải là điều dễ dàng.
Anh Phát cho hay, ngoài những nguyên liệu cơ bản để chạm khắc, anh còn sử dụng thêm vỏ trai, vỏ trứng để khảm lên bức tượng với mong muốn bảo vệ môi trường và tăng thêm phần độc đáo cho tác phẩm. Các công đoạn đều được làm thủ công nên đòi hỏi người nghệ sĩ phải kiên nhẫn và tỉ mỉ mới tạo ra được thành quả như mong muốn.
Dành tình yêu sâu đậm với nghệ thuật sơn mài, nghệ nhân Tấn Phát sáng tạo nhiều sản phẩm gắn liền hình tượng con hổ. Đây cũng là cách mà anh muốn giới thiệu và đưa văn hoá dân gian Việt Nam đến gần hơn với công chúng và bạn bè quốc tế. Những khúc gỗ vô tri vô giác đã trở thành những tác phẩm nghệ thuật mang đậm giá trị truyền thống của dân tộc.
“Từ xưa đến nay, người Việt thường quan niệm hổ là loài vật vô cùng đáng sợ. Những ông “mãnh hổ” luôn xuất hiện với hình ảnh dữ tợn, nhe nanh, giơ vuốt… Thế nhưng hổ cũng có những nét đáng yêu riêng. Vì vậy, tôi muốn thực hiện tác phẩm như theo cách riêng của mình như là cách để xóa nhòa rào cản giữa hổ và con người. Từ đó, góp phần gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống của người Việt”, anh nói.
Nói về công đoạn để biến một khúc gỗ vô tri thành một bức tượng nghệ thuật, Tấn Phát cho biết, quá trình làm ra một bức tượng phải trải qua rất nhiều bước. Ban đầu là phác thảo ý tưởng ra bản vẽ, nặn thử bằng khuôn đất. Sau khi khuôn bằng đất ưng ý mới tiến hành đục trên gỗ, công đoạn cuối cùng là dát vàng, bạc, phủ màu…
Bộ sưu tập hổ gồm 2022 con hổ không dừng lại ở những dáng đứng, ngồi đơn thuần mà còn có tạo hình phức tạp hơn với ý nghĩa riêng biệt như: Đồi Hổ gầm với hình ảnh chúa Sơn Lâm và sự uy dũng của Phùng Hưng, tổ chim trên lưng hổ thể hiện sự bình an, hổ có cánh với ý nghĩa mong muốn đạt được thành công, bay cao và xa hơn nữa…
Trong số những sản phẩm của mình, anh Phát tâm huyết hơn cả là bộ ghế ngũ hổ được sáng tạo với 5 gam màu dựa trên 5 mệnh: Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ. Anh Phát cho biết, bản thân anh tốn khá nhiều thời gian, chi phí và công sức để hoàn thiện bộ sản phẩm này. Hình tượng hổ trong ca dao, xuất hiện cùng với câu chuyện dân gian được anh Phát khai phác thảo khéo léo tạo thành những hình tượng da dạng song không kém phần gần gũi, đáng yêu và giàu giá trị sử dụng.
Bên cảnh bộ ghế ngũ hổ, anh Tấn Phát sở hữu cho riêng mình những thiết kế lạ mắt lấy hình ảnh con hổ làm trung tâm, phải kể đến như: chiếc hộp, lọ hoa, bàn trà, chiếc ghế…
Nhờ ý tưởng độc lạ cùng sự công phu, trau chuốt trong từng tác phẩm, hình tượng hổ trong dân gian, trong ca dao, tục ngữ đã được “hiện thực hóa” vào cuộc sống đời thường với hình ảnh đáng yêu, gần gũi.
Đối với nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát, dịch bệnh có thể gây cản trở trong nhiều lĩnh vực thế nhưng nghệ thuật là động lực vực dậy tinh thần, vì thế mà nó cần được mở rộng và phát huy trong mọi hoàn cảnh.
Đến nay, anh Phát đã hoàn thành 3 chiếc ghế trong bộ ghế ngũ hổ chào Xuân. Anh Phát quan niệm, muốn người khác mê đắm tác phẩm của mình là một hành trình nhọc nhằn và chứa nhiều gian nan. Ở đó, không chỉ có tình yêu mà còn cần tới sự sáng tạo, sự tích lũy văn hóa đọc, văn hóa sống... Hơn thế, người nghệ sỹ phải hóa hiện được tâm hồn, phông văn hóa, cảm thức riêng biệt của mình lên từng tác phẩm.
Những bức tượng hổ do anh Phát tạo ra không chỉ để trang trí mà còn có thể sử dụng làm quà tặng nhân dịp Tết đến, xuân về. Trong thời gian tới, anh Phát dự kiến sẽ hoàn thiện bộ sưu tập 2.022 con hổ và đem trưng bày tại triển lãm.
“Tôi mong muốn nhân rộng hơn nữa những giá trị truyền thống của đất nước, qua thời gian khi những giá trị văn hóa mờ dần do những tác động không đáng có. Thông qua những tác phẩm của mình, tôi hi vọng người Việt có thể hình dung ra những nét đẹp dân gian đặc trưng còn sót lại của đất nước”, anh Phát bày tỏ.