Công chúng có quyền "yêu", "ghét" và cao hơn là tẩy chay đối với những "ngôi sao" có hành xử chưa đúng mực, gây ảnh hưởng tiêu cực tới xã hội.
Hệ lụy khó lường
Hình ảnh một bộ phận nghệ sĩ khoác lên mình bộ trang phục “thiếu vải” xuất hiện trước công chúng với mật độ dày đặc cùng mục đích gây chú ý ngày càng phổ biến. Điều này không chỉ làm ảnh hưởng tới những người nghệ sĩ chân chính mà còn gây phẫn nộ cho cả công chúng, tác động xấu đến xã hội.
Dư luận chắc vẫn chưa quên, năm 2010, nữ diễn viên Kiều Thanh khiến người hâm mộ “choáng váng” bởi bộ đầm trong suốt khoe rõ 3 vòng tại Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội. Đây cũng là tâm điểm bàn tán của công chúng suốt một thời gian dài.
Không riêng gì Kiều Thanh, những tên tuổi đình đám cũng vấp phải chỉ trích từ dư luận bởi cách ăn mặc không phù hợp khi trình diễn. Thậm chí, có một số trường hợp còn bị "điểm tên chỉ mặt", bị phạt, cấm biểu diễn trong suốt khoảng thời gian dài. Thế nhưng, tình trạng trên vẫn tiếp diễn.
Cùng với tốc độ phát triển “chóng mặt” của công nghệ thông tin, những hình ảnh xấu về cách ăn mặc của nghệ sĩ lan truyền một cách chóng mặt. Kéo theo hệ lụy khó lường, dấy lên lời cảnh tỉnh về chuyện học đòi “giở khóc, giở cười” và những hành vi “lệch chuẩn” của giới trẻ. Khi không ít lần những người hâm mộ học đòi theo thần tượng ăn mặc phản cảm, sexy không giống ai.
Ở Việt Nam, bộ quy tắc về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, thi người đẹp, người mẫu, hoạt động ghi hình ca múa nhạc, sân khấu thì có... song chưa rõ ràng. Bởi vậy, trong nhiều năm qua, hoạt động nghệ thuật biểu diễn, trình diễn thời trang, thi người đẹp liên tục có những “sự cố” dẫn đến tình trạng lộn xộn, phản cảm, ảnh hưởng không tốt đến xã hội.
Tuy nhiên, câu chuyện “váy áo” không chỉ dừng lại ở mức độ gợi cảm thuần túy, cũng không đơn thuần là chuyện riêng của mỗi cá nhân mà nó trở thành vấn đề được toàn xã hội quan tâm. Bởi, việc ăn mặc hở hang của giới nghệ sĩ đang trở thành xu hướng và tác động xấu đến bộ phận Gen Z (thế hệ trẻ đến tuổi trưởng thành trong thập kỷ thứ 2 của thế kỷ 21) hiện nay.
Trước đó, hình ảnh của một số ca sĩ, diễn viên, người mẫu… ăn mặc hớ hênh, phản cảm cũng đã bị Sở Văn hóa - Thể thao ra quyết định xử phạt hành chính, đình chỉ tạm dừng hoạt động biểu diễn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy mức xử phạt trên chưa đủ sức răn đe. Lối ăn mặc “thiếu vải” vẫn ngang nhiên tiếp diễn.
"Quyền lực mềm" của công chúng
Qua khảo sát từ một số người trẻ, hầu hết tất cả đều có xu hướng học đòi theo cách ăn mặc của thần tượng. Không riêng gì những diễn viên trong nước, giới trẻ ngày nay còn học đòi theo những thần tượng nước ngoài.
Ăn mặc phản cảm không những khiến nghệ sĩ mất điểm trong lòng công chúng mà còn làm mất đi hình ảnh cá nhân của họ. Chưa kể, nghệ sĩ ăn mặc phản cảm còn kéo theo những tác động tiêu cực, điển hình là dẫn đến suy nghĩ lệch chuẩn về thời trang của giới trẻ.
Trao đổi với Đại Đoàn Kết Online về tác động tiêu cực từ lối ăn mặc “chơi trội” của một số bộ phận nghệ sĩ, TS Mai Linh, giảng viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội bày tỏ lo ngại khi cách ăn mặc lố lăng của giới nghệ sĩ đang tác động xấu tới tâm lý của người trẻ ngày nay.
Theo TS Linh, việc ăn mặc phản cảm của nghệ sĩ trên các phương tiện Truyền thông đại chúng (TTĐC) là một vấn đề đáng lưu tâm. Bởi, TTĐC là một thiết chế xã hội, cần đảm bảo hệ thống giá trị, chuẩn mực, đại diện cho văn hoá. Khi là một thiết chế đồng nghĩa với việc tạo ra các khuôn mẫu hành vi nên càng cần phải tuân theo những quy tắc và chuẩn mực xã hội.
"Việc ăn mặc phản cảm ảnh hướng đến nhận thức, cảm xúc và hành vi của công chúng đặc biệt là những công chúng trẻ tuổi. Nên rất cần quản lý và có những chế tài cho những hành vi này", TS Mai Linh thông tin.
Là một chuyên gia nghiên cứu về giới tính, tình dục vừa đảm nhận vai trò là Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển xã hội, TS Khuất Thu Hồng đưa ra một vài nhận định về cách ăn mặc của nghệ sĩ ngày nay.
TS Khuất Thu Hồng cho rằng, nghệ sĩ ăn mặc phản cảm sẽ làm ảnh hưởng đến hình ảnh của chính bản thân họ dẫn tới mất điểm trong mắt công chúng, đồng thời đánh mất đi bản sắc văn hóa vốn có của người Việt.
Theo TS Khuất Thu Hồng, thời đại ngày nay, quan niệm về thời trang cởi mở hơn so với thời gian trước, tuy nhiên, tất cả mọi thứ vẫn nên có chừng mực nhất định. Nghệ sĩ ăn mặc phản cảm sẽ tạo nên những xu hướng tiêu cực về thời trang làm cho người hâm mộ bắt chước khiến nhận thức về thẩm mỹ của bộ phận này đi vào lệch lạc cùng những vấn đề văn hóa xã hội khác đi kèm.
“Vấn đề này diễn ra không riêng gì ở Việt Nam mà đã trở thành hiện tượng trên toàn cầu. Nghệ sĩ là người của công chúng vì vậy nên gìn giữ hình ảnh cá nhân, bởi nó có thể tạo ra những thay đổi tích cực trong giới trẻ, đồng thời hạn chế những tác động tiêu cực khiến xã hội ngày một tốt hơn”, TS Khuất Thu Hồng lo lắng.
Đưa ra một vài biện pháp nhằm chấn chỉnh hoạt động học đòi theo cách ăn mặc phản cảm từ thần tượng của một bộ phận giới trẻ, TS Khuất Thu Hồng chia sẻ, biện pháp hữu hiệu nhất đấy chính là xuất phát từ khán giả. Hơn ai hết khán giả phải là người công tâm trong việc tẩy chay, bình xét những nghệ sĩ vi phạm văn hóa ăn mặc.
Đồng thời, gia đình và nhà trường cũng cần phải có trách nhiệm tăng cường giáo dục thêm về cái đẹp, chuẩn mực để các em có thể nhận thức đúng đắn hơn về khái niệm ăn mặc phù hợp với thuần phong mỹ tục. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần siết chặt hơn việc kiểm duyệt kỹ càng để tránh những hiện tượng phản văn hoá như việc ăn mặc phản cảm của nghệ sĩ diễn ra như "cơm bữa".