Từng được trao tặng danh hiệu “Tài năng sân khấu trẻ 1991” và bằng khen “Nghệ sĩ tài năng sân khấu trẻ 1991”, huy chương Vàng “Tài năng sân khấu trẻ 1991”, giải Đặc biệt Liên hoan xiếc Quốc tế lần thứ 16 (Mondial Du Cirque de Main) tại Paris (Pháp, 1993)… nghệ sĩ Doãn Hoàng Kiên ngỡ đâu sẽ gắn bó với nghiệp xiếc. Nhưng vì một chấn thương nặng khi đang biểu diễn, anh chuyển hướng theo đuổi nghề mà mình thực sự yêu thích: Mỹ thuật.
Nghệ sĩ Doãn Hoàng Kiên và một tác phẩm sắp đặt của anh.
Tác phẩm nghệ thuật của Doãn Hoàng Kiên, từ hội họa đến sắp đặt, đều mang đến sự tìm kiếm về giới hạn. Năm 2006, tình cờ tôi gặp Doãn Hoàng Kiên tại các chương trình do Nhà sàn Đức tổ chức. Kiên ăn mặc chỉn chu theo một gu thẩm mĩ riêng. Trời se lạnh, anh thích đội mũ ôm tròn trên đầu, trông vừa thanh lịch lại làm tôn thêm đường nét trên khuôn mặt thanh tú tươi sáng. Kiên nói năng giao tiếp tự nhiên và vui vẻ, anh thích chia sẻ những gì đang nghĩ trong đầu và không thích vòng vo màu mè. Lắm khi đang đi đường, bỗng dưng gặp tôi, anh phanh xe dừng lại ngay tắp lự rồi kể chuyện vừa làm gì, như thể ngày nào chúng tôi cũng gặp nhau và việc của anh là làm cho tôi luôn có thể cập nhật các thông tin mới nhất. Thời gian đó, Kiên ít vẽ, anh đang hăm hở say mê sáng tạo và tham gia các hoạt động nghệ thuật về sắp đặt đương đại. Thi thoảng, còn tham gia đóng vài bộ phim khá nổi tiếng như “Vua bãi rác”, sau này còn tham gia phim “Người sót lại của rừng cười”, “Chiến dịch trái tim bên phải”, “Người nổi tiếng”...
Nghệ sĩ Doãn Hoàng Kiên sinh năm 1970 tại Hà Nội trong một gia đình có truyền thống làm nghệ thuật, bố và mẹ anh đều là những nghệ sĩ biểu diễn. Tuổi thơ của anh trải qua những năm tháng thời bao cấp đầy gian khó của đất nước, như anh chia sẻ “chuyện vui thì ít, chuyện buồn thì nhiều”.
Thi thoảng, Kiên trốn nhà đi lang thang, có khi ra rạp xiếc - khi ấy còn là Đoàn xiếc Nhân dân Trung ương, trong một cái nhà bạt lưu động đặt tại Công viên Thống Nhất, để xem bố và các cô chú đồng nghiệp tập luyện, biểu diễn.
Doãn Hoàng Kiên có bố là diễn viên biểu diễn nghệ thuật xiếc. “Ông thuộc lớp cha chú, tiền thân của nghệ thuật xiếc Việt Nam, học trò của cụ Tạ Duy Hiển, người đã khai sinh ra nghệ thuật xiếc Việt Nam hiện đại” - Kiên kể. Những lần xem xiếc đó dần dà tạo nên những hình ảnh đẹp, anh nhớ mãi những tiết mục xiếc người với những công phu, mạo hiểm, sức khỏe phi thường và vẻ đẹp hình thể của các diễn viên biểu diễn. Những trò xiếc thú ly kỳ, thú vị… niềm sung sướng, tiếng cười trẻ thơ với các chú hề vui nhộn của rạp xiếc lúc nào cũng đông chật kín khán giả...
Khi nhận ra niềm vui thích của con trai với nghệ thuật xiếc, và cũng vì mong có người tiếp nối truyền thống gia đình, người bố đã hướng dần anh vào việc tìm hiểu, học hỏi về xiếc.
Sau khi thi tuyển rồi tốt nghiệp tại Trường Nghệ thuật Xiếc Việt Nam khóa 7 (1983-1988), nghệ sĩ Doãn Hoàng Kiên được cử sang Nga theo học trường Nghệ thuật xiếc Moskva (Liên Xô cũ). Trở về Việt Nam, anh kế thừa tiết mục “Thăng bằng kiếm trên thang” do bố truyền dạy. Sau 13 năm biểu diễn trên khắp các sân khấu xiếc từ Nam ra bắc, trải qua bao cảm xúc vui buồn cùng nhiều hoàn cảnh sướng khổ đủ cung bậc, gặt hái nhiều huy chương giải thưởng trong nước đến quốc tế thì đến năm 1994, anh bị tai nạn rơi xuống từ độ cao 7 mét khi đang biểu diễn và suýt mất mạng. Sau cú sốc cùng với những đột ngột của sự khai phóng tinh thần, năm 1997, Kiên đã đi vào một bước ngoặt mà anh cho là định mệnh, đó là ôn luyện để thi vào Trường Mỹ thuật Hà Nội. Đến năm 2000, sau những ngày tháng kiên trì ôn luyện, tự mở mang cho mình cảm nhận về loại hình nghệ thuật mới, rốt cuộc anh cũng đã thi đỗ vào trường.
Chia sẻ với tôi vì sao bước chân sâu vào nghệ thuật sắp đặt thay vì rèn giũa trên giá vẽ, Doãn Hoàng Kiên kể: Khi đang còn là sinh viên năm thứ tư khoa Hội Họa, năm 2004, được Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội (Lespace) chọn tác phẩm tham gia triển lãm “Ánh mắt trẻ”, anh bắt đầu quan tâm đến nghệ thuật sắp đặt và trình diễn. Thời gian đó, sự nở rộ của các trung tâm văn hóa nước ngoài tại Việt Nam, đặc biệt là Anh, Pháp, Đức, quỹ Ford, sau đó là Đan Mạch, Nhật Bản, Hàn Quốc… đã là cầu nối cùng nguồn tài trợ để các nghệ sĩ thị giác Việt Nam tiếp xúc học hỏi trào lưu nghệ thuật mới trên thế giới. Không chỉ có sắp đặt, trình diễn, mà còn có cả thể nghiệm âm thanh, hay video art, hay hội họa Pop art… Hàng loạt các triển lãm, chương trình nghệ thuật được diễn ra, nhiều work shop được mở với những nghệ sĩ đương đại nổi tiếng thế giới diễn thuyết. Doãn Hoàng Kiên hòa nhịp chung vào không khí đó một cách tự nhiên bởi sự kích thích trí tưởng tượng cũng những gợi mở các ý tưởng nghệ thuật mới.
“Trong việc thực hành nghệ thuật, mỗi nghệ sĩ có một phương pháp, cách thức sáng tạo khác nhau. Với tôi thường thì bắt đầu từ việc tìm kiếm hình thức thể hiện sau đó mới đi đến phần nội dung của nó. Trong suy nghĩ của tôi để có một hình thức có nội dung cao đẹp và trí tuệ thì hình thức đó tự bản thân phải có sức mạnh của tri thức”.
Mất tới bốn năm chiêm nghiệm, nghiền ngẫm và thử nghiệm các loại hình ngôn ngữ nghệ thuật để thể hiện được ý tưởng, năm 2009 diễn ra Triển lãm Nghệ thuật thị giác cá nhân đầu tiên của Doãn Hoàng Kiên tại VietArt Center Hà Nội. Đây là một triển lãm kết hợp sắp đặt và hội họa do Quỹ Đan Mạch lựa chọn và tài trợ. Ý tưởng nghệ thuật trong triển lãm này là: “Những giới hạn trong cuộc sống, trong con người là vô vàn và mong muốn khám phá để vượt qua những giới hạn đó cũng là ước mơ, khát vọng của con người trước thế giới cho dù chỉ là đôi khi vượt qua được giới hạn này ta lại bắt gặp một giới hạn khác mà thôi”.
Tác phẩm sắp đặt của Kiên là từ những thanh tre sơn đỏ trắng, làm sao để ràng buộc kết nối với nhau như thể ngẫu hứng nhưng lại được tạo nên từ một trụ chắc chắn. Từng thanh tre đen xen vào nhau tạo nên cảm giác dày đặc như lạc vào khu rừng miên man không giới hạn, nhưng những màu đỏ trắng, lại thành những cảnh báo “dừng lại” của thanh chắn “barie”, và đó là biểu hiện của “giới hạn”. Đó là một sắp đặt cấu trúc (như Doãn Hoàng Kiên nói, mang một tên khác là điêu khắc không gian), “với sự kết hợp của hàng trăm cây tre, luồng to, nhỏ dài ngắn khác nhau sơn trắng đỏ giống như những cái baries mà anh thường thấy. Các cây tre được chằng buộc, ghì xiết, gắn kết với nhau, lúc có vẻ ngay ngắn, trật tự, khi thì chồng chéo, lộn xộn, lẫn lộn lên nhau… chiếm lĩnh các khoảng không gian khác nhau với các đường hướng khác nhau nhằm tạo ra những liên tưởng về những baries - những baries tinh thần của con người!
Triển lãm đã nhận được nhiều sự chia sẻ, quan tâm và ghi nhận của công chúng cũng như giới chuyên môn.
Từ năm 2009 đến 2013, Doãn Hoàng Kiên làm nhiều tác phẩm sắp đặt và trình diễn cũng như phim, ảnh thử nghiệm. Những hoạt động nghệ thuật anh tham gia phải kể tới: Sắp đặt “Hội tụ ánh sáng”, “Cầu âm thanh tại Studio của nghệ sĩ Đào Anh Khánh; tham gia Hanoi DocLab, phim tài liệu “the Garden” và trình diễn “Open Academy” - Goethe Institut, Hà Nội; tham gia Liên hoan Phim Tài liệu thể nghiệm tại Oberhausen, Germany; Liên hoan Vietnamese international film(VIFF) USA; Liên hoan Sasaran International Arts Festival 2011- Malaysia hay tham gia hoạt động nghệ thuật sắp đặt - MTV EXIT 201, Hà Nội...
“Khoảng thời gian từ 2014 đến 2017 là quãng thời gian khó khăn và nhạy cảm của tôi. Bố và cũng là người thầy đầu tiên của tôi đã mất sau một cơn bạo bệnh. Chứng kiến những thời khắc đau đớn và bi ai của bố, tôi đau khổ, suy sụp và bị trầm cảm nặng nề... Tôi không thể làm được gì khác ngoài việc gặm nhấm nỗi buồn thương trong 3 năm sau đó với việc uống rượu và chơi đồ kỷ vật chiến tranh, cho dù nỗi buồn đó cũng đã được an ủi phần nào khi năm 2015, con gái tôi được sinh ra như một sự đền bù thỏa đáng cho việc “ mất người, được người”.
Từ năm 2018, và năm 2019 là cuộc vượt thoát nỗi buồn bên mất mát bên trong để nghệ thuật có nơi chốn được hồi sinh. Doãn Hoàng Kiên quay trở lại với giá vẽ với những bức tranh trừu tượng. “Với tôi, trong nghệ thuật hội họa, việc bỏ qua sự mô tả, sao chép hiện thực khách quan, với thuần túy đường nét, mầu sắc, hình khối và biểu cảm mạnh mẽ, nghệ thuật biểu hiện và trừu tượng giúp tôi khám phá và giãi bày phần sâu thẳm bên trong tâm hồn mình. Thời gian này bên cạnh việc vẽ tôi vẫn tìm kiếm cơ hội cho những công việc thực hành nghệ thuật đương đại mà mình yêu thích cho dù thời điểm này là cực kỳ khó khăn cho việc tìm kiếm nguồn kinh phí tài trợ cho những dự án làm nghệ thuật đương đại của tôi. Nếu không có gì thay đổi cuối năm sau hoặc muộn nhất 2021 tôi sẽ trình bày một triển lãm cá nhân về hội họa giá vẽ, có thể sẽ kết hợp với cả phần nghệ thuật sắp đặt”.