Trong ký ức của nhiều người Việt Nam về điện ảnh thập niên 80 của thế kỷ trước, có lẽ không bao giờ xoá mờ hình ảnh một người hoạt động tình báo đội mũ phớt, khoác áo choàng, gương mặt cực kỳ đàn ông bước dưới rừng cao su. 8 tập phim Ván bài lật ngửa – xin nhấn mạnh là phim truyện nhựa, cho đến bây giờ vẫn là kỷ lục của điện ảnh Việt Nam. Trong đó, nghệ sĩ Chánh Tín trong vai đại tá tình báo Nguyễn Thành Luân là một vai diễn để đời, một vai diễn lớn nhất không phải chỉ với cá nhân ông, mà trở thành một biểu tượng của diễn xuất.
Nghệ sĩ Nguyễn Chánh Tín.
Rạng sáng ngày 4/1, NSƯT Nguyễn Chánh Tín đột ngột qua đời tại nhà riêng nhẹ nhàng sau một giấc ngủ. Ông sinh ngày 29/11/1952 tại Bạc Liêu. Là con trai của “hào kiệt” xứ Bạc Liêu - Nguyễn Chánh Minh - với Hoa khôi Lưu Ngọc Lan, ông sớm bộc lộ năng khiếu và đam mê với nghệ thuật. Khi đang học phổ thông ở trường Mạc Đĩnh Chi (TP. HCM), Chánh Tín đã theo đuổi đam mê ca hát. Năm 1972, Nguyễn Chánh Tín vào học trường Đại học Luật, nhờ sự giúp đỡ của nhạc sĩ đàn anh, ông hát tại các phòng trà ca nhạc nổi tiếng Sài Gòn lúc bấy giờ. Năm 1974, Chánh Tín đóng cặp với diễn viên Băng Châu trong phim Vĩnh biệt mùa hè của đạo diễn Lê Hoàng Hoa. Trước đó, ông đã xuất hiện trên màn ảnh rộng trong phim Đời chưa trang điểm của đạo diễn Hoàng Vĩnh Lộc.
Năm 1974, Chánh Tín kết hôn cùng ca sĩ Bích Trâm. Họ song ca ăn ý trên sân khấu các đại học cũng như nhiều phòng trà thời đó. Sau đó, họ gia nhập đoàn kịch nói Bông Hồng của nghệ sĩ Thẩm Thúy Hằng rồi bước chân vào điện ảnh với bộ phim Tình đất Củ Chi. Năm 1982, Chánh Tín được chọn đóng vai đại tá Nguyễn Thành Luân trong phim Ván bài lật ngửa của đạo diễn Lê Hoàng Hoa…
Tiểu sử nghệ sĩ Chánh Tín còn kéo dài một khúc nữa, với nhiều bộ phim ông đóng, những bộ phim khác do ông ở vai trò sản xuất, nhiều chương trình ca nhạc, truyền hình, tạp kỹ ông tham gia, nhưng nói đến Chánh Tín, tốt hơn cả chỉ nên dừng lại ở vai đại tá Nguyễn Thành Luân của Ván bài lật ngửa – vai diễn khiến tên tuổi ông trở nên nổi tiếng và quen thuộc khắp hang cùng ngõ hẻm.
Thành công của Ván bài lật ngửa gồm nhiều yếu tố. Trong đó phải kể đến vai trò của nhà biên kịch Nguyễn Trường Thiên Lý (bút danh của nhà văn Trần Bạch Đằng) với tiểu thuyết gốc ban đầu là Giữa biển giáo rừng gươm. Chính ông Trần Bạch Đằng cũng là người giới thiệu diễn viên Chánh Tín với đạo diễn Lê Hoàng Hoa cùng lời nhận xét: “Diễn xuất của Chánh Tín chân thật, tự nhiên và có một nét gì đó khác người”.
Tiếp đó là vai trò đạo diễn, Lê Hoàng Hoa là một đạo diễn lớn và làm phim ăn khách nhất của điện ảnh miền Nam trước 1975. Ván bài lật ngửa được làm từ 1982 đến 1987, suốt cả thập niên 80 ấy nó tạo lên một cơn sốt (tất nhiên không phải sốt thương mại như bây giờ) kéo dài sang cả đầu thập kỷ 90. Theo các nguồn tư liệu thì ước tính Ván bài lật ngửa có khoảng 10 triệu lượt người xem mỗi tập. Có một thế hệ xem phim Ván bài lật ngửa chiếu trên màn ảnh rộng không phải chỉ ở thành phố trong các rạp phim mà khắp các bãi chiếu phim ở nông thôn, miền núi, hải đảo. Chúng tôi vẫn muốn nhấn mạnh rằng bây giờ chúng ta xem phim truyền hình dài tập là chuyện bình thường. Nhưng Ván bài lật ngửa là phim truyện nhựa dài tập. Đó là một câu chuyện hoàn toàn khác. Nó giống các loạt phim điện ảnh Mỹ hay làm hiện nay như kiểu Điệp viên 007 nhưng mỗi tập phim độc lập hoàn toàn. Còn Ván bài lật ngửa là phim điện ảnh nhưng cả 8 tập kể một câu chuyện và buộc phải xem đủ cả 8 tập mới kết thúc một bộ phim. Kể một câu chuyện quá dài, Ván bài lật ngửa không đuối một tập nào, hình ảnh, âm nhạc, diễn xuất đều đậm đặc ngôn ngữ điện ảnh. Đặc biệt nhất là lời thoại, khúc triết và tiết chế, sâu sắc và bùng nổ. Sức hấp dẫn của bộ phim có lẽ còn bởi đề tài tình báo. Bộ phim mô phỏng quãng đời hoạt động của các nhân vật tình báo được cho là có thật ngoài đời. Trong đó nhân vật chính - đại tá Nguyễn Thành Luân do Chánh Tín thủ vai - chính là tình báo viên Phạm Ngọc Thảo.
Năm 1982, bộ phim được bấm máy và quay xong tập 1. Tuy nhiên, vai nam chính lúc đầu là người khác đã không thành công lắm, vì vậy nhà văn Trần Bạch Đằng đã giới thiệu Nguyễn Chánh Tín vào vai chính như đã nói ở trên. Trong phim còn có một lần thay diễn viên là nữ diễn viên Thúy An vào vai Thùy Dung trong 3 tập đầu, khi chuẩn bị quay tập 4 thì cô không thể tham gia do đang mang thai. Và ca sĩ Thanh Lan được đạo diễn Lê Hoàng Hoa chọn vào thay thế. Về các vai diễn phụ của bộ phim, có lần nghệ sĩ Chánh Tín kể lại: “Có người trong số họ là dân bán áo quần cũ trong chợ Soái Kình Lâm, cũng như chuyên đạp xe đi mua đồ lạc xoong. Nhưng đến khi họ nhập vai thì chính tôi cũng khiếp!”.
Nghệ sĩ Nguyễn Chánh Tín trong “Ván bài lật ngửa”.
Trở lại với đại tá Nguyễn Thành Luân của Chánh Tín. Người ta nói rằng kịch bản rất lôi cuốn, các lời thoại có chiều sâu giữa các nhân vật … đã đành. Nhưng thành công lớn phải kể vào tài diễn xuất xuất thần của Nguyễn Chánh Tín. Bộ phim ngay lập tức giành về giải đặc biệt Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 6 năm 1983, giải Bông sen bạc Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 7 năm 1985, và giải nam diễn viên chính xuất sắc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 8 năm 1985, nhờ vào sự thể hiện ấn tượng vai diễn đại tá Nguyễn Thành Luân của tài tử Nguyễn Chánh Tín.
Thoạt đầu phim được dựng từ nguyên tác bản thảo kịch bản Giữa biển giáo rừng gươm của nhà văn Trần Bạch Đằng, nhưng Ván bài lật ngửa đã thành công tới mức sau này năm 1986, kịch bản phim đã được nhà văn Trần Bạch Đằng chuyển thể ngược thành tiểu thuyết cùng tên và được tái bản nhiều lần. Tôi vẫn nhớ như in cảm giác của những ngày hồi hộp xem từng tập phim Ván bài lật ngửa ở bãi chiếu phim ngoài trời, một bãi đất trống. Những là Con nuôi vị giám mục, Quân cờ di động, Phát súng trên cao nguyên, Cơn hồng thuỷ và bản tango số 3, Trời xanh qua kẽ lá, Lời cảnh cáo cuối cùng, Cao áp và nước lũ, Vòng hoa trước mộ… Tôi ngờ rằng hồi ấy, ít người lại không biết đến những tên gọi từng tập phim ấy. Những buổi chiếu phim bãi len lỏi khắp các làng quê khiến Nguyễn Chánh Tín trở thành thần tượng làm thổn thức trái tim nhiều cô gái.
Nhà báo chuyên viết về điện ảnh Lê Hồng Lâm đã viết trên trang cá nhân khi nghe tin Chánh Tín qua đời: “Quả là vậy, Nguyễn Chánh Tín không chỉ có một gương mặt điển trai, một khí chất quý ông lịch lãm hiếm có khó tìm trên màn ảnh Việt, mà ông còn chinh phục khán giả bằng lối diễn xuất rất điềm tĩnh và tiết chế, cách nhả thoại khoan thai, từ tốn, ngay cả trong những tình thế cân não, ngàn cân treo sợi tóc hay kẻ thù bao vây tứ phía. Trong cuộc đối đầu cân não với Ngô Đình Nhu ở tập phim cuối cùng (Vòng hoa trước mộ) khi biết thân thế của mình bị lộ, hai người đàn ông ở hai chiến tuyến vẫn cho thấy phong thái và khí chất đàn ông tuyệt vời của họ. Ông Nhu nói, “Anh đã thắng tôi trong ván bài mà mọi con bài đều lật ngửa. Anh nắm nhiều chủ bài hơn tôi. Ngay phút này đây, tôi vẫn có thể xóa anh, nhưng tôi không làm việc đó. Tôi không muốn anh chịu chung số phận với chúng tôi. Anh nên ra đi trước khi quá muộn”. Nguyễn Thành Luân từ tốn đáp lại, “Cám ơn anh. Điều lớn nhất đối với tôi là Tổ quốc, là lý tưởng mà tôi theo đuổi. Tôi hy vọng, tổng thống và anh gặp may mắn”. Sau đó, ông Nhu cho bảo vệ đưa Nguyễn Thành Luân ra khỏi đường hầm an toàn, còn ông ta ở lại để chờ một cái án tử sắp đến. Trường đoạn này chỉ xuất hiện trong khoảng 5 phút của tập 8, với bối cảnh cuộc đảo chính Diệm - Nhu nổ ra, và nó cho thấy cách xây dựng tâm lý đặc sắc của đạo diễn Lê Hoàng Hoa.”
Có lẽ cho đến giờ này, sau nhiều thăng trầm của điện ảnh Việt, cho dù ngày này người ta đã có thể làm phim với rất nhiều tiền, cũng khó lòng có thể có một tác phẩm vượt qua được Ván bài lật ngửa ở nhiều khía cạnh, cũng như không có được một Nguyễn Chánh Tín thứ hai, đạt tới biểu tượng về diễn xuất.
Trước khi qua đời, Nguyễn Chánh Tín có những năm tháng trở thành nhân vật của truyền thông với những thông tin như vỡ nợ. Nguyễn Chánh Tín từng mở Hãng phim Chánh Phương, nhưng làm ăn không may mắn. Phá sản ở tuổi xế chiều, ông phải bán ngôi biệt thự ở quận 10 để dọn vào ở trong một chung cư tại huyện Nhà Bè. Phim cuối cùng Nguyễn Chánh Tín tham gia là Em chưa 18… Nhưng chắc chắn trong ký ức những người yêu điện ảnh, thông tin ông từng mắc nợ nần hay đóng phim Em chưa 18 sẽ chỉ thoảng qua, không ai còn nhớ nữa. Chỉ còn lại một Ván bài lật ngửa tầm cỡ, một nhân vật điện ảnh tầm cỡ Nguyễn Thành Luân mà ông đã góp phần quan trọng tạo ra như một biểu tượng đáng tự hào của điện ảnh Việt Nam.