Sau Bóng, Lửa & Gió - ba cuộc chơi mà dương cầm thủ Phó An My dùng piano để đối thoại với 3 loại hình nghệ thuật dân gian là hát chầu văn, tuồng và chèo – tay đàn này chuyển sang con đường mới: “Độc thoại” với nền tảng văn hóa Tày - Nùng.
Nghệ sĩ dương cầm Phó An My thăng hoa trên sân khấu (Nguồn: Vietnamplus).
Sau ba cuộc đối thoại
Phó An My rất khác đời, khác người. Âm nhạc đối với cô không phải là điện ngà tháp ngọc, cũng không phải nghề nghiệp mưu sinh. Cây piano của cô là giọng nói, là tiếng hát, là âm thanh, là ngôn ngữ, là giao diện để cô lãng du trong cuộc đời. Cuộc chơi lớn bất tận của người đàn bà có lối chơi đàn bão tố.
Là một nghệ sỹ dương cầm hiếm hoi của Việt Nam từng chơi ở nhà hát Philharmonia, Phó An My luôn đau đáu trong việc làm thế nào để âm nhạc của Việt Nam được nhận diện trên dàn giao hưởng thế giới. Cô muốn dù được chơi bằng nhạc cụ gì, từ bác học đến bình dân, âm thanh của Việt vẫn phải được nhận diện.
Thế nên, sau bao thời gian trầm ngâm trên phím ngà, cô và người em Đặng Tuệ Nguyên - một nhà sáng tác âm nhạc cũng còn rất trẻ, nhất là trong lĩnh vực được cho là “uyên bác” này - đã tìm cách dùng piano để diễn xướng âm nhạc truyền thống.
“Bóng” là nốt nhạc khởi đầu cho chuyến phiêu lưu đầy rùng mình và sửng sốt. Piano chưa từng được nghĩ sẽ xuất hiện trong các giá hầu đồng. Hơn thế nữa, Phó An My lại là nghệ sỹ liều lĩnh khi dám đưa văn hoá hầu bóng, chầu văn vốn bị coi là “nghệ thuật bóng tối” lên sân khấu hạng nhất Việt Nam.
Không lâu sau âm hưởng của “Bóng”, nghệ thuật diễn xướng hầu bóng và hát chầu văn được UNESCO coi là di sản văn hoá phi vật thể của thế giới? Có sự ngẫu nhiên nào ở sự ghi nhận này không?
Rồi tiếp tục là Tuồng (Lửa) và Chèo (Gió) được tiếng đàn piano của Phó An My dẫn dắt lên sân khấu nghệ thuật chính thống, bác học. Chúng được làm mới, đóng gói, dán mác “Âm nhạc Việt Nam” và gửi tới các đôi tai thính nhạc toàn cầu.
Cơn chơi điên rồ nhưng lãng mạn và đầy tính toán đó của Phó An My chắc hẳn gợi lên được nhiều điều. Âm nhạc, nhạc cụ là giống nhau, nhưng bản sắc của nó mới đem lại giá trị riêng. Với cây đàn piano, Phó An My đã tấu lên những khúc nhạc tràn đầy tính nhạc Việt Nam.
Đến một cuộc "độc hành"
Sau 12 năm trăn trở với âm nhạc dân tộc bằng phương pháp sáng tác và biểu diễn, năm 2017 bộ đôi Phó An My và Đặng Tuệ Nguyên tiếp tục muốn khai phá để chuyển tiếp sang một chu trình sáng tạo mới.
Ở cơn điên mới này sẽ là những phút giây thăng hoa của bút pháp sáng tác, nghệ thuật độc tấu và hòa tấu nhạc cụ bám rễ sâu, nở hoa từ âm nhạc cổ truyền. Phương thức sáng tác mới có thể gọi là “Độc thoại” dân gian được thể hiện bằng ngôn ngữ âm nhạc thính phòng giao hưởng đương đại.
“Độc thoại” là những tác phẩm âm nhạc hoàn chỉnh lấy chất liệu âm nhạc bằng motif nguyên tố nhỏ nhất, hoặc bằng hơi “không khí âm nhạc” dân gian. Âm nhạc “Độc thoại” được mô phỏng như những khoảnh khắc tự ngẫm, tự cảm, tự vấn của người nghệ sĩ bám sâu, bám chắc vào mảnh đất văn hóa cội nguồn của mình.
Lấy bối cảnh là phong cảnh, đời sống, văn hóa và âm nhạc dân gian của đồng bào Tày - Nùng, những cộng đồng dân cư sinh sống đan xen và gần gũi nhau trên vùng núi phía Đông Bắc Việt Nam. Người Nùng và người Tày cùng có chung cây Tính Tẩu - cây đàn đặc dụng trong tín ngưỡng thờ Then (Trời).
Tuy nhiên, mỗi dân tộc, mỗi vùng có nhiều nét riêng, chẳng hạn dân ca của người Tày có hát lượn, người Nùng có hát Shi, người Tày có múa Chầu, người Nùng có múa Xiên Tâng... Người Tày ở Thái Nguyên, Bắc Cạn có hát Nàng Ới, hát Lượn, hát Cọi...
Những tác phẩm hoàn chỉnh được liên kết thành một bức tranh toàn cảnh của một không gian cảm xúc sáng tạo và biểu cảm thống nhất. Và lần này trên chặng đường “Độc thoại”, đêm diễn đầu tiên của Phó An My sẽ diễn ra tại Nhà Hát Lớn (Hà Nội) vào 20h00 ngày 1/12/2017 với cái tên: “ĐỘC HÀNH”.
Đó là một chuyến “Độc Hành” đúng nghĩa khi không có Tổng đạo diễn hay nhà tài trợ nào. Nhưng với khán giả, đừng để Phó An My độc hành. Hãy cỗ vũ cho cô bằng sự hiện diện phủ kín Nhà Hát Lớn, và bằng những tràng pháo tay khi cánh màn nhung buông xuống. Chỉ vậy thôi là đủ cho một cuộc chơi.