“Sài Gòn mình thương nhau” là nhóm làm việc thiện nguyện của gia đình nghệ sĩ Võ Trân Châu, trong hoàn cảnh dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư tại TP HCM. Thông qua các công việc thiện nguyện, các thành viên trong gia đình mong muốn có thể giúp đỡ, chia sẻ thực phẩm đến những hoàn cảnh khó khăn, người dân lao động nghèo hay y bác sĩ nơi tuyến đầu...
PV:Trước đây, ngoài công việc liên quan đến nghệ thuật, chị vốn ít tiếp xúc giao lưu và sống khá khép kín?
Nghệ sĩ Võ Trân Châu: Đúng vậy. Tôi ngại đám đông và ít giao lưu, nên chọn cho mình cuộc sống gần gũi với gia đình và thiên nhiên nhiều hơn.
Lý do nào mà chị quyết định trợ giúp người nghèo khi đợt dịch thứ tư này tới?
- Mọi chuyện đến khá là tự nhiên, khi đợt dịch thứ tư này tới, tôi cảm thấy lần này dịch có vẻ phức tạp hơn những lần trước và kéo theo là sự khó khăn hơn đối với những người lao động nghèo… Thế là tôi bàn với gia đình và quyết định làm một điều gì đó cho bà con.
Đợt hàng đầu tiên, chị và gia đình đã góp sức ra sao để thực phẩm, rau củ đến với người dân?
- Giai đoạn xử lý đợt hàng đầu tiên là khi thành phố chưa thực hiện giãn cách xã hội. Chúng tôi để thực phẩm, rau củ trước cửa nhà ở Thủ Đức và nhà bạn ở Bình Thạnh, dành cho tất cả mọi người, ai đi ngang cần thì lấy, đồng thời đóng gói thực phẩm thành các phần rồi đưa cho các hội nhóm tình nguyện viên đi xe máy và xe đạp có rờ móc để trao quà tận tay những người lao động ngoài đường phố và trong các ngõ hẻm khắp các quận ở TP HCM.
Mọi người trong gia đình và bạn bè tôi đã tập trung cao độ và cùng nhau đóng góp công sức bằng tất cả nhiệt huyết, thời gian và sức lực có được… để có thể giúp được càng nhiều người càng tốt trong bối cảnh hiện nay.
Nhóm tôi ban đầu dự định hoạt động bằng số tiền nhỏ gom góp từ các thành viên gia đình, nhưng sau đó, khi đã làm và thấy hiệu quả được đổi bằng nụ cười và những bữa ăn ấm lòng người lao động, y bác sĩ… Lúc đó tôi, anh trai và chị dâu bắt đầu kêu gọi đóng góp thêm từ bạn bè, người quen trên trang cá nhân. Việc hỗ trợ ban đầu từ anh chị em bạn bè thân thiết, rồi dần lan toả đến nhiều người hơn, từ Bắc đến Nam, với các ngành nghề khác nhau… Rồi những buổi vận động quyên góp từ các hoạt động thể thao hay các buổi đấu giá tranh online… được gửi về để ủng hộ cho chương trình của chúng, cho người dân TP.HCM… thật sự rất xúc động.
Khi thành phố thực hiện giãn cách theo chỉ thị 15 và 16, chị đã làm thế nào để mang được hàng hóa, lương thực thực phẩm tới các khu phong tỏa/ cách ly để giúp đỡ người dân?
- Khi có chỉ thị của thành phố về việc hạn chế ra đường thì cũng là lúc các khu phong tỏa, cách ly ở TP M nhiều lên gấp bội. Trước tình hình đó, việc để thực phẩm trước nhà hay đưa cho tình nguyện viên đi phát ngoài đường đã không còn phù hợp nữa, do đó chúng tôi đổi cách thức. Do làm việc thiện nguyện nên xe riêng của chúng tôi được cấp giấy đi đường, vì thế không bị khó khăn việc đi lại. Sau khi tổng hợp danh sách các nơi cần thực phẩm, chúng tôi chất đồ đầy xe rồi đưa thẳng đến các khu phong toả, cách ly, hay những xóm trọ nghèo… đang gặp khó khăn về lương thực. Ngoài ra, chúng tôi cũng hỗ trợ các bữa ăn xế, và bếp ăn trưa cho các y bác sĩ tuyến đầu.
Cảm xúc, suy nghĩ của chị khi chứng kiến sự khó khăn của người dân vào lúc dịch bệnh này?
- Tôi cũng không biết nói sao, ngoài sự thương quí và cảm thông cho những phận đời bất hạnh giữa dịch bệnh lúc này. Khi làm thiện nguyện, tôi càng gặp được những hoàn cảnh thương tâm, nhiều khi chạnh lòng và không cầm được nước mắt… Tôi chỉ mong mình có đủ sức lực để có thể giúp cho họ được nhiều hơn, không chỉ là những bữa ăn mà còn là sức khoẻ tinh thần để vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Việc giúp đỡ mọi người, dù rất cẩn thận, nhưng không thể tránh có thể vô tình tiếp xúc với người nhiễm, anh chị có lo lắng về việc này không?
- Dĩ nhiên là không thể không có lo lắng rồi, vì chúng tôi còn có con nhỏ và bố mẹ già. Tuy nhiên, nếu quá sợ hãi thì ai sẽ giúp những người khó khăn? Và dù nếu có lo lắng, khi những tin nhắn “cầu cứu” lương thực được gởi về liên tục, thì thật sự, lòng chúng tôi cũng không thể ở yên được, nên công việc cứ thế mà làm đều đặn.
Chính vì thế, ngay khi phường của chị bị phong tỏa vì nhiều ca nhiễm thì vẫn thấy nhóm của chị không dừng việc thiện nguyện?
- Bây giờ nhiều người lâm vào bế tắc vì đói, con nít thiếu sữa… thì dù có khó khăn, chúng tôi vẫn cố gắng hết sức để có thể có mặt và giúp mọi người vượt qua cơn hoạn nạn. Lúc phường tôi bị phong toả, thật sự việc đi lại đến các điểm nóng khó khăn hơn hẳn, nhưng chúng tôi cũng được hỗ trợ phần nào vì là xe chở lương thực cứu trợ… và lúc đi, chúng tôi cũng khá thận trọng, mặc đồ bảo hộ và giữ khoảng cách để an toàn cho tất cả.
Khi dây phong tỏa vừa được gỡ, việc đầu tiên của chị là lại tiếp tục giúp đỡ người dân khó khăn vì dịch bệnh?
- Khi phường tôi gỡ phong tỏa thì việc đi lại có dễ dàng hơn đôi chút, mừng nhất là việc nhận hàng hóa từ nhà phân phối thực phẩm cũng dễ hơn. Và chúng tôi cũng vẫn tiếp tục công việc là kêu gọi hàng hoá, đóng gói rồi đưa đến các nơi khó khăn.
Khi giúp đỡ được mọi người, tôi thấy niềm vui trong chị?
- Khi làm việc này không chỉ tôi mà gia đình và những người xung quanh đều nhận được niềm vui và nguồn năng lượng tích cực. Giờ đây, rất nhiều những người bạn mới quen và tôi cùng giúp đỡ người khác, cùng chia sẻ thực phẩm với nhau. Chúng tôi hay đùa rằng cứ như đang sống ở xã hội không tiền bạc, vì ai cũng mở lòng để cho đi.
Mong muốn của chị với TP HCM lúc này là gì?
- Đương nhiên là tôi mong muốn TP HCM trở lại cuộc sống bình yên như trước kia, tiếng xe cứu thương không còn dồn dập… Tôi mong mọi người khỏe mạnh và TP HCM khỏe mạnh!
Xin cảm ơn chị!