Tối thứ 7 và Chủ nhật hàng tuần, ở công viên phía đông cầu Rồng thành phố Đà Nẵng lại vang lên những câu hát Bài Chòi, níu chân du khách.
Bài Chòi đang trở thành sản phẩm du lịch ở Đà Nẵng .
7h tối Chủ nhật, tại vỉa hè đường Trần Hưng Đạo thành phố Đà Nẵng, cả trăm người vây quanh khu vực diễn hát Bài Chòi. Khi trò chơi bắt đầu, cả khúc sông gần cầu Rồng rộn rã tiếng cười của du khách bởi những câu hát dí dỏm của những người hô hát bài chòi.
Anh Nguyễn Bùi Hóa, hiện đang sống và làm việc tại Cộng Hòa Séc cho biết, mỗi dịp về thăm quê cứ tối thứ bảy và chủ nhật hàng tuần anh cùng gia đình tới chân cầu Rồng nghe hát Bài chòi. "Từ hôm về tới nay, đêm nào tôi cũng ra đây nghe Bài Chòi, tôi thấy rất thú vị. Ở đây, chúng tôi vừa được nghe Bài Chòi vừa được tham gia một trò chơi, và đã nhận được giải. Tôi cảm thấy rất vui", anh Nguyễn Bùi Hóa chia sẻ.
Mỗi người chơi Bài Chòi được nhận một thẻ có giá 30.000 đồng/thẻ, trên đó có dán 3 lá bài khác nhau, ngồi trong chòi nghe người hô hát cho đến khi có người thắng cuộc là hết một lượt chơi. Phần thưởng mà du khách nhận được là một biểu tượng về cầu Rồng, Đà Nẵng.
Ông Trịnh Công Sơn, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bài Chòi thuộc Trung tâm Văn hóa Đà Nẵng cho biết, từ một thú chơi dân dã, chơi bài chòi đã trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo. Hiện nay, số lượng khách du lịch tham gia chơi bài chòi ngày càng đông. Theo ông Trịnh Công Sơn, đưa bài chòi xuống phố là ý tưởng hay, đưa những cái đẹp của nghệ thuật dân gian đến gần với khán giả.
"Đêm nào biểu diễn ở đây cũng có khách du lịch không riêng gì người Việt Nam, có cả khách nước ngoài, châu Âu có, châu Á có. Có những đêm tôi cũng tự dịch cho khách nước ngoài, để cho họ biết cách chơi, và người ta chơi rất say sưa và thích thú. Mỗi đêm như thế này có khoảng năm ba chục người để chơi và họ rất thích thú nghệ thuật dân gian này", ông Trịnh Công Sơn nói.
Du khách thích thú tham gia chơi Bài chòi.
Thành phố Đà Nẵng hiện có 9 câu lạc bộ Bài Chòi tại các quận Cẩm Lệ, Sơn Trà, Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn và huyện Hòa Vang. Bà Nguyễn Thị Hội An, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao thành phố Đà Nẵng cho biết, Bài Chòi là sản phẩm văn hóa có tính đại diện, thể hiện bản sắc văn hóa của thành phố. Đây cũng là trò chơi dân gian mộc mạc, mang hơi thở cuộc sống của cộng đồng dân cư. Di sản nghệ thuật Bài Chòi dân gian đang được bảo tồn và phát huy gắn với hệ thống di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Bà Nguyễn Thị Hội An cho rằng, đưa Bài Chòi xuống phố, Đà Nẵng đã tạo nên nét đẹp riêng trong lòng du khách: "UNESCO đã công nhận Bài Chòi là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Năm nay, chúng tôi tăng cường thêm không gian diễn xướng bài chòi ở các quận huyện như: quận Thanh Khê, huyện Hòa Vang và Trung tâm thành phố. Bài Chòi sẽ được diễn liên tục để cho người dân và du khách biết thưởng thức loại hình nghệ thuật này".