Nghệ thuật cộng đồng thúc đẩy sự nhận thức và phát triển của con người

Việt Quỳnh (thực hiện) 19/07/2020 14:00

“Nghệ thuật cộng đồng gắn bó mật thiết với đời sống dân sinh, tính chất lịch sử văn hóa của nơi chốn, và xuất hiện đa dạng hơn về hình thái (bao gồm cả tác phẩm cụ thể hay hành vi kiến tạo/ tham gia nghệ thuật)”.

Nhà tổ chức - quản lý nghệ thuật Nguyễn Anh Tuấn.

Với kinh nghiệm tổ chức, quản lý nhiều các chương trình nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật đương đại, nhà tổ chức - quản lý nghệ thuật Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ:

“Thực ra trong thời kì nào nghệ thuật đều có sự phát triển và nảy nở ở mọi hình thái không gian và đáp ứng nhiều nhu cầu khác nhau. Nghệ thuật trong bảo tàng, gallery, salon cô đọng sự tinh túy và hàm lượng thẩm mỹ-văn hóa, có tính hàn lâm và phục vụ cho mục đích-nhu cầu phát triển kiến trúc thượng tầng như giáo dục, phát triển con người hay thưởng thức có chọn lọc, có cả yếu tố liên quan đến kinh tế và phân tầng xã hội trong nhận thức-tiếp cận.

Nghệ thuật trên đường phố - hoặc cụ thể hơn là nghệ thuật ở không gian công cộng dành cho tất cả mọi người hoặc được thiết kế cho một cộng đồng-không gian cụ thể, hàm chứa đặc tính về lịch sử, văn hóa, tập tục và hành vi của cộng đồng đó, đặc điểm của không gian vật lí và biểu đạt tinh thần mà cộng đồng muốn truyền tải. Với nghệ thuật công cộng, yếu tố quyết định thành công phần lớn là chủ thể sáng tạo - nghệ sĩ. Với nghệ thuật cộng đồng thì phức tạp và phụ thuộc vào nhiều thành tố bên ngoài nghệ thuật.

Chúng ta cũng cần làm rõ hai khái niệm ‘nghệ thuật công cộng’ (NTCC - Public Art) và ‘nghệ thuật cộng đồng’ (NTCĐ - Community Arts). NTCC là tác phẩm nghệ thuật đặt để ở không gian công cộng (quảng trường, công viên, sân chơi…) nơi mọi người tự do đi lại, tiếp cận. NTCC thường (mặc dù có thể không) có tính áp đặt và chủ đích/ ý tưởng rõ rệt về nhận thức và thẩm mỹ. Nghệ thuật cộng đồng thì phức tạp hơn và gắn bó mật thiết hơn với đời sống dân sinh, tính chất lịch sử văn hóa của nơi chốn, và xuất hiện đa dạng hơn về hình thái (bao gồm cả tác phẩm cụ thể hay hành vi kiến tạo/ tham gia nghệ thuật).

Một lớp học vẽ, chụp ảnh ngắn dành cho nhóm trẻ em vùng cao đã là hoạt động NTCĐ, một bức tranh tường mà nghệ sỹ và người dân cùng vẽ cũng là NTCĐ. NTCĐ thúc đẩy sự nhận thức và phát triển của con người, mang yếu tố giáo dục, hữu cơ với không gian và cộng đồng nơi đó. NTCĐ cũng làm khó hơn, phức tạp và thậm chí kéo dài với những dự án nhiều tháng hay nhiều giai đoạn, để thấy được tính hiệu quả hay phán xét nó thất bại hoặc thành công.

NTCĐ còn thường đi kèm các nghiên cứu đánh giá tác động nhiều mặt. Vì bản chất của dự án NTCĐ là nằm trong nhóm dự án phát triển xã hội, dùng nghệ thuật để thay đổi xã hội theo từng mục tiêu cụ thể như giáo dục hành vi, giáo dục tâm lý, tạo hoàn cảnh sống tốt đẹp hơn, hấp dẫn du lịch hay môi trường hoặc chính trị”.

“Những dự án NTCĐ thường phi lợi nhuận, và có sự tham gia của nhiều bên, ít nhất là nhà tổ chức, nghệ sỹ, người dân (thêm cả chính quyền địa phương và nhà tài trợ nếu có). Một phức hợp 4-5 bên như vậy, công tác tổ chức sẽ phức tạp hơn nhiều vì bản chất của dự án cộng đồng là dùng nghệ thuật để tạo ra tác động xã hội, vì vậy tất cả các bên trong dự án đều cần cảm nhận những tác động đó, và cùng tham gia vào đó.

Nghệ sĩ làm việc trong dự án NTCĐ cũng luôn vất vả và phải hy sinh nhiều. Bởi vì bản chất phi lợi nhuận và mang nặng tính thực nghiệm cùng yêu cầu phát triển đồng đều, những dự án này đều có kinh phí thấp hoặc không có. Nghệ sĩ gần như phải tự đầu tư để tham gia từ đầu. Việc nghiên cứu tiền dự án thường kéo dài, và có rủi ro khi có thể không tìm ra giải pháp, đành phải bỏ và nghệ sĩ/ nhà tổ chức chịu thiệt hại mất thời gian, công sức và tiền bạc cá nhân nữa”.

“Tác động của một dự án NTCĐ như thế nào, phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Có thể có là dự án tốt hấp dẫn du lịch nhưng lại có nguy cơ tạo ra ảnh hưởng tới môi trường, nếu nhận thức quản lý địa phương và ứng xử người dân không theo kịp. Tác động của dự án NTCĐ có sự đánh giá ngắn hạn và dài hạn. Ngắn hạn là xem nó có thỏa mãn các mục tiêu đã đặt ra hay ko: làm đẹp, kêu gọi du lịch, cải tạo môi trường sống… Dài hạn là những hiệu ứng - ảnh hưởng bởi dự án tác động như thế nào đến môi sinh và con người ở nơi chốn đó, như tác động môi trường, tác động kinh tế, tác động giáo dục hay nhận thức văn hóa và đời sống văn minh. Chúng ta đã có đánh giá như vậy khi tiếp cận với dự án NTCD hay chưa?”.

“Như trên đã nói, để làm tác phẩm NTCC, nghệ sĩ chủ yếu làm việc ở xưởng để tự nghiên cứu và sản xuất tác phẩm. Còn để tham gia NTCĐ, nghệ sỹ đòi hỏi hy sinh và đầu tư lớn hơn nhiều lần. Trong lịch trình thời gian của họ, việc đi khảo sát thực địa, đối thoại với người dân, tự nghiên cứu tài liệu, làm việc với chuyên gia trong từng lĩnh vực cụ thể, song song với việc phát triển ý tưởng và tạo tác tác phẩm là gần tương đương nhau. Cảm hứng sáng tạo sản sinh từ đối thoại đa chiều và nghiên cứu tri thức thực địa, thì tác phẩm hay công việc mới gắn kết với cộng đồng, tạo ra sức lan tỏa và sức sống tự sinh”.

“NTCĐ ngày càng cộng sinh với đời sống, cũng như càng ngày sẽ chạm tới những vấn đề nghiêm túc hơn, sâu sắc hơn và tham gia tích cực hơn vào thay đổi cuộc sống. Nó đòi hỏi thái độ và sự dấn thân của người khởi xướng, sự nghiêm túc xuyên suốt ba quá trình trước-trong-sau dự án. Tôi nghĩ không chỉ riêng tôi, mà những người có suy nghĩ và mong muốn dùng nghệ thuật để tác động cộng đồng sẽ càng ngày càng cần sự cẩn trọng và kĩ lưỡng hơn với những dự án trước mắt.

Hiện tại chúng tôi (Heritage Space) đang phát triển một dự án trên nền tảng trực tuyến về lưu trữ nghệ thuật, phi lợi nhuận và tiếp cận miễn phí cho mọi người. Đây là một chương trình dài hơi và cần nhiều đầu tư về thời gian, con người và tiền bạc, cũng sẽ là trọng tâm tương lai của chúng tôi trong những năm tới. Tôi đã có nhiều năm nghĩ đến dự án này, và cả nhóm làm việc của chúng tôi cũng dành ra gần 6 tháng để nghiên cứu cách thức thực hiện. Hy vọng dự án sẽ ra mắt thành quả đầu tiên vào cuối năm 2020”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nghệ thuật cộng đồng thúc đẩy sự nhận thức và phát triển của con người