Nghệ thuật đương đại Việt Nam: Qua những 'con mắt xanh'

Trần Trà My 20/11/2016 10:00

5 tháng trước, khi dự án “AIA Vietnam Eye: Nghệ thuật đương đại Việt Nam” khởi động tại Hà Nội, nhiều người vẫn còn bán tín bán nghi về sự khả thi. Bởi lúc ấy, mọi thứ dường như mới manh nha. Thế nhưng, tuần qua, cũng tại Hà Nội, khi bước chân vào triển lãm “AIA Vietnam Eye: Nghệ thuật đương đại Việt Nam” tại Casa Italia (18 Lê Phụng Hiểu, Hà Nội) và cầm cuốn sách trên tay, thì mọi nghi ngờ đã tan biến.

Tác phẩm Boat-home-boat của nghệ sĩ Ly Hoàng Ly.

1. Đây là dự án thứ 8 của Global Eye Programme- một chương trình bắt đầu từ năm 2009 bởi David và Serenella cùng Saatchi Gallery nhằm nuôi dưỡng tài năng nghệ thuật tại các thị trường nghệ thuật mới nổi ở khu vực châu Á. Lẽ ra cơ hội để các nghệ sĩ đương đại Việt Nam bước vào “sân chơi” này sẽ chưa đến, nếu không có một cuộc gặp gỡ “định mệnh”.

Theo ông David Ciclitira - Gám đốc của Parallel Contemporary Art, vào đầu năm 2016, chính xác là tháng 1, ông có gặp ông Đỗ Ngọc Minh- nhà sáng lập Soi và LUALA Concert.

Khi đó ông Minh có hỏi rằng: “Tại sao chúng ta không làm chương trình này tại Việt Nam?”, và kết quả là dự án đã được thực hiện tại Việt Nam. Nhưng đó là cái cớ, còn một sự cắc cớ hơn, vẫn theo David: “Nghệ thuật đương đại Việt Nam trong vài năm qua đã thực sự được biết đến nhiều với công chúng trên thế giới. Nhưng lại chưa được biết đến nhiều tại Việt Nam, nên tôi thực sự muốn mang chúng đến với công chúng tại Việt Nam cũng như là với những khách du lịch tại Việt Nam”.

Cũng bằng “con mắt xanh” để phát hiện những tài năng, ông Wayne Besant- Giám đốc điều hành của AIA Việt Nam cho rằng, nền nghệ thuật đương đại Việt Nam đang phát triển rất mạnh mẽ, sôi động với nhiều sắc màu đa dạng. Càng ngày càng có nhiều nghệ sĩ trẻ giàu nhiệt huyết và sức sáng tạo.

Vì vậy, “chúng tôi tin rằng nghệ thuật có ảnh hưởng quan trọng đến giáo dục, kinh tế, sức khỏe và sự phồn thịnh xã hội. Chúng làm giàu trí tưởng tượng và sức sáng tạo của chúng ta; giúp ta kết nối tốt hơn với mọi người”, ông Wayne Besan nói, “Chúng tôi cảm thấy rất vinh dự vì thông qua dự án AIA Việt Nam Eye, chúng tôi không chỉ có cơ hội làm việc với nhiều nghệ sĩ mà còn có thể trở thành cầu nối giữa các nghệ sĩ với những người yêu nghệ thuật và cộng đồng”.

Cuốn sách về nghệ thuật đương đại Việt Nam.

2. Từ 180 hồ sơ, BTC đã chọn ra 56 nghệ sĩ cùng các tác phẩm của họ để giới thiệu trong cuốn sách “AIA Vietnam Eye- Contemporary Vietnamese Art” (do NXB SKIRA - Italia, ấn hành). Bên cạnh thông tin về từng nghệ sĩ, cuốn sách có những bài viết giới thiệu về bối cảnh của nghệ thuật đương đại Việt Nam, mang đến cho người đọc cái nhìn sâu sắc về các nghệ sĩ đương đại Việt Nam.

Về tiêu chí lựa chọn nghệ sĩ và tác phẩm, ông David Ciclitira cho biết, các giám tuyển đã làm việc với nhau kỹ lưỡng, mục đích là đưa được nghệ thuật đương đại đến nhiều hơn với công chúng, sao cho công chúng trên thế giới thấy được sự đa dạng của nghệ thuật đương đại Việt Nam.

Với các nghệ sĩ có tác phẩm tương tự nhau thì giám tuyển lựa chọn những tác phẩm gần hơn với mục đích của dự án. “Chúng tôi lựa chọn những tác phẩm có thể phản ánh được những vấn đề đương đại. Tôi tin rằng những tác phẩm này là công cụ rất mạnh mẽ để khiến cho con người hiểu hơn về cuộc sống đang diễn ra”, ông David Ciclitira nhấn mạnh.

Theo tiết lộ hậu trường, dự án sẽ in 1.500 cuốn để phát miễn phí, sau đó, đơn vị xuất bản sẽ bán trên thị trường thế giới. Có thể nhiều người sẽ bất ngờ khi đại diện BTC đã nhận xét: Cuốn sách mang đến bức tranh về một trong những thị trường mới mẻ và thú vị nhất của nền nghệ thuật toàn cầu. Việt Nam đã phát triển nhanh chóng trong 10 năm qua với một thế hệ nghệ sĩ đương đại mới, những người đã nỗ lực cân bằng các vấn đề văn hóa và xã hội với góc nhìn đậm tính đương đại.

Đồng thời với cuốn sách này, một cuộc triển lãm cũng đang diễn ra Casa Italia, kéo dài đến 13/1/2017. 19 nghệ sĩ được chọn tác phẩm trong triển lãm này, có người đã thành danh, có người mới nổi như: Hà Mạnh Thắng, Ly Hoàng Ly, Hoàng Dương Cầm, Nguyễn Mạnh Hùng, Nguyễn Thế Sơn, Lê Thúy, Nguyễn Trí Mạnh, Nguyễn Văn Đủ...

Tác phẩm “Nhà mặt phố” của nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn.

Triển lãm được giám tuyển bởi bà Serenella Ciclitira (nhà sáng lập Parallel Contemporary Art), ông Nigel Hurst (Giám đốc điều hành của Saatchi Gallery), ông Niru Ratnam (Giám đốc START) và nghệ sĩ Trần Lương.

Bên cạnh triển lãm chính, dự án cũng bao gồm một chuỗi các triển lãm pop-up diễn ra tại nest by AIA ở Hà Nội và TP HCM.

Các triển lãm pop-up sẽ là sự kết hợp giữa các diễn đàn trao đổi do các nghệ sĩ thực hiện và các hội thảo giáo dục cho trẻ em và gia đình. Triển lãm pop-up đầu tiên giới thiệu các tác phẩm của nghệ sĩ Hà Trí Hiếu vừa diễn ra vào ngày 19/11 tại Hà Nội.

Ông Nigel Hurst- Giám đốc điều hành Saatchi Gallery: Sự hợp tác đặc biệt này là một cơ hội tuyệt vời để giới thiệu nền nghệ thuật mới từ Việt Nam đến với đông đảo khán giả quốc tế hơn, đồng thời mang đến một nền tảng nghệ thuật độc đáo mà nguồn năng lượng và tầm nhìn được thể hiện trong các tác phẩm của nhóm nghệ sĩ Việt Nam xứng đáng được ghi nhận. Những nghệ sĩ tham gia lần này đã cho thấy tài năng cũng như tầm nhìn đáng nể của họ.

Niru Ratnam- Giám đốc START: Đây thật sự là một thế hệ nghệ sĩ thú vị và tôi tin rằng triển lãm này sẽ là cơ hội để thể hiện rằng nghệ thuật đương đại Việt Nam là một hiện tượng mà các giám tuyển, tác giả và nhà sưu tập quốc tế nên bắt đầu chú ý một cách nghiêm túc.

3. Chia sẻ về những ấn tượng với nghệ thuật đương đại Việt Nam, ông Nigel Hurst- Giám đốc điều hành Saatchi Gallery cho rằng, “rất ấn tượng khi xem những tác phẩm của nghệ sĩ Việt Nam”.

Phân tích kỹ hơn, ông lý giải: “Nổi bật lên đó là những kĩ năng nghệ thuật của người nghệ sĩ, sự đa dạng trong phong cách. thông qua những tác phẩm (mà dự án chọn triển lãm), quý vị có thể thấy nhiều mặt khác nhau của Việt Nam, những lát cắt về đường phố, văn hóa…”.

Trong khi đó, khi được hỏi về những điểm mạnh, điểm yếu của thị trường nghệ thuật đương đại Việt Nam là gì?, bà Serenella Ciclitira cho rằng: “Đối với nghệ thuật thì rất khó để đưa ra được cái gọi là điểm mạnh điểm yếu”.

Tuy nhiên, bà Serenella Ciclitira cũng đã nhấn mạnh: “Không nghi ngờ gì, nền nghệ thuật đương đại Việt Nam đang ngày càng được quan tâm hơn. Chương trình triển lãm và cuốn sách này sẽ đem đến cơ hội để thế giới biết được những điều đang thực sự diễn ra tại một trong những nền nghệ thuật thú vị nhất hiện nay”.

Họa sĩ trẻ Việt Nam và Giải sáng tạo lên đến 2,6 tỷ đồng

Cuộc thi Họa sĩ trẻ chuyên nghiệp - Vietart Today 2016 do The V Art và CLB Họa sĩ trẻ (Hội Mỹ thuật TP.HCM) phối hợp tổ chức, dành cho các họa sĩ Việt Nam có tuổi đời dưới 40 (sinh từ 1976 trở về sau). Theo đó, giải Nhất sẽ gồm 100 triệu đồng tiền mặt, một chuyến đi tham quan hội chợ nghệ thuật ở Singapore, ký hợp đồng độc quyền 5 năm với nhà tài trợ chính (Galerie Nguyen), với số tiền mua tác phẩm lên đến 2,5 tỷ đồng. Giải Nhì cũng có kết cấu tương tự, với tổng giá trị hơn 1,5 tỷ đổng, giải Ba hơn 1 tỷ đồng.
Tác phẩm dự thi là tranh giá vẽ với các chất liệu như sơn dầu, acrylic, sơn mài, chất liệu tổng hợp… Mỗi họa sĩ nộp 1 hoặc 2 bộ tranh cá nhân, gồm từ 3 đến 10 tác phẩm cùng một bộ, kích thước mỗi chiều không nhỏ hơn 60 cm. Bên cạnh đó là tuyên ngôn nghệ thuật hoặc ý tưởng sáng tác, tiểu sử về quá trình hoạt động nghệ thuật...
Ngoài tiến sĩ nghệ thuật Ildegarda E. Scheidegger (nguyên là giám đốc phụ trách mảng mỹ thuật châu Á của nhà đấu giá Sotheby’s), ban giám khảo còn có giám tuyển Thanh Kiều Moeller (Singapore), nhà sưu tập Julie Lâm (Canada), nhà sưu tập Olivier Do Ngoc (Luxembourg), và họa sĩ Trần Thanh Cảnh (Chủ nhiệm CLB Họa sĩ trẻ, Hội Mỹ thuật TP.HCM).
Thời gian cuối nhận đăng ký dự thi qua email là 17 giờ ngày 6/12. Ngày công bố 20 bộ tranh được chọn xét giải là 10/12. Đêm trao giải dự kiến diễn ra cuối tháng 2/2017 tại TP HCM.

Việt Tú

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nghệ thuật đương đại Việt Nam: Qua những 'con mắt xanh'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO