Là một trong những nghề lâu đời và đặc trưng ở vùng biển Cầu Ngang (tỉnh Trà Vinh), những người đi mong (một loại ván trượt bằng gỗ) trên bãi bồi đánh bắt thủy sản là một nghề vô cùng độc đáo, gần như không có ở bất cứ nơi đâu. Thậm chí đi mong còn được coi là nét văn hóa dân gian khi cư dân địa phương tổ chức các cuộc thi trượt mong dành cho thanh niên trai tráng trong vùng.
Kiếm cơm giữa bùn lầy
Trong khoảng thời gian từ tháng 3 tới tháng 8 hàng năm, khi mà mùa khô ở ven biển miền Tây vào giai đoạn cao điểm thì cũng là lúc thu hút nhiều người đi mong nhất. Ngày nay, dù không còn quá phổ biến như trước kia nhưng các bãi bồi ở Mỹ Long Nam, Mỹ Long Bắc hay bên phía cồn Ngang, cồn Nạng (đều ở huyện Cầu Ngang) vẫn thu hút hàng chục người đi mong.
Có mặt tại khu vực cửa sông Cổ Chiên đổ ra biển ở ấp Nhì (xã Mỹ Long Nam, Cầu Ngang) vào sáng sớm, khi thủy triều vừa rút chúng tôi thấy hàng chục thanh niên đang lướt như bay trên những bãi bùn phẳng lì, dài ngút mắt. Người dẫn đường cho chúng tôi, anh Nguyễn Văn Trường 35 tuổi bảo nhiều người dân ở đây đi mong từ sáng sớm. Thủy triều rút tới đâu, dân chạy mong theo tới đó để đánh bắt vì công việc này ngày càng khó khăn. Theo anh Trường, dù bản thân không làm nghề đi mong nhưng anh hiểu rất rõ công việc này. Thậm chí trước kia lúc rảnh rỗi, anh vẫn theo bạn đi mong để kiếm thêm tôm cá mang về sử dụng. Và không chỉ có anh, gần như tất cả cư dân sinh ra và lớn lên ở vùng biển Mỹ Long (nay tách thành thị trấn Mỹ Long, xã Mỹ Long Nam và Mỹ Long Bắc) đều có thể đi mong, cả trẻ em lẫn phụ nữ. Vừa nghe anh Trường kể, vừa nhìn theo tay anh chỉ chúng tôi thấy xa xa trên bãi bồi dài mút mắt là những bóng người đang lướt đi. Chốc chốc họ dừng lại, cúi người thấp xuống, thậm chí nằm bẹp trong bùn lầy.
Chờ đợi một hồi chừng nửa tiếng thì có một người đi mong chạy gần lại chỗ chúng tôi, đó là anh Trần Văn Hồ, 31 tuổi, ngụ tại xã Mỹ Long Nam. Anh Hồ bảo dọc bãi bồi ven biển ở đây rất nhiều cá, tôm, cua... nhưng chúng nằm sâu trong đất, trong các vũng bùn non nhão. Để bắt được chúng không còn cách nào khác là phải lội xuống bùn nhưng ở trong bùn di chuyển thường rất khó khăn. Vì vậy từ xa xưa cư dân địa phương đã sáng tạo ra loại ván trượt bằng gỗ nhỏ để có thể trượt dễ dàng trên mặt bùn nhão nhằm dễ dàng săn bắt thủy sản hơn. Vừa nghe anh kể, chúng tôi vừa quan sát kỹ hơn chiếc mong của anh. Nó được làm bằng tấm ván gỗ dài chừng một mét, rộng khoảng 0,3 mét. Tấm ván được thiết kế sao cho vừa bền chắc, vừa nhẹ để có thể di chuyển dễ dàng trên bùn nhão. Ngoài ra, anh còn làm thêm một cái nẹp để đặt chiếc thùng nhựa, nơi sẽ đựng các sản phẩm khi bắt được. Ở phía đầu chiếc mong, anh còn buộc thêm hai miếng cao su bằng lốp xe máy cắt ra để khi quỳ gối lên đó chạy mong thì bớt đau hơn so với mặt gỗ.
Cũng theo anh Hồ, hầu hết mong ở đây đều được làm từ gỗ mù u, gỗ me để có thể chịu được nước và lại bền. Khi bắt cá, ngư dân có thể ngồi trên mong và đẩy đi nhưng thông thường thì đặt một chân lên mong, một chân để dưới bùn làm lực đẩy. Như vậy vừa nhẹ, vừa kiểm soát tốc độ khi cần dừng lại. “Hầu hết cá, cua đều nằm sâu trong bùn, gốc bần ven biển nên khi trượt mong thấy chỗ nào có cá thì mình dừng lại. Trượt mong không cần thiết phải đi nhanh mà chỉ cần dễ dàng, nhẹ nhàng là đủ. Nhưng trượt mong chỉ là một phần bởi phát hiện ra các hang có cá, cua và bắt được chúng mới quan trọng. Mong chỉ là dụng cụ để di chuyển chứ không có chức năng săn bắt” - anh cho biết thêm.
“Trước mỗi ngày trượt mong mình có thể kiếm được 5-6 ký cá bống sao, bống tượng hay cá kèo ngon ơ chứ giờ bắt thêm cả nghêu, cả cua cũng chưa nổi 2 ký. Vùng biển này xưa cá tôm nhiều vô kể thì nay cạn kiệt thấy rõ. Số người còn gắn bó với nghề đi mong cũng vậy, chỉ thưa thớt vài người. Mà nhiều khi bãi bồi này không còn thủy sản gì, phải chạy ghe vỏ lãi từ sớm sang bãi bồi bên kia cồn Ngang, cồn Nạng chờ triều rút để đi mong. Bên kia xa hơn nhưng ít người biết, dễ đánh bắt nhưng bãi ngắn. Thời gian từ lúc triều kiệt tới triều lên chỉ chưa đầy hai giờ đồng hồ còn bên này bãi bồi dài, thời gian gần gấp đôi” - anh Hồ chia sẻ thêm.
Theo quan sát của chúng tôi, trong bãi biển dài cả chục cây số và rộng gần cây số này có rất nhiều thủy sản giá trị như cá bống sao, bống tượng, cá thòi lòi hay cua biển. Ở khu vực này chế độ thủy triều mỗi ngày 2 lần, lúc sáng sớm và chiều tối là nước rút để lộ ra mặt biển. Hầu hết người dân ở đây đều đi mong buổi sáng vì thuận lợi, kéo dài khoảng 3 tới 4 giờ đồng hồ. Buổi chiều tối cũng có thể đi mong để săn bắt nhưng khó khăn hơn, thường phải sử dụng thêm cả đèn pin mới nhìn rõ đường. Nhưng buổi tối có nhiều loại cá lớn hơn.
Nghề hiếm còn sót lại
Một người đi mong khác, ông Trần Văn Sang, 65 tuổi, cha của anh Hồ cho biết bản thân ông gắn bó với nghề này mấy chục năm nay. “Người đi mong quanh năm lấm lem bùn đất từ đầu tới chân. Bởi mong chỉ là công cụ để di chuyển, còn muốn bắt được cá cua phải dầm mình sâu trong bùn đất. Những loài thủy sản sinh sống ven cửa biển, cửa sông thường có thói quen ẩn mình sâu trong bùn khi thủy triều xuống và ngoi lên khi triều lớn để bắt mồi. Nhiều những hang cua dài cả mét, để bắt được chúng rất cơ cực. Ngay cả cá bống cũng vậy, chúng chui vào các hang có sẵn đó để ẩn mình chứ ít khi nằm trơ trọi trên mặt bùn cho mình bắt. Nếu ai không chịu cực khổ được thì sẽ rất khó để gắn bó với nghề này” - ông Sang cho biết.
Là vùng đất gắn bó với nghề biển thuộc loại lâu đời ở dải đất châu thổ, nơi cửa sông Cổ Chiên đổ ra biển với cồn Ngang, cồn Nạng đã tạo thành những bãi bồi rộng lớn. Hàng năm, phù sa từ thượng nguồn ở tận bên Lào, Campuchia cũng theo dòng Mê-Kông đổ ra biển ở khu vực này khiến các bãi bồi nơi đây rất rộng lớn. Đó không chỉ là thế giới mưu sinh nhiều đời dân biển Mỹ Long mà còn tạo ra một nét văn hóa đi mong. Những cư dân lớn tuổi như ông Sang cho biết chừng hai chục năm trước, người dân trong vùng vẫn thường tổ chức lễ hội đua mong mỗi năm vài lần, trong những dịp đặc biệt. Trên những bãi bùn cát dài lúc sáng sớm, những thanh niên làng biển sử dụng mong của mình để trượt qua quãng đường vài cây số. Có khi trượt cả chục cây số rồi quay lại. Ai lướt nhanh nhất sẽ được những phần thưởng, được tôn vinh. Tuy nhiên thời gian sau đó, khu bãi biển được trồng thêm nhiều loại cây trang, cây bần... để làm nhiệm vụ chắn sóng khiến bãi bồi tuy không bị thu hẹp nhưng bị chia nhỏ ra. Những gốc cây, rễ cây nhô lên từ bùn như những bàn chông khiến cho việc đua mong không còn được duy trì. Thậm chí ngay cả những người mưu sinh bằng nghề này cũng bị ảnh hưởng, vì các loại thủy sản dễ dàng lẩn tránh vào đám rễ cây hơn trước.
Mặt trời lưng chừng cũng là lúc con nước bắt đầu lên. Nước từ phía mé biển đã tràn vào, từ từ nhưng thế giới của người đi mong đã bị thu hẹp lại. Đây cũng là lúc họ thu xếp đồ nghề để đi về, chờ đợi con nước triều ngày hôm sau. Thế nhưng, rất có thể ít thời gian nữa, cái vòng quay mưu sinh tưởng chừng đơn giản ở ven vùng biển xa xôi này sẽ mất đi mãi mãi, khi mà những người đi mong ngày càng thưa thớt dần.