Nhu cầu mua đồ lưu niệm của khách du lịch khi đến Việt Nam là rất lớn, nhưng thị trường quà tặng vẫn nghèo nàn, các làng nghề chủ yếu sản xuất phục vụ xuất khẩu, chưa chú trọng khai thác thị trường quà tặng để níu chân du khách.
Thời gian qua, nhiều địa phương đã chú trọng phát triển, sáng tạo các sản phẩm lưu niệm quà tặng du lịch với mong muốn phát triển kinh tế du lịch, tạo sinh kế cho người dân bản địa, đồng thời khẳng định bản sắc văn hóa. Tuy nhiên, phần lớn các sản phẩm còn trùng lặp, đơn điệu, chưa thể hiện nét riêng về vùng đất, con người.
Hà Nội nổi tiếng là đất trăm nghề với hơn 1.000 làng nghề thủ công truyền thống. Tuy nhiên, nhiều điểm đến lại thiếu những sản phẩm lưu niệm mang tính biểu trưng. Một số sản phẩm chưa bảo đảm sự tối ưu về chất lượng, kích cỡ để du khách, nhất là du khách nước ngoài thuận tiện trong vận chuyển, bảo quản lâu dài.
Ninh Bình cũng đang là điểm đến của nhiều du khách trong nước và quốc tế. Tuy nhiên sản phẩm quà tặng, quà lưu niệm của tỉnh Ninh Bình còn chiếm tỉ lệ nhỏ so với tổng số mặt hàng được bày bán, giới thiệu. Mẫu mã còn đơn điệu, chưa đa dạng, thiếu sức hút. Chính vì vậy, số lượng du khách tới Ninh Bình rất nhiều nhưng mức chi tiêu của họ tại đây còn khá hạn chế.
Cao Bằng không chỉ có lợi thế về tài nguyên văn hóa để phát triển du lịch mà làng nghề cũng là một trong những thế mạnh của địa phương này. Nhưng thực tế thị trường sản phẩm quà tặng, đồ lưu niệm ở tỉnh chưa phát triển tương xứng với thế mạnh du lịch vốn có.
Nói về nguyên nhân khiến một số sản phẩm quà tặng, lưu niệm của các làng nghề chưa được nhiều du khách biết tới, ông Vũ Thế Bình - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, do chưa chú trọng sản xuất sản phẩm phục vụ du lịch. Cùng với đó, chưa coi trọng việc đảm bảo sở hữu trí tuệ, không giữ được bản quyền, dẫn đến tình trạng nhiều mẫu sản phẩm quà tặng còn bị giả mẫu mã, thợ giỏi ở các làng nghề không thiếu và luôn có tinh thần lao động chăm chỉ. Nhưng điểm yếu là người thợ chỉ quen làm theo mẫu mã truyền thống, thiếu thiết kế mới để cải tiến sản phẩm.
Do đơn điệu, kém hấp dẫn nên thị trường quà lưu niệm hiện nay đang bị các sản phẩm nước ngoài lấn át.
Việc phát triển sản phẩm lưu niệm, quà tặng theo hướng gắn với bản sắc văn hóa là rất cần thiết để tạo nét riêng, định vị điểm đến cho du lịch từng địa phương và cả quốc gia. Ở các nước phát triển, quà lưu niệm du lịch không những mang lại nguồn lợi nhuận mà còn góp phần không nhỏ trong việc quảng bá hình ảnh đất nước, điểm đến... Tuy nhiên, tại Việt Nam, thị trường này dường như bị bỏ ngỏ.
TS Trương Sỹ Vinh - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho rằng, để phát triển các sản phẩm quà tặng, quà lưu niệm du lịch mang tính chuyên nghiệp, độc đáo thì cần có môi trường thông thoáng nhằm thúc đẩy doanh nghiệp kinh doanh quà tặng, quà lưu niệm, đảm bảo chất lượng và an toàn cho sản phẩm. Xây dựng, hoàn thiện các sản phẩm OCOP gắn với mục đích phát triển du lịch. Cùng với đó, cần có các chính sách, giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy các chủ thể sản xuất phát triển sản phẩm, tổ chức sản xuất gắn với quy hoạch và phát triển vùng nguyên liệu; cần có sự đầu tư cho các chiến lược phát triển sản phẩm đi đôi với chiến lược marketing; xây dựng liên kết, kết nối phát triển kênh phân phối các sản phẩm đặc sản, quà tặng du lịch và các sản phẩm OCOP gắn với các đơn vị kinh doanh du lịch.
Còn theo bà Tạ Thị Tú Uyên - Giám đốc Ban sản phẩm dịch vụ Vietravel Group, quà lưu niệm, quà tặng du lịch phải có sự độc đáo. Những sản phẩm toát lên được bản sắc riêng so với các sản phẩm cùng loại và có tính lịch sử, văn hóa địa phương, có môi trường, không gian diễn xướng, tái hiện quy trình sản phẩm.
PGS.TS Nguyễn Khắc Sử - Viện Khảo cổ học Việt Nam nhấn mạnh, quà lưu niệm di sản có ý nghĩa quan trọng góp phần quảng bá, lan tỏa, bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Nâng cao lòng tự hào và ý thức bảo tồn di sản của cộng đồng địa phương. Quà lưu niệm di sản là những chế phẩm do con người tạo ra dựa vào đặc thù riêng có, nổi bật của di sản văn hóa, nhằm làm quà tặng, quà lưu niệm cho du khách. Đó là những sản phẩm giúp du khách có thể sở hữu, trải nghiệm hoặc gợi lại một giai đoạn lịch sử của tự nhiên và xã hội ở một khu di sản nhất định.