Sau hơn một năm đi vào cuộc sống, Nghị định số 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS và MN) đã có những tác động tích cực tới đối tượng được thụ hưởng.
Nơi ở của đồng bào DTTS là “vùng trũng” của khó khăn, nghèo đói
Nước ta có 54 dân tộc anh em, trong đó dân tộc Kinh chiếm đa số, còn lại là 53 DTTS chiếm khoảng trên 14% dân số cả nước (trên 14 triệu người). Với đặc điểm của vùng đồng bào DTTS và MN là xuất phát điểm thấp, địa hình chia cắt, khí hậu khắc nghiệt, chất lượng nguồn nhân lực thấp; rất khó khăn trong việc thu hút đầu tư; cơ sở hạ tầng thấp kém, thiếu việc làm, đói nghèo, thiên tai, bệnh tật thường xảy ra. Vấn đề lớn nhất của vùng đồng bào DTTS và MN chính là thiếu đất sản xuất. Diện tích đất trồng trọt, chăn nuôi vốn đã hạn chế, thì nay việc gia tăng dân số đã tạo nên áp lực lớn hơn nếu đồng bào vẫn giữ lối canh tác truyền thống. Nhà cửa tạm bợ, tình trạng sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, hạn hán... làm cho đời sống của đồng bào DTTS đã khó khăn lại càng khó khăn thêm.
Bên cạnh đó, các thế lực thù địch liên tục lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để tuyên truyền, xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhất là những khó khăn về kinh tế của đất nước, an ninh chính trị vùng DTTS vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ổn về an ninh, trật tự.
Năm 2022, ngân sách nhà nước dành hơn 23.000 tỷ đồng để hỗ trợ người nghèo về phát triển sản xuất, tạo việc làm, giáo dục và đào tạo, y tế, nhà ở. Hệ thống cơ chế, chính sách giảm nghèo ngày càng được hoàn thiện hơn trước. Hạ tầng kinh tế - xã hội ở vùng miền núi, đồng bào dân tộc, vùng đặc biệt khó khăn không ngừng được tăng cường, khoảng cách mức sống giữa các vùng được thu hẹp dần.
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh, với việc triển khai hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS giảm hơn 3%; đời sống của người dân cơ bản ổn định, an sinh xã hội được bảo đảm. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS mặc dù đã giảm nhanh, nhưng tỷ trọng vẫn cao, thu nhập bình quân của đồng bào chỉ bằng 2/5 mức bình quân chung cả nước.
Hiện nay, cả nước còn khoảng 10.000 hộ DTTS di cư tự phát chưa được sắp xếp ổn định, hơn 58.000 hộ thiếu đất ở, hơn 460.000 gia đình cần được hỗ trợ nhà ở; hơn 300.000 hộ thiếu đất sản xuất.
Một chính sách nhân văn
Nhằm tạo điều kiện để vùng đồng bào DTTS và MN tiến kịp miền xuôi, ngày 14/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và MN giai đoạn 2021 - 2030, trong đó giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025.
Phạm vi của Chương trình là địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào DTTS và MN, trong đó ưu tiên nguồn lực để đầu tư cho các địa bàn đặc biệt khó khăn, xã an toàn khu thuộc vùng đồng bào DTTS và MN. Đối tượng của Chương trình là xã, thôn vùng đồng bào DTTS và MN; hộ gia đình, cá nhân người DTTS; hộ gia đình, cá nhân người dân tộc Kinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo sinh sống ở xã, thôn đặc biệt khó khăn.
Chương trình đặt mục tiêu là đến năm 2025 phấn đấu để mức thu nhập bình quân của người DTTS tăng trên 2 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS mỗi năm giảm hơn 3%; phấn đấu có 50% số xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; 70% thôn có đường ô tô đến trung tâm...
Để hiện thực hóa Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và MN giai đoạn 2021 – 2030, ngày 26/4/2022 Nghị định 28/2022/NĐ-CP được ban hành. Nghị định có ý nghĩa thiết thực và nhân văn, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào DTTS và MN. Chính sách tín dụng ưu đãi được người dân phấn khởi đón nhận với hy vọng nguồn vốn vay lãi suất thấp và thời hạn dài sẽ giúp họ sớm cải thiện điều kiện về đất sản xuất, đất ở, nhà ở, chuyển đổi nghề.
Nghị định 28/2022/NĐ-CP quy định cụ thể đối với từng mục đích vay. Ngân hàng Chính sách xã hội có trách nhiệm giải ngân nhanh nguồn vốn vay đúng đối tượng, đủ điều kiện, rõ ràng, công khai, minh bạch.
Thời hạn nguồn vốn vay hỗ trợ đất ở tối đa là 15 năm, trong 5 năm đầu khách hàng chưa phải trả nợ gốc. Lãi suất cho vay ưu đãi bằng 3%/năm. Thời hạn vốn vay hỗ trợ đất sản xuất, chuyển đổi nghề tối đa là 10 năm, lãi suất bằng 50% lãi suất cho vay đối với hộ nghèo quy định trong từng thời kỳ.
Tính đến ngày 30/6/2023, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tổng dư nợ tín dụng chính sách đạt 304.431 tỷ đồng, tăng 7,4% so với năm 2022; trong đó nguồn vốn vay thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và MN theo Nghị định 28/2022/NĐ-CP đạt hơn 1.500 tỷ đồng. Nguồn vốn đã giúp hàng triệu người nghèo nói chung và đồng bào DTTS nói riêng có nhà cửa ổn định, học nghề, ổn định sản xuất, nâng cao đời sống.