Vừa cất tiếng khóc chào đời, số phận đã không cho Thương có được cơ thể lành lặn như bao người khác. Nhưng cô gái ấy đã làm nên điều kỳ diệu: Cô đã viết lên cuộc đời mình bằng đôi bàn tay với một nghị lực phi thường.
Đã từ lâu Trung tâm đào tạo và dạy nghề Thương Thương trở thành “mái nhà chung” cho những mảnh đời bất hạnh.
Chúng tôi tìm đến thôn Nam Phú, xã Nam Phong, huyện Phú Xuyên để tìm gặp người con gái có nghị lực phi thường ấy. Đón khách, Thương vẫn nằm nghiêng trên chiếc phản nhỏ như một em bé giữa bốn bề là hàng thủ công. Chị đã kể cho chúng tôi câu chuyện cảm động về cuộc đời mình.
Sinh ra trong gia một gia đình có 4 anh chị em, Thương là con thứ hai nhưng đồng thời cũng là người kém may mắn nhất, khi vừa mới chào đời em đã phải mắc một căn bệnh xương thủy tinh bẩm sinh. Với một đứa trẻ mới sinh ra khi mắc chứng bệnh này thì chỉ cần một va chạm nhẹ hay động đậy mạnh là toàn bộ xương trên cơ thể có thể bị gãy và vỡ vụn ra tức thì, phải mất rất nhiều thời gian mới có thể lành lặn lại được.
Bồng bế đứa con trên tay mà người mẹ như đứt từng khúc ruột. Gia đình chạy đôn chạy đáo đưa Thương đi chữa ở cả ba bệnh viên Thanh Nhàn, Việt Đức, Nhi Thụy Điển. Đi đến đâu các bác sĩ cũng lắc đầu ngao ngán, bệnh viện cũng “bó tay” trả về.
Mặc dù được chăm nom cẩn thận nhưng không ít lần cô bé đáng thương ấy phải mang những đau đớn do va vấp, ngã. Vết thương cũ chưa lành thì vết thương mới lại tái phát, những chỗ xương bị gãy khiến Thương quằn quại đau đớn.
Sang tuổi thứ 5 nhưng thân hình Thương chỉ lớn bằng quả bí ngô, cái đầu chỉ nhỉnh hơn phần thân một chút. Đôi chân mềm nhũn, không có khả năng đi đứng được. Hầu hết mọi sinh hoạt của Thương đều phụ thuộc vào người thân trong gia đình.
Thấy con nhà hàng xóm cắp sách đến trường vui vẻ, mẹ Thương cũng quyết tâm cho con học cái chữ để bằng bạn bằng bè. Ngày nào cũng như ngày nào, đều đặn mẹ và chị thay phiên nhau cõng Thương đến trường chỉ với hy vọng cô có thể biết được mặt con chữ.
Đến lớp, đôi tay run run nâng cây bút và viết nguệch ngoạc được vài nét, những con chữ đầu đời với đủ các hình thù, lúc như giun bò, lúc như gà bới. Tay yếu, Thương phải dùng miệng ngậm bút để tập viết. Hai năm, Thương đã đọc thông và viết thạo.
Gia đình quá nghèo, mọi chi phí thuốc thang chạy chữa cho con đều nhờ cả vào đồng lương ít do bố kiếm được. Mẹ Thương ngày ngày chạy chợ lo ăn từng bữa. Nhiều lần em nằm khóc vì thương cha mẹ, nhưng không biết phải làm gì để có thể vượt qua được khó khăn.
Thế rồi năm 2005, một ý nghĩ táo bạo chợt lóe lên trong đầu Thương, em muốn học một nghề cho phù hợp, phần nữa là phụ giúp gia đình trong lúc khó khăn. Thương con nên bà Viên cũng không nỡ lòng nào ngăn cản. Thế nhưng cơ thể con yếu ớt đến đi lại, ăn uống còn khó nhọc chứ nói chi đến việc học nghề mà học nghề gì đây?
Thương kể: năm ấy mẹ chở đến Trung tâm “Vì ngày mai” ở quận Tây Hồ, Hà Nội. Ở đây, lần đầu tiên Thương được tiếp xúc học nghề với các công việc nhẹ, phù hợp như làm lọ hoa, đèn bàn bằng khuy áo, đan những túi đựng điện thoại, những chiếc khăn bằng len..
Sau đó, suốt ngày Thương giam mình trong phòng, hì hoáy với những cuộn len to hơn cả cánh tay mình. Càng làm đôi bàn tay nhỏ bé ngày càng khéo léo, những đường kim mũi chỉ dường như tinh tế hơn rất nhiều. Chỉ với 5 tháng học nghề, Thương đã có thể tự tay mình hoàn thành được một sản phẩm theo ý muốn.
Những sản phẩm đầu tay của chị tuy chưa hoàn thiện lắm nhưng trong đó gói ghém cả niềm tin, ý chí, sự kiên trì vượt qua nghịch cảnh. Kể từ ngày học được nghề, Thương lạc quan hơn, yêu đời hơn, nhìn mọi thứ xung quanh đều tràn đầy mơ ước. Cả ngày Thương chẳng đi đâu, chỉ làm bạn với những cuộn chỉ, vải vóc, kéo và giấy.
Năm 2009, Thương bắt đầu nghĩ đến việc có thể làm những sản phẩm này mang bán. Để sản phẩm do mình làm ra được nhiều khách hàng biết đến, dù không học một ngày nào về tin học nhưng Thương đã tự mò mẫm, học hỏi rồi thành lập một trang web Thuong Thuong.net nhằm quảng bá sản phẩm của mình rộng khắp hơn. Thành công đã đến với chị, nhờ trang web này, nhiều khách hàng tìm đến đặt hàng.
Khi đã có thể tự đứng vững và nuôi sống được bản thân bằng chính những đồng tiền ít ỏi kiếm được, Thương nghĩ đến những người thân, đồng cảm với những mảnh đời bất hạnh mà có chung số phận như em Thương quyết định mở lớp dạy nghề miễn phí.
Nhiều người sau khi học nghề đã tự làm và nuôi sống được bản thân mình với mức thu nhập hơn 2 triệu đồng/tháng. Có người còn mở được cơ sở nhỏ để kinh doanh.
Từ ngày mở trung tâm dạy nghề đã hơn 4 năm nhưng chính Thương cũng không thể nhớ hết số học viên tìm đến em để được học nghề. Hiện tại căn nhà nhỏ số 13, ngõ 11 Lương Định Của lúc nào cánh cửa cũng rộng mở và đầy ắp những tiếng cười của những học trò “đặc biệt”.
Gặp gỡ rồi tiếp xúc với Thương, không ai nghĩ cô gái xương thủy tinh năm nay ở cái tuổi 33 nhưng chỉ lớn bằng đứa trẻ lên 5, không có khả năng tự đi lại được, lại có thể làm được những công việc mà không phải người bình thường nào cũng làm được, tôi mới hiểu vì sao chị được Tập đoàn Phần mềm Microsoft tặng danh hiệu “Anh hùng thầm lặng”.
Song song đó, chị còn được UBND thành phố Hà Nội tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt”, được Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội tặng Bằng khen “Phấn đấu vươn lên đạt thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất, công tác và học tập” .