Nghị quyết 14/CP: Thiết lập phương thức sản xuất mới

Ngọc Quyết 05/04/2016 10:35

“Chương trình vay vốn theo chuỗi liên kết theo Nghị quyết 14/CP không chỉ thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp mà còn mang ý nghĩa rất thời sự, đó là vấn đề truy xuất nguồn gốc và thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm” - đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám. 

Nghị quyết 14/CP: Thiết lập phương thức sản xuất mới

Nông dân xã Đông Lợi (huyện Sơn Dương, Tuyên Quang)
không còn lo lắng tìm nơi bán mía khi tham gia chuỗi liên kết.

Thay đổi phương thức sản xuất

Ủy viên Bộ Chính trị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đánh giá cao sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, chính quyền địa phương trong triển khai chương trình. Trong thời gian tới NHNN sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, thể chế hóa chủ trương của Nhà nước để tạo cơ sở pháp lý cho doanh nghiệp, người nông dân và ngân hàng yên tâm triển khai thực hiện.

Những ngày cuối tháng 3, thời kỳ cao điểm thu hoạch mía, con đường dẫn vào nhà máy đường Sơn Dương (Tuyên Quang) từng đoàn xe tải chở mía nối đuôi nhau đợi cân để nhập vào nhà máy. Cười tươi như hoa bên ruộng mía đang thu hoạch ông Thạch Như Thăng (thôn An Khang, xã Đông Lợi, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang) cho biết, mía năm nay được mùa, năng suất tăng 5 tấn/ha so với mọi năm.

Sản lượng mía tăng một phần do tham gia vào chuỗi liên kết, giúp nông dân được ứng dụng khoa học kỹ thuật góp phần nâng cao năng suất cây mía trên một đơn vị diện tích. “Mía tới kỳ thu hoạch đưa về nhà máy để chế biến, chúng tôi không còn phải lo lắng tìm nơi bán. Sau khi công ty quyết toán, lấy giá trị của sản lượng mía trừ đi phí phân bón, mía giống, thuốc bảo vệ thực vật đã sử dụng…phần dôi dư là lợi nhuận chúng tôi được hưởng. Người dân được công ty cam kết bao tiêu sản phẩm với mức giá thu mua tối thiểu cố định (các vụ từ 2015 - 2020) cao hơn mức bán ngoài thị trường giúp người dân yên tâm sản xuất” - ông Thăng chia sẻ.

Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương (Tuyên Quang) là 1/28 doanh nghiệp tham gia thí điểm cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết 14. Nhờ được tiếp cận nguồn vốn 60 tỷ đồng theo chương trình này đã giúp công ty giữ vững vùng nguyên liệu, có đủ nguyên liệu để phục vụ sản xuất, đáp ứng công suất thiết kế và hạ giá thành sản phẩm.

Tổng giám đốc Công ty CP Mía đường Sơn Dương- Nguyễn Hồng Minh cho biết, tham gia vào chuỗi liên kết góp phần tăng thu nhập của người nông dân, gắn kết giữa công ty với nông dân trong chuỗi giá trị mà theo đó các bên đều có lợi. Góp phần đảm bảo thị trường đầu ra cho các hộ nông dân trồng mía, hạn chế khâu trung gian trong việc thu mua mía nguyên liệu thông qua việc ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm trực tiếp giữa công ty và các hộ dân trồng mía.

Ngoài mía đường, chuỗi liên kết sản xuất cá tra tại An Giang cũng được xem là một trong những điển hình của chương trình cho vay thí điểm. Dự án được vay tới 470 tỷ đồng để phát triển 50 ha cá tra nguyên liệu. Địa phương đã bước đầu hình thành được mô hình mẫu trong sản xuất theo chuỗi công nghệ cao. Sau hơn một năm thực hiện thí điểm “Chuỗi liên kết dọc cá tra” cho thấy mô hình này đã giải quyết được những khó khăn, bế tắc tồn tại nhiều năm nay đối với lĩnh vực này.

Ông Nguyễn Văn Tấn (xã Bình Thủy, huyện Châu Phú, An Giang) tham gia chuỗi liên kết sản xuất cá tra với Công ty Thuận An (An Giang) được hơn một năm. Diện tích thả nuôi 32.000 m2, sản lượng bình quân khoảng 1.398 tấn/năm.“Trước đây khi còn nuôi tự do, tự kiếm mối bán thì gặp đủ thứ khó khăn. Cá tới lứa bán phải chạy vạy tìm nơi tiêu thụ nhưng nhiều khi bán không được. Nay tham gia chuỗi liên kết, cá tới lứa, thu hoạch ngay đưa về nhà máy để chế biến xuất khẩu, chúng tôi không còn phải lo lắng tìm nơi bán cá nữa. Sau khi công ty quyết toán, lấy giá trị của sản lượng cá trừ đi phí thức ăn, thuốc men đã sử dụng…, phần dôi dư là lợi nhuận, chúng tôi chỉ việc đến ngân hàng nhận tiền”.

Tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách

Trên cơ sở đề nghị của UBND các tỉnh, thành phố, liên Bộ thống nhất lựa chọn 28 doanh nghiệp trên toàn quốc thực hiện 31 dự án tại 22 tỉnh, thành phố tham gia chương trình cho vay thí điểm mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp. Với một số cơ chế đặc thù như mức lãi suất cho vay ngắn hạn 6,5%/năm, thậm chí một số dự án có lãi suất còn thấp hơn và được vay tín chấp, kiểm soát dòng tiền qua các khâu của chuỗi liên kết trong nông nghiệp, sau gần 02 năm triển khai đã giải ngân được gần 7.000 tỷ đồng vượt cam kết ban đầu.

Chương trình vay vốn theo chuỗi liên kết theo Nghị quyết 14 không chỉ thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp mà còn mang ý nghĩa rất thời sự, đó là vấn đề truy xuất nguồn gốc và thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám cho biết, thị trường trong nước cũng cạnh tranh quốc tế, chứ không phải chỉ có thị trường xuất khẩu mới có cạnh tranh quốc tế. Người tiêu dùng hiện nay rất quan tâm đến an toàn thực phẩm, khi có sự cố về an toàn thực phẩm thì cần thiết phải truy xuất đến từng nguồn gốc nơi sản xuất, chỉ có tổ chức sản xuất theo chuỗi thì mới thực hiện được việc truy xuất nguồn gốc. Bởi vậy, cho vay theo chuỗi giá trị không chỉ thúc đẩy tái cơ cấu mà còn phục vụ cho việc chỉ đạo, sản xuất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Doanh nghiệp được các ngân hàng đảm bảo về nguồn vốn, ổn định nguồn nguyên liệu, giảm giá thành sản phẩm. Người nông dân được doanh nghiệp cung cấp đầu tư, kỹ thuật đầu vào, bao tiêu đầu ra, có thu nhập ổn định và yên tâm phát triển sản xuất. Qua đó thúc đẩy chuyên nghiệp hóa trong sản xuất nông nghiệp, phát huy lợi thế, cơ hội, ứng dụng công nghệ cao nhằm nâng tầm, quy mô sản xuất của doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại địa phương và tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Tổng giám đốc Công ty Thuận An (An Giang), Nguyễn Thị Huệ Trinh cho biết, cơ chế cho vay thí điểm này đã giải quyết được những khó khăn về vốn sản xuất,việc không đủ tài sản bảo đảm để vay vốn nuôi cá. Bởi vì hiện nay, khi đầu tư sản xuất cho 1 ha mặt nước nuôi cá tra với sản lượng 350 tấn thì vốn đầu tư cần thiết là trên 7 tỷ đồng, trong khi đó, theo quy định hiện hành, giá trị 1 ha đất nuôi cá khi thế chấp chỉ vay được khoảng từ 500 – 600 triệu đồng, chỉ đáp ứng khoảng 10% tỷ lệ bảo đảm theo quy định. Vì vậy, khi cơ chế cho vay thí điểm chuỗi liên kết được ban hành và triển khai thì khó khăn này đã được giải quyết.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nghị quyết 14/CP: Thiết lập phương thức sản xuất mới

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO