Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV

08/07/2023 09:16

Sau 2,5 ngày làm việc nghiêm túc, dân chủ, trách nhiệm, có tính xây dựng cao, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 5 đã thành công tốt đẹp, thu hút được sự quan tâm của cử tri cả nước.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN).

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Nghị quyết số 100/2023/QH15 về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Quốc hội thống nhất đánh giá sau 2,5 ngày làm việc nghiêm túc, dân chủ, trách nhiệm, có tính xây dựng cao, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 5 đã thành công tốt đẹp, thu hút được sự quan tâm của nhân dân và cử tri cả nước.

Quốc hội ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ trên các lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội, dân tộc, khoa học và công nghệ, giao thông vận tải và thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn, giám sát chuyên đề có liên quan, đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Qua chất vấn, Quốc hội nhận thấy vẫn còn không ít tồn tại, hạn chế và bất cập cần khắc phục.

Quốc hội cơ bản tán thành với các giải pháp, cam kết mà Bộ trưởng các Bộ: Lao động- Thương binh và Xã hội, Khoa học và Công nghệ, Giao thông vận tải, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc và các thành viên khác của Chính phủ báo cáo tại phiên chất vấn.

Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao tập trung thực hiện những giải pháp, cam kết, sớm khắc phục những tồn tại, hạn chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực được chất vấn, thực hiện hiệu quả các mục tiêu, chương trình, chiến lược trong các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Đảng và các quy định của pháp luật.

Hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội

Đối với lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội, Quốc hội yêu cầu triển khai hiệu quả các chủ trương của Đảng, luật, nghị quyết của Quốc hội và chiến lược, quy hoạch về giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, góp phần thực hiện thành công đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Rà soát, hoàn thiện chính sách, pháp luật về giáo dục nghề nghiệp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, bảo đảm gắn với thị trường lao động theo hướng mở, liên thông, hiện đại, hội nhập và thích ứng.

Tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách và thực hiện tự chủ theo lộ trình, đẩy nhanh chuyển đổi số, áp dụng quản trị tiên tiến đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, gắn với yêu cầu và xu hướng phát triển của thị trường lao động.

Một phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN).

Rà soát, sắp xếp lại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm quy mô, cơ cấu hợp lý về ngành, nghề, trình độ đào tạo; chú trọng các ngành nghề, lĩnh vực đào tạo có thế mạnh; đến năm 2025, giảm khoảng 20% cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập so với năm 2020, trong đó: Giảm khoảng 40% trường trung cấp công lập; nâng tỷ lệ cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lên khoảng 45%.

Chú trọng phát triển giáo dục nghề nghiệp ở nông thôn, vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo.

Hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo đảm mở rộng, khuyến khích người lao động, người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm xã hội, hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân; khắc phục hiệu quả tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội và các hành vi gian lận, trục lợi khác, hạn chế tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần; bảo đảm công tác quản lý, đầu tư Quỹ Bảo hiểm xã hội an toàn, bền vững và hiệu quả.

Thu hút nguồn lực đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc

Nghị quyết nêu rõ: Đối với lĩnh vực dân tộc, quyết liệt triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc, đặc biệt là Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về công tác dân tộc trong tình hình mới, Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; nghiên cứu sửa đổi, thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các chủ trương, định hướng quan trọng về chính sách dân tộc giai đoạn 2021-2030.

Tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật về công tác dân tộc; tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách về quy hoạch, khuyến khích đầu tư, thúc đẩy khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; cải cách thủ tục hành chính để thu hút, huy động nguồn lực đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; trong đó, ưu tiên địa bàn đặc biệt khó khăn, nhóm dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù, đối tượng nghèo là phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số.

Khẩn trương rà soát, ban hành đầy đủ các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, quan tâm hướng dẫn nguyên tắc đối với các địa phương tự cân đối ngân sách để thực hiện Chương trình này.

Tháo gỡ dứt điểm vướng mắc về cơ chế, chính sách, quản lý và thực hiện đồng bộ các chương trình mục tiêu quốc gia từ Trung ương tới địa phương.

Thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất; hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, chuyển đổi nghề cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số chưa có hoặc thiếu đất ở, đất sản xuất.

Tăng cường đầu tư từ ngân sách nhà nước cho khoa học và công nghệ

Đối với lĩnh vực khoa học và công nghệ, Quốc hội yêu cầu tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, đồng bộ các chính sách, pháp luật của Nhà nước để thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030; triển khai đồng bộ các Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia đến năm 2030.

Rà soát, sửa đổi, tháo gỡ các rào cản trong chính sách, pháp luật về kinh tế, tài chính, đầu tư, đấu thầu với pháp luật khoa học và công nghệ (Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công...) theo hướng phù hợp với cơ chế thị trường, tôn trọng đặc thù của lao động sáng tạo, chấp nhận rủi ro, độ trễ trong nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế, bảo đảm công khai, minh bạch.

Tăng cường đầu tư từ ngân sách nhà nước cho khoa học và công nghệ bảo đảm từ 2% tổng chi ngân sách trở lên theo quy định của Luật Khoa học và Công nghệ.

Có giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước đầu tư cho nghiên cứu khoa học, công nghệ và ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tiễn.

Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp tăng cường đầu tư cho khoa học, công nghệ và đẩy mạnh liên kết với các tổ chức khoa học, công nghệ trong và ngoài nước, các doanh nghiệp nước ngoài.

Rà soát, sắp xếp tổ chức khoa học và công nghệ công lập gắn với định hướng ưu tiên phát triển các ngành, lĩnh vực phục vụ phát triển kinh tế-xã hội theo hướng tự chủ, liên kết, tiếp cận chuẩn mực quốc tế.

Xây dựng cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức khoa học và công nghệ công lập theo hướng phù hợp với đặc thù của hoạt động khoa học và công nghệ.

Hình thành hệ thống các trung tâm đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; trong năm 2023, thành lập các trung tâm khởi nghiệp sáng tạo quốc gia tại Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh.

Xử lý nghiêm hành vi tiêu cực trong đào tạo, cấp giấy phép lái xe

Đối với lĩnh vực giao thông vận tải, Quốc hội yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục đầu tư; đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm của ngành giao thông vận tải, bảo đảm chất lượng, hiệu quả.

Trong năm 2023, đề xuất các giải pháp cụ thể, khả thi xử lý dứt điểm vướng mắc, bất cập đối với một số dự án BOT.

Đến năm 2025, phấn đấu cả nước có khoảng 3.000 km đường cao tốc và cơ bản thông tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông; trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam.

Bảo đảm công khai, minh bạch, khả thi, hiệu quả trong việc huy động, phân bổ, sử dụng các nguồn lực trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông; việc thí điểm (nếu có) những nội dung khác với quy định của luật phải được thực hiện đúng trình tự, thủ tục quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Rà soát, hoàn thiện quy định pháp luật về đăng kiểm, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực đăng kiểm, bảo đảm thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Khẩn trương hoàn thiện quy định của pháp luật, nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp, thu hồi và quản lý giấy phép điều khiển phương tiện giao thông; nghiên cứu giải pháp quản lý sau đào tạo đối với lái xe kinh doanh vận tải.

Có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, phòng, chống, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; chấm dứt tình trạng cấp giấy phép lái xe cho người nghiện ma túy, người không đủ năng lực hành vi, sức khỏe...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO