Nghị viện châu Âu trong hôm 30/1 đã chính thức bỏ phiếu thông qua Thỏa thuận Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) – còn gọi là Brexit – với 621 phiếu thuận, 49 phiếu chống và 13 phiếu trắng. Cùng ngày, các nghị sĩ Anh cũng rời khỏi Nghị viện châu Âu để dọn đường cho tiến trình này.
Buổi chia tay tổ chức tại Nghị viện châu Âu sau cuộc bỏ phiếu Brexit. (Nguồn: NYPost).
Cuộc chia ly đẫm nước mắt
Sau phiên tranh luận kéo dài gần 2 tiếng, cùng hơn 3 năm đàm phán gian nan giữa Brussels và Chính phủ Anh, Thỏa thuận Brexit chính thức được thông qua tại Nghị viện châu Âu, cơ quan lập pháp hàng đầu của EU. Đây là đợt bỏ phiếu cuối cùng và không có gì có thể ngăn cản việc Anh rời khỏi EU vào đêm 31/1 (giờ Brussels, Bỉ).
Quá trình chuyển giao kéo dài đến 31/12. Trong thời gian này, Anh vẫn tuân thủ đầy đủ các quy định và luật pháp của EU, nhưng không có tiếng nói chính thức trong mọi quyết định của khối.
Mối quan hệ trong tương lai giữa Anh và EU, bao gồm thỏa thuận tự do thương mại, sẽ tiếp tục được đàm phán.
Buổi chia tay đã diễn ra trong không khí ảm đạm. Nhiều thành viên Nghị viện châu Âu nắm tay nhau nói lời tạm biệt nước thành viên đầu tiên rời EU trong nước mắt.
Theo giới phân tích, thời điểm bước sang năm 2021 sẽ trở thành là “bờ vực” mới trong trường hợp London và Brussels không thống nhất được mối quan hệ tương lai. Nền kinh tế Anh đứng trước nguy cơ bị đẩy vào hỗn loạn.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nhấn mạnh bà mong muốn EU và Anh duy trì mối quan hệ thân thiết. Tuy nhiên, bà đồng thời cảnh báo quá trình đàm phán trước mắt sẽ rất gian nan. “Thỏa thuận chỉ mới là bước đầu. Chúng ta phải nghiên cứu cần đối xử với nước Anh như thế nào với tư cách một nước thứ 3” – bà nhấn mạnh.
Bà Ursula von der Leyen khẳng định EU sẵn sàng hướng đến một thỏa thuận thương mại độc nhất vô nhị “không thuế quan, không hạn ngạch”, với điều kiện Anh đảm bảo duy trì cạnh tranh công bằng cho những công ty EU.
Nữ Chủ tịch Ủy ban châu Âu đồng thời chia sẻ sự tiếc nuối về quyết định rút khỏi EU của nước Anh. Bà nhấn mạnh mọi thỏa thuận thương mại trong tương lai dù tham vọng đến mấy vẫn không thể sánh bằng các lợi ích mà nước Anh được hưởng khi còn là thành viên EU.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói rằng việc Anh rời khỏi EU vào ngày 31/1 sẽ là một “ngày buồn” và là “bài học cho tất cả chúng ta”. Phát biểu sau cuộc gặp tại Paris với Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis, Tổng thống Macron nêu rõ: “Chỉ còn 2 ngày nữa, Anh sẽ rời khỏi EU, đó là một ngày buồn, một sự thất bại và là bài học cho tất cả chúng ta”.
Nhà lãnh đạo Pháp cũng cảnh báo London rằng Paris sẽ không nhượng bộ trước sức ép hay vội vã đàm phán về một thỏa thuận thương mại song phương trong tương lai.
Những sự thay đổi sau Brexit
Thủ tướng Anh Boris Johnson kể từ sau Brexit sẽ phải nhận được lời mời đặc biệt mới có thể tham dự các Hội nghị thượng đỉnh của EU trong tương lai. Các vị Bộ trưởng của Anh cũng không còn được tham dự các cuộc họp thường lệ của EU để quyết định về những vấn đề quan trọng của khối.
Sau khi Brexit diễn ra, Anh sẽ bắt đầu khởi động các vòng đàm phán với các nước trên thế giới về việc đặt ra các quy định mới trong thương mại hàng hóa và dịch vụ. Khi còn là thành viên EU, Anh không được phép tham gia các vòng đàm phán thương mại chính thức với các nước như Mỹ và Australia
Anh cũng sẽ phải thảo luận rất nhiều vấn đề với EU. Việc đàm phán thỏa thuận thương mại giữa Anh và EU dự kiến sẽ là ưu tiên hàng đầu của hai bên, bởi vậy việc đánh thêm thuế với hàng hóa cùng hàng rào thương mại khác không cần thiết khi thời gian chuyển tiếp kết thúc.
Anh cũng sẽ phải sử dụng lại mẫu hộ chiếu có bìa màu xanh như trước, sau 30 năm được thay thế bởi mẫu hộ chiếu màu đỏ thẫm. Tuyên bố về sự thay đổi này từ năm 2017, Bộ trưởng Di trú Anh Brandon Lewis đã hoan nghênh việc sử dụng lại mẫu thiết kế hộ chiếu hai màu xanh và vàng, lần đầu tiên được sử dụng vào năm 1921.
Dự kiến đến thời điểm giữa năm nay, Chính phủ Anh sẽ phát mới toàn bộ mẫu hộ chiếu bìa xanh. Tuy nhiên, các hộ chiếu cũ vẫn được xem là hợp lệ.