Xã hội

Nghĩa tình tháng 7 trên vùng ‘đất lửa’: Bài 1. Vết tích của một thời oai hùng

Nghĩa Văn - Nguyễn Quốc 24/07/2024 14:27

Tại vùng “đất lửa” Quảng Trị vẫn còn đó những vết tích về một thời chiến đấu oai hùng của thế hệ cha ông để đổi lấy nền độc lập, tự do, thống nhất đất nước.

Mùa hè đỏ lửa năm 1972, tại thị xã Quảng Trị (tỉnh Quảng Trị) diễn ra sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu, bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị của quân và dân ta.

Trong cuộc chiến khốc liệt ấy, quân địch đã ném xuống mảnh đất này hơn 328.000 tấn bom đạn, tương đương sức công phá của 7 quả bom nguyên tử đã ném xuống Nhật Bản năm 1945. Sự khốc liệt ấy khiến nơi đây từng có lúc “mỗi mét vuông đất là cả một mét máu”.

Sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu, bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị đã đi vào lịch sử dân tộc. Ảnh: Nghĩa Văn.
Sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu, bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị đã đi vào lịch sử dân tộc. Ảnh: Nghĩa Văn.

Khốc liệt là vậy, nhưng trong cuộc chiến đấu này, quân và dân ta đã kiên cường bám trụ, gan dạ chiến đấu, đẩy lùi mọi sự phản kích của địch, giữ vững trận địa. Sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu, bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị đã đi vào lịch sử dân tộc, viết tiếp bản hùng ca tuyệt vời về ý chí, sức mạnh, sự hy sinh cao cả của các anh hùng liệt sĩ cho nền độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc.

Ngày nay, Di tích lịch sử Thành cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm năm 1972 đã được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt. Nơi đây cũng trở thành một trong những “địa chỉ đỏ” ở tỉnh Quảng Trị và được du khách từ mọi miền của Tổ quốc đến thăm viếng, tri ân.

a1-2.jpg
Thành Cổ Quảng Trị - một trong những địa chỉ được du khách mọi nơi lựa chọn thăm viếng khi tới Quảng Trị. Ảnh: Nghĩa Văn.
Thành Cổ Quảng Trị - một trong những địa chỉ được du khách mọi nơi lựa chọn thăm viếng khi tới Quảng Trị. Ảnh: Nghĩa Văn.

Có mặt ở Thành Cổ Quảng Trị vào một ngày trung tuần tháng 7/2024, anh Tạ Hữu Lâu (32 tuổi, quê ở xã Diễn Cát, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) chia sẻ, gia đình anh có một người bác hy sinh tại huyện Gio Linh (tỉnh Quảng Trị). Dù đã xác định được vị trí nhưng trên bia mộ chưa có tên nên gia đình vẫn đang tiếp tục xác minh lại.

“Năm nào tôi và gia đình cũng vào tỉnh Quảng Trị để thắp hương cho bác và ghé đến các địa điểm như Thành Cổ Quảng Trị để viếng các anh hùng liệt sĩ. Đây là nơi các thế hệ cha anh đã anh dũng hy sinh, là nơi để tôi và các thế hệ sau này biết được giá trị của sự hòa bình hôm nay. Dù năm nào cũng đến đây, nhưng mỗi lần vào Thành Cổ tôi đều rất bồi hồi, xúc động và biết ơn trước sự hy sinh của thế hệ đi trước để đổi lấy nền độc lập, tự do của dân tộc”, anh Lâu chia sẻ.

Tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, trò chuyện với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Bích Dung (trú tại phường Tân Thành, quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh) cho biết, mỗi năm vào dịp tháng 7, gia đình chị thường tổ chức đi thăm viếng kết hợp du lịch tại các di tích lịch sử trên khắp cả nước.

Chứng kiến hơn 10.300 ngôi mộ của các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, cháu Phạm Nguyễn Kim Phụng (học sinh lớp 10, con chị Dung) chia sẻ: “Xúc động và tự hào là cảm xúc của cháu lúc này, khi thắp những nén hương lên các mộ phần để tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ, những người đã không tiếc thân mình với một mong muốn duy nhất là mang lại sự tự do, độc lập cho dân tộc. Cháu cũng như các bạn trẻ sau này sẽ cố gắng học tập thật giỏi để góp phần đưa đất nước mình sánh ngang với các cường quốc năm châu, xứng đáng với sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ”.

Cháu Phạm Nguyễn Kim Phụng thắp hương viếng các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn. Ảnh: Nghĩa Văn.
Cháu Phạm Nguyễn Kim Phụng thắp hương viếng các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn. Ảnh: Nghĩa Văn.

Đến dâng hương, dâng hoa viếng các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9 - nơi an nghỉ của gần 10.900 anh hùng liệt sĩ, nhiều thành viên trong đoàn Cựu chiến binh Thành Cổ Quảng Trị tỉnh Vĩnh Phúc xúc động, rơi nước mắt.

Đoàn Hội Cựu chiến binh Thành Cổ Quảng Trị tỉnh Vĩnh Phúc dâng hoa, dâng hương viếng các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9. Ảnh: Nghĩa Văn.
Đoàn Hội Cựu chiến binh Thành Cổ Quảng Trị tỉnh Vĩnh Phúc dâng hoa, dâng hương viếng các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9. Ảnh: Nghĩa Văn.

Ông Hoàng Văn Trung, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Thành Cổ Quảng Trị tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, vào dịp tháng 7 hằng năm họ đều tổ chức đoàn đi thăm viếng các anh hùng liệt sĩ ở khắp mọi miền Tổ quốc. Không khí tại những nơi đoàn đến thăm viếng luôn trang nghiêm, thành kính và ấm áp.

a6-2.jpg

Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Thành Cổ Quảng Trị tỉnh Vĩnh Phúc và các thành viên trong đoàn cũng bày tỏ sự cảm ơn đến chính quyền và người dân địa phương đã luôn quan tâm, chăm sóc phần mộ của các anh hùng liệt sĩ - những đồng đội của họ đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do và thống nhất của Tổ quốc.

(còn tiếp)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nghĩa tình tháng 7 trên vùng ‘đất lửa’: Bài 1. Vết tích của một thời oai hùng