Gần đây, có cảm giác như việc ứng xử giữa người và người trở nên căng thẳng, với nhiều hành vi bộc phát, manh động. Về vấn đề này, GS TS Đỗ Quang Hưng - Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Tôn giáo, UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng: Phải chú ý xây dựng văn hóa của cá nhân con người trong đời sống văn hóa cộng đồng.
Không phải giáo dục văn hóa chung chung mà phải đặt ý thức của cá nhân con người trong cộng đồng, phải có nghĩa vụ ứng xử có văn hóa, chuẩn mực và có tính kỷ luật.
GS Đỗ Quang Hưng.
PV:Thưa ông, gần đây mâu thuẫn giữa con người với con người gia tăng, dù chỉ là va chạm nhỏ và dù chỉ diễn ra trong một bộ phận nhưng cũng đáng phải cảnh báo. Từ những sự việc trên ông có suy nghĩ gì? Có phải do chúng ta lo phát triển kinh tế mà xem yếu tố nhẹ văn hóa?
GS Đỗ Quang Hưng: Đây không chỉ là việc lo phát triển kinh tế mà xao nhãng văn hóa. Nói thế không sai nhưng không đúng bệnh. Hiện xảy ra thực trạng một bộ phận bất chấp pháp luật, đó là việc đốt xe ô tô ở Hải Dương, cũng như đánh người nước ngoài.
Các hiện tượng xã hội như vậy dù là cá nhân hay nhóm người trong cộng đồng phản ánh một việc bất bình thường về văn hóa công cộng. Tức là một số người Việt Nam đã bắt đầu xuất hiện sự ứng xử không bình thường. Đây là dấu hiệu cao của bảng giá trị bị thay đổi; nói cách khác là sự hỗn loạn và nhiễu loạn giá trị đến mức cần phải báo động.
Không phải là chuyện một bộ phận người Việt Nam hung dữ hơn, mà trên thế giới đã từng xảy ra chuyện này. Tại sao đến những năm này mà tâm lý đám đông trong xã hội lại tự nhiên gia tăng, bạo lực hóa làm sai lệch mất bản chất truyền thống hàng nghìn năm của dân tộc mình.
Điều thứ hai, nói một cách khác, nó như một ẩn ức xã hội bị dồn nén nên bộc phát ra để giải phóng các dồn nén. Nhưng là giải phóng một cách không tích cực; hay là sự giải phóng tiêu cực và nguy hiểm. Khi con người bị dồn nén, uất ức, cộng với hệ giá trị bị đảo lộn, thay đổi thì tâm lý đám đông, tâm lý con người thể hiện ở sự “xả phóng” xã hội.
Hồi xưa là “tức nước vỡ bờ” khi nhiều quá thì nổi lên các phong trào tự phát. Còn bây giờ xã hội đã khác nhưng đứng trên phương diện nào đó nó là giải phóng xã hội kiểu tiêu cực, rất nguy hiểm.
Đây là điều không chỉ xảy ra ở nước ta mà nhiều nước trên thế giới cũng có tình trạng như vậy khi châu Âu, hay Mỹ bị khủng hoảng làm rối loạn. Nhưng sau đó châu Âu đã điều chỉnh và đã có sự tốt hơn.
Thứ ba là, vấn đề văn hóa hay giáo dục con người; như xây dựng làng văn hóa, thôn văn hóa nhưng đó là văn hóa chung chung chứ không phải là bản chất.
Giá trị văn hóa làng, xã cần bảo tồn. Nhưng chúng ta quên mất rằng trong xây dựng làng văn hóa không phải lấy thành tích của đám đông, mà phải đi vào trái tim khối óc của từng con người, xác lập giá trị của từng con người một.
Hiện chưa phải là phong trào văn hóa, giáo dục văn hóa dựa trên căn bản của từng con người, mà đôi khi mới chỉ là phong trào xây dựng văn hóa của thôn xóm, hay làng bản.
Đảng đã có Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, và tiếp tục được kế thừa tại Văn kiện Đại hội XII. Nhưng đến nay, phải chăng việc thực hiện Nghị quyết chưa tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ, và chậm đi vào cuộc sống, thưa ông?
- Chúng ta đưa ra khẩu hiệu rất lớn như giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, hội nhập mà không hòa tan... Nhưng đó là những vấn đề vĩ mô. Cần tỉnh táo suy nghĩ xem đã có nghiên cứu nào đích thực về hệ giá trị đích thực của con người Việt Nam?
Trong đó nghiên cứu xem hệ giá trị phải thế nào? Và có một vấn đề là giá trị của cá thể trong đời sống cộng đồng. Chúng ta đang thiếu những hệ giá trị như vậy.
Ông nghĩ sao khi đã từng có vấn đề được đặt ra là làm sao để Việt Nam là nơi đáng sống, trong đó có việc làm sao để người dân thực sự an tâm trong cuộc sống và thụ hưởng nó?
- Đúng vậy. Sự bình yên nghe có vẻ bình thường nhưng để có một cuộc sống bình yên cũng có chuẩn mực và không phải dễ, chứ chưa nói đến đáng sống.
Vì thế tôi muốn nhấn mạnh rằng phải xây dựng được hệ giá trị, trong vấn đề xây dựng văn hóa thì phải chú trọng vấn đề con người sống trong hệ giá trị của đời sống công cộng.
Bởi những va chạm xảy ra trong thời gian qua đã vượt ra khỏi phạm vi gia đình, tức là xã hội như có quyền đốt xe của người ta, dù chưa đủ bằng chứng mà sẵn sàng đốt; đánh người nước ngoài coi như đánh hàng xóm.
Hai giá trị đó hoàn toàn khác hẳn nhau nếu ra công cộng đánh hàng xóm thì tội chỉ 1; còn đánh người nước ngoài là tội phải 10 vì còn có sĩ diện của dân tộc.
Vậy theo ông chúng ta cần lưu tâm đến vấn đề gì?
- Đây là bài thuốc lớn, muôn đời. Văn hóa là cái xã hội nào cũng cần ở một mức nào đó chứ nếu không xã hội đó vỡ.
Hiện có những đột biến, bất bình thường đó là do tâm lý cá nhân có đột biến; rồi vấn đề đặt ra ở nhiều mặt giáo dục con người quan tâm đến chuẩn mực xã hội và chuẩn mực của cá nhân, và đặc biệt là vấn đề của cá nhân con người được sống trong cộng đồng như thế nào.
Ở các nước phương Tây họ gọi đó là cá thể cá nhân sống trong không gian công cộng, nhưng nước ta không gian cộng đồng chưa được chú ý.
Cho nên phải chú ý xây dựng văn hóa của cá nhân con người trong đời sống văn hóa công cộng. Bây giờ không phải giáo dục văn hóa chung chung mà phải đặt ý thức của cá nhân con người sống trong cộng đồng như thế nào?
Tức là sống trong cộng đồng phải có nghĩa vụ ứng xử phải có văn hóa, phải có chuẩn mực của đám đông và có tính kỷ luật.
Trân trọng cảm ơn ông!
Bởi những va chạm xảy ra trong thời gian qua đã vượt ra khỏi phạm vi gia đình, tức là xã hội như có quyền đốt xe của người ta, dù chưa đủ bằng chứng mà sẵn sàng đốt; đánh người nước ngoài coi như đánh hàng xóm. Hai giá trị đó hoàn toàn khác hẳn nhau nếu ra công cộng đánh hàng xóm thì tội chỉ 1; còn đánh người nước ngoài là tội phải 10 vì còn có sĩ diện của dân tộc. |