Theo TS. Lê Đình Thăng, Kiểm toán trưởng Kiểm toán nhà nước (KTNN) chuyên ngành II, một trong những nguyên nhân dẫn đến việc chậm phân bổ vốn là do dự án không có trong danh mục và chưa chuẩn bị đầu tư.
Nhiều dự án trong chương trình của Nghị quyết số 43 chưa được phân bổ vốn hoặc phân bổ vốn chậm
Trong cuộc trả lời báo chí gần đây, TS. Lê Đình Thăng cho biết, đến tháng 4/2024 vẫn còn gần 16% số vốn theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội chưa phân bổ được. Để nói đến việc phân bổ vốn chậm trễ tại nhiều dự án trong chương trình của Nghị quyết 43 trước hết phải nói về bối cảnh ra đời của Nghị quyết này. Đây là Nghị quyết được ban hành ngay sau khi kết thúc dịch Covid-19 nhằm phục hồi, phát triển kinh tế và khắc phục hậu quả dịch Covid-19 bằng gói kích thích kinh tế rất lớn, trong đó có đầu tư công.
Sau khi có Nghị quyết số 43 của Quốc hội, Chính phủ cũng rất nhanh chóng ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43 để triển khai chính sách này.
Theo Nghị quyết số 11/NQ-CP, đến cuối quý I/2022, các địa phương phải trình danh mục công trình, dự án được hỗ trợ, nhưng thực tế đến cuối quý III/2022 mới trình và cũng đến cuối quý III/2022, Chính phủ mới quyết định giao vốn. Sau khi có quyết định giao vốn của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới giao cho các địa phương, các Bộ, ngành để triển khai.
Như vậy, việc giao vốn chậm trễ là một nguyên nhân. Một khâu nữa chậm trễ là do khối Bộ, ngành, địa phương lập danh mục các công trình, dự án để phân bổ vốn nhưng rất nhiều công trình trong số này nằm ngoài danh mục đầu tư công của giai đoạn 2021-2025. Trong khi Nghị quyết số 43 ưu tiên cho các công trình trọng điểm quốc gia, các công trình có trong kế hoạch đầu tư công đang thực hiện và có khả năng triển khai nhưng chưa được bố trí vốn. Tuy nhiên, rất nhiều công trình đưa lên không nằm trong danh mục và chưa chuẩn bị đầu tư cho nên chưa thể phân bổ vốn cho các công trình này nên cũng gây chậm trễ.
Một nguyên nhân nữa là do giá vật liệu xây dựng leo thang và thiếu vật liệu xây dựng, chẳng hạn như thiếu đất đắp nền cũng kéo theo sự chậm trễ trong việc triển khai.
Việc chậm trễ triển khai các dự án này không hẳn gây ra tác động cụ thể đến địa phương, nhưng có tác động đến tổng thể chung, nếu triển khai được vốn đầu tư công thì sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nói chung của từng địa phương.
Tuy nhiên, lượng vốn đầu tư công bị dồn lại dẫn đến một trong những động lực tăng trưởng bị chậm trễ. Trong quá trình phục hồi phát triển kinh tế, Chính phủ ưu tiên chuyển đổi số, ưu tiên cho an sinh xã hội; trong đó chú ý đến ngành y tế, nhưng các công trình cho ngành y tế lại bị chậm trễ, không thể triển khai được, trong khi đó các bệnh viện thiếu vật tư, thiếu thiết bị, còn tiền lại nằm chờ, không triển khai được. Điều này cũng tác động về an sinh xã hội chung theo mục tiêu của Nghị quyết số 43.
Trách nhiệm và giải pháp
Đây là trách nhiệm tổng thể từ khâu lập, thẩm định dự án, tổng hợp, trình phê duyệt. Chúng ta khó quy kết cho một khâu cụ thể nào. Tuy nhiên, từ khâu tổng hợp dự án, trình Chính phủ để Chính phủ ban hành, sau đó việc giao vốn cho các địa phương và các địa phương giao vốn đến từng công trình đều chậm trễ.
Nguyên nhân lớn vẫn là do các công trình ngoài danh mục đầu tư công đã được Quốc hội phê duyệt và các công trình này chưa chuẩn bị đầu tư cho nên không thể triển khai được. Còn nếu chúng ta triển khai vội vã thì chất lượng không đảm bảo.
Cần lưu ý một chút nữa, cuối năm 2021, Chính phủ mới phê duyệt Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, tuy nhiên, sang tháng 01/2022, chúng ta lại có gói kích thích phát triển kinh tế này. Trong gói này cũng cho phép các địa phương có thể đưa thêm những công trình ngoài kế hoạch đầu tư công. Tuy nhiên, các công trình ngoài kế hoạch được các Bộ, ngành, địa phương đưa lên lại chưa được chuẩn bị đầu tư nên không triển khai được.
Trách nhiệm thuộc về các khâu chuẩn bị là cả một chuỗi dài. Đây cũng là một lần để chúng ta rút kinh nghiệm. Có thể trong gói này khi phân bổ vốn cần lưu ý đến việc dự án có thể triển khai mới đề nghị phân bổ vốn.
Theo Nghị quyết số 43, vốn ưu tiên cho các công trình trọng điểm quốc gia, các công trình trong kế hoạch và đầu tư công đã triển khai nhưng chưa được bố trí vốn đầy đủ, và cho các dự án có thể triển khai. Trong khi đó, thực tế cho thấy, rất nhiều danh mục công trình mà các Bộ, ngành, địa phương gửi không nằm trong danh mục đầu tư công và chưa chuẩn bị đầu tư, thậm chí Bộ, ngành, địa phương gửi danh mục dự án nhưng Bộ Kế hoạch và Đầu tư không thể biết được công trình này đã chuẩn bị đầu tư hay chưa. Đây có lẽ là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến sự chậm trễ trong việc triển khai Nghị quyết số 43 và dẫn đến không đạt được mục tiêu của Nghị quyết này. Xin nhấn mạnh rằng, đây là lần đầu tiên quốc gia có câu chuyện vốn chờ công trình, trong khi xưa nay chỉ có công trình chờ vốn. Đó là một nghịch lý trong giai đoạn này.
“Ở đây chúng ta cần lưu ý, khâu chuẩn bị đầu tư rất quan trọng, các bộ, ngành, địa phương chỉ nên đưa vào danh mục đề nghị phân bổ vốn đối với công trình đã chuẩn bị đầu tư, còn đối với những công trình lớn, cần vốn chuẩn bị đầu tư thì bố trí riêng nguồn vốn phục vụ công tác chuẩn bị đầu tư, khi chuẩn bị đầu tư xong, được phê duyệt dự án thì mới bố trí vốn”, ông Thăng nói.
Như vậy, việc giải ngân vốn mới đảm bảo và không bị chậm trễ. Đồng thời, phải ưu tiên vốn cho những công trình đã triển khai để tránh việc công trình dở dang, thiếu vốn, trong khi đó vốn lại thừa cho những công trình khác.
Một vấn đề nữa là cần phải có cơ chế linh hoạt, trong những điều kiện khách quan, công trình nào đó đã có vốn, đã đủ điều kiện nhưng không triển khai được thì có thể điều chỉnh sang những công trình khác sẽ đảm bảo việc giải ngân vốn đầu tư công và cũng góp phần tăng trưởng kinh tế.