Theo Bộ Công Thương, giá lợn hơi trên toàn quốc hiện dao động trong khoảng 51.000 - 56.000 đồng/kg. Còn ghi nhận thực tế trên thị trường, giá thịt lợn hơi những ngày này tại khu vực miền Bắc dao động từ 54.000 – 56.000 đồng/kg.
Tại Hà Nội, giá thịt lợn hơi được giao dịch ở mức 55.000 đồng/kg. Tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên, là 54.000 - 56.000 đồng/kg. Còn tại miền Nam, giá thịt lợn hơi giao dịch ở ngưỡng 52.000 – 54.000 đồng/kg, đây cũng là khu vực thấp nhất so với cả nước.
So với thời điểm này năm ngoái, giá thịt lợn hơi đang giảm khoảng 50%, rớt xuống mức đáy thấp nhất trong vòng 4 năm trở lại đây và đang có xu hướng tiếp tục giảm. Tuy liên tục giảm giá nhưng người tiêu dùng vẫn phải mua thịt lợn với mức giá cao tại các siêu thị, chợ dân sinh, dao động từ 120.000- 150.000 đồng/kg tùy loại thịt. Trong khi đó, giá thịt lợn tại các các siêu thị cũng có mức giá cao hơn nhiều lần giá thịt lợn hơi.
Ông Nguyễn Văn Trọng - Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) lý giải, so với thời điểm năm ngoái, giá thịt lợn hơi hiện giảm tới một nửa (khoảng 50.000 đồng/kg). Ông Trọng phân tích: sau khi dịch tả lợn châu Phi được kiểm soát, tình hình tái đàn ở các địa phương diễn ra khá tốt. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhu cầu tiêu thụ thịt lợn giảm mạnh, đặc biệt là khối khu công nghiệp, trường học, bếp ăn tập thể, khách sạn, nhà hàng…dẫn đến giá lợn hơi lao dốc.
Còn ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Việt Nam nhận định, giá lợn hơi giảm mạnh dịp này không phải do cung vượt cầu, mà chủ yếu là bởi đứt gãy chuỗi cung ứng vì dịch Covid-19.
Dù đại diện các đơn vị có trách nhiệm phân tích như thế nào thì dư luận cũng khó chấp nhận thực trạng vô lý giá lợn hơi giảm kỷ lục, thịt thành phẩm vẫn cao ngất ngưởng. Nhiều người nhắc lại câu chuyện “lên ti vi mua thịt lợn giá rẻ” đã từng xảy ra hồi đầu năm ngoái và mong muốn Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương làm rõ tình trạng này xuất phát từ cơ quan điều hành, người chăn nuôi hay khâu trung gian?
Đợt bùng phát dịch lần thứ tư từ cuối tháng 4/2021 đang gây sức ép nặng nề lên mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội. Giữa lúc tình hình dịch bệnh phức tạp, dư luận lo ngại, việc kiểm soát giá bán thịt lợn càng khó khăn hơn, trong khi đây lại là thực phẩm thiết yếu nhất với người tiêu dùng.
Còn theo các chuyên gia kinh tế, giá lợn hơi giảm nhưng giá thịt thành phẩm vẫn cao khiến cả người tiêu dùng và người chăn nuôi đều thiệt thòi. Muốn kiểm soát vấn đề này, các bộ, ngành cần xem xét lại phần việc và trách nhiệm của mình để kiểm soát được diễn biến thị trường, điều tiết giá, tìm giải pháp phù hợp, sớm ổn định giá cả những mặt hàng thực phẩm thiết yếu, đặc biệt trong tình hình dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập của phần đông người dân.