TPHCM, địa phương có nhu cầu rất lớn về nhà ở xã hội dành cho người nghèo, lao động thu nhập thấp, công nhân viên chức…Thế nhưng, thật lạ nhiều năm qua có hàng ngàn căn nhà ở xã hội tại TPHCM bỏ hoang, không ai ở.
Nhà kiểu mẫu nhưng bỏ hoang
Nghịch lý này đã diễn ra tại nhiều khu nhà ở xã hội khác nhau trên địa bàn xã Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh) khiến nhiều người bất ngờ. Với nguồn vốn đầu tư hơn 1.000 tỉ đồng cùng quy mô gần 2.000 căn hộ và hơn 500 đất nền, khu nhà ở xã hội này là một trong những khu lớn nhất ở TPHCM, dành cho người dân bị giải toả đất đai trong các dự án hạ tầng đô thị ở quận Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân…
Tuy nhiên, sau hơn 10 năm đưa vào sử dụng, hiện khu vực này vẫn còn khoảng 1.000 căn hộ bỏ trống. Trong đó có một số block (toà nhà) gần như không có người ở. Hiện trạng của những căn hộ này cũng khá bết bát với tường vôi bong tróc, móng nhà nứt nẻ và các lối đi ngập bụi bặm, cỏ hoang. Nguyên nhân bỏ hoang vì là “khu đô thị mới ở ngoại ô” nhưng do chưa tính toán kỹ, một số hạng mục như đường dẫn vào vẫn chưa hoàn chỉnh và vị trí quá xa trung tâm khiến nhiều người dân không mặn mà với việc sinh sống ở đây.
Tình trạng bỏ hoang các căn hộ cũng diễn ra tại khu tái định cư Bình Khánh (thuộc khu đô thị Thủ Thiêm, TP Thủ Đức). Cũng có quy mô rất hoành tráng với hơn 12.000 căn dành cho người dân có nhu cầu. Trong đó chủ yếu phục vụ nhóm người bị ảnh hưởng việc xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm. Tuy nhiên tới nay rất ít người có nhu cầu tới sinh sống tại đây. Đặc biệt, có hơn 3.500 căn hộ thuộc diện nhà ở xã hội dành cho người tái định cư bỏ hoang từ khi hoàn thành (năm 2015) tới nay khiến TPHCM tìm nhiều cách để bán đấu giá nhưng không thành công.
Theo tìm hiểu của PV, dù nằm ở khu vực trung tâm nhưng hầu hết những hộ dân được quy hoạch suất mua ở khu nhà ở xã hội này lại không có ý định về sinh sống tại đây. Nguyên nhân bởi nhiều người là hộ nghèo, buôn bán nhỏ lẻ… nên sau khi nhận tiền đền bù, họ chấp nhận ra các khu vực xa hơn, phù hợp hơn để duy trì sinh kế buôn bán nhỏ lẻ, thay vì ở trong những chung cư cao tầng, hiện đại dù được ưu đãi giá mua.
Ngoài ra, một số người khác nhận tiền đền bù ít hơn, không có tiền để bù vào mua nhà nên cũng không thể vào sinh sống. Trong khi đó, đây là những căn nhà chỉ dành cho một nhóm người cố định, khả năng mua đi bán lại là không có khiến giá trị căn hộ cũng bị ảnh hưởng đáng kể so với những căn hộ khác trên thị trường.
Loay hoay bài toán cân bằng
Là đô thị lớn nhất cả nước với nhu cầu nhà ở rất cao dành cho nhóm người thu nhập thấp, nhiều năm qua TPHCM luôn dành một số lượng lớn nguồn lực (đất đai, vốn) để xây dựng nhà ở xã hội. Ngoài ra, những người chịu ảnh hưởng bởi các dự án hạ tầng đô thị ở TPHCM cũng được sắp xếp để mua những căn nhà ở xã hội này với ưu đãi về giá, vốn vay. Đây là chủ trương đúng đắn, nhân văn nhưng nhiều khu nhà ở xã hội vẫn bị “lệch pha” với nhu cầu.
Thạc sỹ Hoàng Minh Trí - nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch TPHCM cho biết, chủ trương xây dựng các khu nhà ở xã hội trên địa bàn đều khá phù hợp. Tuy nhiên, khi thực hiện xong có một số khu vực không nhận được sự đồng thuận của người dân. Bởi, tuỳ từng dự án, từng nhóm người dân thụ hưởng mà nhu cầu sẽ khác nhau. Ngoài ra cũng cần có thêm hệ sinh thái phụ trợ để mang đến sinh kế cho cư dân.
Tương tự, Tiến sỹ Võ Kim Cương - nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TPHCM cho rằng khi quy hoạch nhà ở xã hội dành cho nhóm người lao động thu nhập thấp, công nhân cần tính toán tới các vị trí địa lý cụ thể. Trong đó các khu vực có đông nhà máy, khu công nghiệp… nên được ưu tiên xây dựng để khuyến khích công nhân, người lao động trên địa bàn tới sinh sống.
Theo thống kê của Sở Xây dựng TPHCM, hiện trên địa bàn thành phố có khoảng 9.434 căn hộ và hơn 2.500 nền đất dành cho mục đích tái định cư để trống thuộc 163 dự án. Trong đó, một số được quản lý để chờ bán đấu giá (gần 4.800 căn hộ), số khác chờ bố trí tái định cư (hơn 2.000 căn hộ). Tuy nhiên, hầu hết các căn hộ này đều có tuổi đời hàng chục năm khiến cho chi phí quản lý, bảo trì là rất tốn kém. Đặc biệt do những căn hộ này ít người ở, không có khoản thu nào khiến cho các đơn vị quản lý gặp khó khăn khi duy trì, khiến chất lượng căn hộ bị giảm theo thời gian.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc hàng nghìn căn hộ tái định cư bỏ không sau nhiều năm xây dựng. Một trong những nguyên nhân là công tác điều tra xã hội học không sát với nhu cầu thực tiễn của người dân. Trước khi thực hiện dự án nhà ở tái định cư, các đơn vị cần làm công tác khảo sát ý kiến của các đối tượng bị thu hồi đất, giải tỏa, giải phóng mặt bằng nếu không sẽ dẫn đến việc xây xong mà người dân không đến ở.