Liên quan đến vụ cháy xảy ra tại quán karaoke ở phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy chiều 1/8 khiến 3 cán bộ chiến sĩ của Đội Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) và cứu nạn cứu hộ hy sinh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã giao Công an TP khẩn trương điều tra làm rõ nguyên nhân, xử lý theo quy định của pháp luật. Nhưng thật đáng tiếc, đây không phải là lần đầu xảy ra những vụ cháy quán karaoke gây hậu quả cực kỳ nghiêm trọng như vậy.
Ngày 3/5/2014, vụ cháy xảy ra tại quán karaoke Nhật Thực (số 4B, ngõ 43 Giảng Võ, Hà Nội) khi quán này đang hoạt động vào buổi trưa. Đám cháy khiến toàn bộ quầy bar cùng tầng 1 của ngôi nhà, biển quảng cáo phía trước bị ngọn lửa thiêu rụi. 5 người đã tử vong, trong số này có một phụ nữ chết ngạt trong phòng vệ sinh.
Cũng trong năm 2014, khoảng 16h ngày 6/11, vụ hỏa hoạn nghiêm trọng tại quán karaoke ở TP Lạng Sơn đã khiến 4 người thiệt mạng, trong đó có 2 vợ chồng và con nhỏ 4 tháng tuổi. Ngày 23/12 cũng trong năm 2014, xảy ra vụ cháy 8 căn nhà trên đường Trần Quốc Thảo (TPHCM), 1 người tử vong, mà khởi đầu từ một quán karaoke.
Chưa hết, ngày 1/11/2016, một vụ cháy lớn tại quán karaoke trên đường Trần Thái Tông (Cầu Giấy, Hà Nội) khiến 13 người tử vong khiến dư luận bàng hoàng. Vụ cháy xảy ra ngày 25/3/2018 tại quán karaoke Kingdom TP Hà Tĩnh thiêu rụi 10 phòng hát karaoke...
Tuy nhiên, cho đến vụ cháy ngày 1/8/2022 tại quán karaoke đường Quan Hoa (Cầu Giấy, Hà Nội) khiến 3 cán bộ, chiến sĩ hy sinh khi làm nhiệm vụ thực sự đã buộc các cơ quan chức năng phải nhìn nhận lại việc quản lý các cơ sở kinh doanh loại hình này. Điều được nhiều người quan tâm là điều kiện PCCC của quán karaoke được quy định ra sao?
Tại điều 5 Thông tư 147/2020/TT-BCA thay thế Thông tư 47/2015/TT-BCA của Bộ Công an đã quy định rất rõ về biện pháp đảm bảo an toàn PCCC và cứu nạn cứu hộ với cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường. Trong đó đáng chú ý có quy định phải có Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế và văn bản thẩm duyệt thiết kế và văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về PCCC của cơ quan Cảnh sát PCCC...
Rõ ràng như vậy, chặt chẽ như vậy nhưng tại sao các vụ cháy quán karaoke vẫn diễn ra và thường để lại hậu quả nghiêm trọng?
Ông Lê Văn Hoạt - nguyên Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội cho rằng, việc đầu tiên phải xem lại khâu quản lý có "đánh trống bỏ dùi" hay không, tránh kiểu sau vụ cháy kiểm tra rất rốt ráo nhưng rồi lại thả lỏng; cần rà soát lại xem chính quyền các cấp thực hiện kiểm tra, giám sát phòng, chống cháy nổ như thế nào, hay là chỉ làm ào lên một thời gian rồi thôi.
Ông Hoạt cũng cho rằng cùng với trách nhiệm của chủ cơ sở kinh doanh karaoke thì trách nhiệm của quản lý của chính quyền địa phương là rất lớn. Khi xảy ra những vụ cháy, không chỉ tìm ra nguyên nhân mà phải xem xét trách nhiệm của chính quyền địa phương thế nào; họ có thường xuyên kiểm tra, giám sát hay không.
Địa điểm kinh doanh karaoke là nơi có nguy cơ chập điện, cháy nổ, nhưng lại tập trung đông người trong phòng kín… vì thế cùng với những quy định chặt chẽ thì lực lượng chức năng ở địa phương phải giám sát chặt chẽ. Nhưng tiếc thay, điều đó đã không được thực hiện nghiêm túc.
Nhiều ý kiến cho rằng không chỉ là việc “đánh trống bỏ dùi” sau mỗi đợt kiểm tra hoạt động của các quán karaoke, mà vì những lý do “khó hiểu” đã kiểm tra theo kiểu cho có, kiểm tra cũng như không. Đó là kiểu kiểm tra có sự ngầm bắt tay giữa hai bên, theo kiểu trục lợi.
Vì vậy, cùng với việc xử lý hình sự đối với chủ cơ sở kinh doanh karaoke, những người trực tiếp gây ra cháy nổ thì rất cần phải có hình thức xử lý đối với cán bộ cơ sở nơi xảy xa vụ cháy. Họ không thể vô can trong những tai họa này. Nếu như việc kiểm tra chặt chẽ, chi tiết về các điều kiện kinh doanh quán karaoke theo quy định pháp luật được họ riết róng thì chắc chắn sẽ hạn chế ở mức thấp nhất các vụ cháy nổ.
Nhằm giảm bớt chi phí đầu tư để thu lợi nhuận cao của chủ quán karaoke, liều lĩnh coi thường quy định pháp luật thì cán bộ xã phường trên địa bàn cũng phải cùng chung trách nhiệm. Chỉ có như vậy mới loại bỏ được tiêu cực, ngăn chặn tai họa từ gốc.
Những vụ cháy nổ, trong đó có những vụ cháy quán karaoke với những hậu quả nghiêm trọng khiến chúng ta đau lòng. Dư luận đòi hỏi phải xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm, không để lọt người lọt tội. Xưa nay người dân vẫn nói “phòng cháy hơn chữa cháy”, điều đó luôn đúng khi mà cần phải loại bỏ từ đầu nguyên nhân dẫn đến thảm họa, mà đầu tiên và quan trọng nhất chính là yếu tố con người khi một bộ phận cán bộ thả lỏng cho quán karaoke hoạt động, bất chấp hiểm họa. Phải nghiêm để chống cháy!