Ngô Thảo, từ những gương mặt còn lại

PHÙNG VĂN KHAI 29/03/2022 10:16

Đối với cá nhân tôi, nhà phê bình văn học Ngô Thảo thật đặc biệt. Trong những năm tôi tham gia sưu tầm tư liệu và thực hiện phim tài liệu về nhà văn Nguyễn Thi - tác giả “Người mẹ cầm súng” lừng danh từ ngày ở chiến trường những năm chống Mỹ. Chị Út Tịch hy sinh và trở thành anh hùng.

Nhà phê bình Ngô Thảo.

Kỳ lạ thay, nhà văn Nguyễn Thi - Nguyễn Ngọc Tấn cũng hy sinh năm 1968 tại chân cầu chữ Y. Mãi đến năm 2007 mới làm được đầy đủ thủ tục để phong tặng danh hiệu Anh hùng cho nhà văn Nguyễn Thi. Người có công trong sưu tầm tư liệu, nhất là các tác phẩm của Nguyễn Thi chính là Ngô Thảo.

Sự tận tụy của Ngô Thảo thật lớn. Không chỉ tận tụy với người đã khuất mà ông còn tận tâm tận lực với hầu như tất cả các gương mặt văn chương. Từ lứa chống Pháp như Trần Đăng, Thôi Hữu, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyên Hồng, Thâm Tâm, Nguyên Ngọc, Vũ Cao, Chính Hữu... đến lứa chống Mỹ sau này như Hữu Thỉnh, Phạm Tiến Duật, Lê Lựu, Nguyễn Khắc Trường, Trung Trung Đỉnh, Nguyễn Trí Huân, Khuất Quang Thụy, Nguyễn Đức Mậu, Vương Trọng, Trần Đăng Khoa...

Từng gương mặt qua ngòi bút Ngô Thảo đều hiện lên đúng với tầm vóc của nó. Ngô Thảo viết về văn chương và cuộc đời của mỗi người thật hồn hậu và sinh động. Những trang viết phê bình của Ngô Thảo luôn là những trang sáng tác tươi tắn và có phong vị riêng.

Ngô Thảo tuyệt không lý thuyết hóa bất kỳ văn bản, tác phẩm của nhà văn, nhà thơ nào, mà luôn song hành với họ trong đời sống và nhất là trong sáng tác. Những trang viết của Ngô Thảo không chỉ nghĩa tình mà luôn đầy đặn tri thức và niềm tin vào từng tác phẩm, từng con người. Trong thâm tâm, Ngô Thảo cho rằng, nhà phê bình luôn phải là nhà văn, viết phê bình phải văn chương hóa từng dòng chữ.

Chính bởi vậy, đã ở ngưỡng U80, có thể gọi là đã sắp đi trọn con đường cầm bút mà giới sáng tác từ thế hệ chống Pháp, tiếp đó là chống Mỹ, sau đến thời kỳ Đổi mới tới hôm nay, lứa 7X, 8X, 9X nhiều người mến yêu Ngô Thảo. Trong một bài viết về Ngô Thảo, Trung Trung Đỉnh đã gọi ra thần thái rất đúng là “chị Thảo”.

Ngô Thảo mồ côi cả cha lẫn mẹ từ năm 6 tuổi, ông quê ở vùng đất lửa Vĩnh Linh - Quảng Trị với những địa danh Vịnh Mốc, Cồn Cỏ, Cửa Tùng và cũng là nơi 30.000 học sinh hành quân ra miền Bắc học tập và trưởng thành. Ít ai biết người cha Ngô Thảo cũng chính là người được phân công thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên ở Vĩnh Linh năm 1930, mẹ ông vốn là con gái của một vị hàn lâm học sĩ triều đình nhà Nguyễn từng được cụ Huỳnh Thúc Kháng viết bài cổ vũ mối tình với cha ông trên báo Tiếng Dân vào năm 1939.

Tiếp đó, người cha, người đảng viên kiên trung hy sinh. Liền đó người mẹ mất. Bốn anh em Ngô Thảo bơ vơ được người dì đón về nuôi dưỡng. Vậy mà, họ đã âm thầm lớn lên và trưởng thành. Ngô Thảo thi đỗ khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội - một ngôi trường danh tiếng nhất nhì lúc bấy giờ. Sau khi tốt nghiệp, Ngô Thảo được phân công về Viện Văn học công tác. Nhưng liền đó, năm 1965, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, Ngô Thảo xung phong vào bộ đội chiến đấu ở miền Tây Trị Thiên, vùng đất bom đạn dày đặc nhất cũng là vùng đất máu thịt quê hương của ông.

Ngô Thảo đến với phê bình văn học rất tự nhiên từ những mẩu tin trên báo tới những bài ngắn, bài công phu gây tiếng vang để con mắt xanh của nhà phê bình Nhị Ca phát hiện và tìm mọi cách đưa ông về Tạp chí Văn nghệ quân đội.

Chúng tôi có nhiều kỷ niệm với nhà văn Ngô Thảo trong đó đáng nhớ nhất là khi làm trợ lý cho nhà báo Tùng Lâm làm phim tài liệu về nhà phê bình văn học Nhị Ca.

Cuộc ấy, chính Ngô Thảo chứ không phải ai khác đã giúp đỡ tận tình, thậm chí ông còn tham gia biên kịch và đạo diễn để có một phim chất lượng “Nhị Ca - Từ cuộc đời vào tác phẩm” đoạt giải thưởng toàn quốc về phim tài liệu.

Nhà phê bình Ngô Thảo chắc không thể ngờ được tôi chính là kẻ học nghề từ ông về cách thức tổ chức làm phim tài liệu. Sau này, các phim tài liệu chân dung nghệ sĩ về Nguyễn Thi và Nguyễn Minh Châu, Vũ Cao, Nguyễn Khải, Mai Văn Hiến, Huỳnh Phương Đông, Nguyễn Văn Tý, Nguyễn Văn Thương, Xuân Thiều... đều được khởi nguồn từ khung khổ bộ phim “Nhị Ca - Từ cuộc đời vào tác phẩm”.

Và cũng thú thực rằng, tôi đã học cách làm phim từ Ngô Thảo vậy. Mọi cơ ngơi vật chất sau này đều từ những phim làm cho các đơn vị trong toàn quân mà nên. Âu cũng là một mối nhân duyên mà không phải lúc nào cũng cảm ơn được những người thầy. Cũng xin nói thêm một chút về nhà phê bình Nhị Ca. Ông chính là một trong những người thầy của Ngô Thảo. Ông chính là người dịch tiểu thuyết lừng danh “Anna Karenina”.

Tạp chí Văn nghệ quân đội không chỉ được coi là "ngôi đền" của giới sáng tác mà còn của cả giới phê bình. Chẳng hiểu sao ở đây các nhà văn, nhà thơ đều biết viết phê bình. Hãy cứ xem những bài viết của Hữu Thỉnh về văn chương, về các tác giả kim cổ, nhất là những người đồng thời với ông, sẽ thấy Hữu Thỉnh cũng là một nhà phê bình có hạng. Một cái tên lừng danh trong giới phê bình nữa chính là nhà thơ thần đồng Trần Đăng Khoa.

Trần Đăng Khoa viết không ít chỗ cực phi lý nhưng người đời lại thấy thú vị. Hay đó mới là đỉnh cao của nghệ thuật phê bình? Nhưng phê bình chuyên nghiệp nhất, đáng kể nhất phải là Nhị Ca, Vương Trí Nhàn và Ngô Thảo ở tổ Lý luận phê bình của Văn nghệ quân đội. Các ông vừa là phê bình vừa là viết nghiên cứu phê bình cũng là định hướng, định hình nền văn học đương thời một cách khách quan và thấu lý đạt tình đến chân tơ kẽ tóc. Cũng phải kể thêm một nhân vật nữa, đó là nhà phê bình Lại Nguyên Ân.

Thời gian ở Văn nghệ quân đội của Ngô Thảo khoảng mười lăm năm đúng lúc ở đây quy tụ nhiều tài năng đang ở đỉnh cao sáng tác, nhất là thời kỳ sau Đổi mới với những “Thời xa vắng” của Lê Lựu; “Mảnh đất lắm người nhiều ma” của Nguyễn Khắc Trường; “Phố”, “Ăn mày dĩ vãng” của Chu Lai; “Lạc rừng” của Trung Trung Đỉnh... Nhưng cũng phải công bằng mà nói, những "ngự lâm quân" trong làng phê bình như Ngô Thảo, Vương Trí Nhàn, Lại Nguyên Ân đã đĩnh đạc khai hỏa để văn chương sôi động và sống động hơn.

Rất khác với hai đồng nghiệp Vương Trí Nhàn và Lại Nguyên Ân, còn nhiều lúc bị giới sáng tác lườm nguýt, cự cãi, phản biện thậm chí gay gắt, Ngô Thảo với cung cách chân tình, đĩnh đạc, nhưng cũng không kém phần sắc sảo đã luôn tạo ra sự cân bằng cần thiết trong mỗi cuộc luận bút nảy lửa từ những tác phẩm làm nên tên tuổi các nhà văn. Ngô Thảo viết công phu và cẩn trọng nhưng cũng hết sức quyết liệt. Khi ông biên soạn, sưu tầm và xuất bản các tác phẩm về nhà văn Nguyễn Thi mới thấy hết được tấm lòng rộng mở và thao thiết của ông.

Ông đã từng rất coi trọng truyện ngắn “Im lặng” của nhà văn Nguyễn Thi từng một thời cho là u ám trong nền văn học. Ở truyện này, Nguyễn Thi viết rất khác về chiến tranh, đến mức nhiều người hồ nghi đây không phải là tác phẩm của Nguyễn Thi. Nhưng đó mới là Nguyễn Thi - gai góc và rất khác biệt. Tôi mỗi lần đến gia đình nhà văn Nguyễn Thi thắp hương nghe vợ ông kể lại mà rơi nước mắt. Và cũng từ đó, tôi hiểu được tại sao Ngô Thảo lại quý trọng tài năng Nguyễn Thi đến thế.

Ngô Thảo ở Văn nghệ quân đội 15 năm đang phong độ đỉnh cao đã chuyển sang Tạp chí Sân khấu. Gần 20 năm gắn bó với Tạp chí Sân khấu, làm các chức Tổng Biên tập; Giám đốc Nhà xuất bản Sân khấu; Phó Tổng thư ký thường trực Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Ngô Thảo với tính cách của mình khiến nhiều người mến yêu.

Ông đã để lại nhiều dấu ấn với các tác phẩm “Như cuộc đời” (1996); “Mấy vấn đề của sân khấu Việt Nam trong cơ chế thị trường” (2000); “Mây bay về núi” (2007). Nhưng cũng phải nói thẳng ra là, chỉ có phê bình văn học về đề tài người lính mới là những trang đặc sắc nhất của Ngô Thảo.

Hãy để ông tự nói về các thế hệ nhà văn cầm súng mà ông yêu thích thay cho đoạn kết của bài viết nhỏ này: “Nếu số nhà văn thế hệ chống thực dân Pháp được tính bằng con số hàng chục, thì số tác giả thuộc thế hệ chống Mỹ cứu nước là hàng trăm.

Cả một thế hệ vào đời với ý thức góp sức mình hoàn thành nghĩa vụ chung là giải phóng đất nước, thống nhất Tổ quốc. Thực tế sôi động, hào hùng và bi tráng của cuộc chiến đấu đã tạo nên nguồn cảm hứng mạnh mẽ buộc họ cầm bút.

Ở đây, chính vị trí của người cầm bút là người chiến sĩ trực tiếp cầm súng chiến đấu đã tạo nên tâm thế hào sảng cho văn học trong những năm chiến tranh. Lo nỗi lo chung của đất nước, sẵn sàng đem lồng ngực tuổi thanh xuân chắn những viên đạn kẻ thù bắn về phía Tổ quốc, phía nhân dân, là ngọn lửa ấm và sáng, tràn đầy lạc quan qua hầu hết các tác phẩm văn học thời chiến, đó là di chúc tinh thần mà thế hệ các nhà văn tham gia cuộc chiến tranh, qua các tác phẩm của mình muốn truyền lại cho thế hệ kế tiếp”.

Đó chính là tâm can của nhà phê bình Ngô Thảo vậy.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngô Thảo, từ những gương mặt còn lại