Ngoài tiền thai sản, lao động nữ còn được nhận khoản trợ cấp nào?

Lan Hương 27/07/2023 08:37

Từ ngày 1/7, lao động nữ sinh con được trợ cấp một lần là 3,6 triệu đồng cho mỗi đứa con được sinh ra.

Chế độ thai sản đối với lao động nữ sinh con bao gồm 4 khoản: Tiền nghỉ những ngày đi khám thai, tiền trợ cấp một lần khi sinh con, tiền thai sản trong thời gian sinh con và tiền dưỡng sức sau sinh.

Mức hưởng chế độ thai sản cao hay thấp tùy vào tiền lương của lao động nữ tham gia đóng bảo hiểm xã hội (BHXH). Mức hưởng một tháng được tính bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 6 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. Trường hợp người lao động đóng BHXH chưa đủ 6 tháng thì mức hưởng chế độ thai sản là mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng BHXH.

Căn cứ vào mức hưởng chế độ thai sản theo tháng của người lao động, cơ quan BHXH sẽ tính mức hưởng theo ngày. Chế độ thai sản kéo dài bao nhiêu ngày thì tiền hưởng chế độ sẽ nhân theo số ngày được hưởng.

Thứ nhất, tiền nghỉ những ngày đi khám thai được quy định tại Điều 32 Luật BHXH năm 2014. Theo đó, trong thời gian mang thai, lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai 5 lần, mỗi lần 1 ngày. Có 3 trường hợp mà người mang thai được nghỉ 2 ngày cho mỗi lần khám thai là: lao động nữ ở xa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; người mang thai có bệnh lý; thai không bình thường. Như vậy, trong suốt thai kỳ, lao động nữ có thể được hưởng tiền nghỉ những ngày đi khám thai ít nhất là 5 ngày lương, nhiều nhất là 10 ngày lương. Mức hưởng 1 ngày được tính bằng mức hưởng chế độ thai sản theo tháng chia cho 24 ngày.

Thứ hai, tiền trợ cấp một lần khi sinh con được quy định tại Điều 38 Luật BHXH năm 2014. Theo đó, lao động nữ sinh con được trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 2 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ sinh con. Như vậy, từ ngày 1/7, lao động nữ sinh con được trợ cấp một lần là 3,6 triệu đồng cho mỗi đứa con được sinh ra.

Thứ ba, tiền thai sản trong thời gian sinh con được quy định tại Điều 34 Luật BHXH năm 2014.Theo đó, khi sinh con, lao động nữ được chọn nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá 2 tháng. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản là 6 tháng (tính cả khoảng thời gian nghỉ trước và sau khi sinh con). Trường hợp lao động nữ sinh nhiều con cùng một thai kỳ thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 1 tháng.

Thứ tư, tiền dưỡng sức sau sinh được quy định tại Điều 41 Luật BHXH năm 2014. Khoản 1 Điều 41 quy định, lao động nữ ngay sau thời gian hưởng chế độ thai sản, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe 5-10 ngày. Khoản 3 Điều 41 quy định, mức hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản một ngày được tính bằng 30% mức lương cơ sở, tức là 540.000 đồng.

Đáng chú ý, theo Khoản 2 Điều 39 Luật BHXH 2014 thì người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng được tính là thời gian đóng BHXH, người lao động và người sử dụng lao động không phải đóng BHXH. Đồng thời, tại khoản 6 Điều 42 Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 cũng có hướng dẫn người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng theo quy định của pháp luật về BHXH thì đơn vị và người lao động không phải đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, thời gian này vẫn được tính là thời gian tham gia BHXH, không được tính là thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp; phải đóng bảo hiểm y tế do cơ quan BHXH đóng. Như vậy, thời gian 6 tháng nghỉ thai sản của lao động nữ khi sinh con vẫn được tính là thời gian có đóng BHXH.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngoài tiền thai sản, lao động nữ còn được nhận khoản trợ cấp nào?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO