Ngoại trưởng Mỹ tới Hiroshima: Không có lời xin lỗi cho Nhật Bản

Khánh Duy 11/04/2016 20:37

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã trở thành vị Ngoại trưởng đầu tiên của nước này có chuyến viếng thăm khu tưởng niệm những người thiệt mạng vì bom nguyên tử ở Hiroshima, Nhật Bản. Tuy nhiên, trong chuyến thăm này, ông không mang theo lời xin lỗi từ nước Mỹ.

Ông Kerry cùng các vị Bộ trưởng đến tham dự G7 đặt vòng hoa tại Công viên Tưởng niệm Hòa bình ở Hiroshima (Nguồn: CNN).

Ông Kerry; cao ủy Liên minh châu Âu về chính sách ngoại giao Federica Mogherini cùng các vị Ngoại trưởng khác thuộc nhóm G7 đang ở Nhật Bản để tham dự các cuộc hội thảo kéo dài 2 ngày, đã đến thăm đài tưởng niệm đặt ở đúng nơi hứng chịu quả bom nguyên tử đầu tiên trong lịch sử thế giới trong hôm 11/4.

Chuyến công du lần này của họ dường như trở nên ảm đạm hơn do các cuộc đàm phán của G7 được tổ chức ngay trên một địa danh lịch sử như vậy. Và nó càng ảm đạm hơn khi văn phòng Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng ông Kerry sẽ không đưa ra lời xin lỗi về việc quân đội nước này từng thả 2 quả bom nguyên tử vào Hiroshima và Nagasaki.

Hiroshima từng bị hủy diệt khi Mỹ thả một quả bom nguyên tử vào thành phố này vào tháng 8/1945. Quả bom, dẫn tới kết thúc của Thế chiến II, đã khiến 140.000 người thiệt mạng, chưa kể các ảnh hưởng phóng xạ mà trái bom này mang đến. Chỉ 3 ngày sau đó, Mỹ tiếp tục ném trái bom nguyên tử thứu hai xuống thành phố cảng Nagasaki, khiến 70.000 người thiệt mạng.

Hôm 11/4, trong tình trạng an ninh được thắt chặt, các nhà ngoại giao đã tổ chức đặt vòng hoa tại Công viên tưởng niệm Hòa bình Hiroshima và sau đó đi bộ tới Mái vòm nguyên tử. Tàn tích này là công trình duy nhất còn đứng vững dù ở vị trí ngay sát trung tâm của vụ nổ hạt nhân và nay trở thành một đài tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng.

Trước đó, họ đã cùng tới thăm bảo tàng hòa bình để xem lại những vết tích của vụ tấn công bằng bom nguyên tử thời chiến, nơi còn lưu giữ những bộ quần áo bị cháy xém của cả những người đã thiệt mạng và người may mắn sống sót sau sự kiện năm 1945. Cả 3 điểm đến trên dường như đã trở thành một biểu tượng mạnh mẽ để thôi thúc các nhà lãnh đạo tiếp tục tiến trình giải giáp vũ khí hạt nhân.

“Mọi người trên thế giới nên nhìn và cảm nhận sức mạnh của đài tưởng niệm này. Nó nhắc cho chúng ta nhớ về cam kết chấm dứt mối đe dọa vũ khí hạt nhân, và cũng nhắc nhở chúng ta phải tránh xa chiến tranh” - ông Kerry viết trong cuốn sổ lưu niệm những người khách đến thăm.

Nhưng đáng tiếc là, dù đã đưa ra một thông điệp hòa bình đầy nhân văn, nhưng một quan chức kỳ cựu của Bộ Ngoại giao Mỹ tháp tùng ông Kerry lại cho hay ông Kerry không đưa ra một lời xin lỗi đến nước Nhật vì những hậu quả hủy diệt mà bom nguyên tử của Mỹ gây ra trong thời chiến.

Trước chuyến thăm đài tưởng niệm, ông Kerry đã có cuộc nói chuyện với người đồng cấp Nhật Fumio Kishida.

“Chuyến thăm của tôi tới Hiroshima có ý nghĩa hết sức đặc biệt về sức mạnh của mối quan hệ giữa chúng ta và hành trình mà chúng ta đã cùng nhau trải qua kể từ sau thời kỳ khó khăn của Thế chiến lân thứ 2” - ông Kerry nói - “Chúng ta sẽ thăm lại lịch sử và vinh danh những người đã thiệt mạng, nhưng chuyến công du này không phải vì quá khứ mà nó vì hiện tại và tương lai”.

Chính phủ và người dân Nhật Bản trước đó đã hy vọng rằng địa điểm tổ chức thượng đỉnh G7 tại Hiroshima sẽ giúp tăng cường sự hiểu biết của các quốc gia tham dự về quan điểm của họ đối với vấn đề hạt nhân.

“Đối với chúng tôi, việc sở hữu vũ khí hạt nhân là điều không thể tưởng tượng nổi” - ông Kishida nói trong bài phát biểu hôm 11/4.

Ngoài vấn đề về vũ khí hạt nhân, ông Kerry cũng mang tới hội nghị lần này nhiều vấn đề hơn nữa. Trong ngày đầu tiên diễn ra các vòng đàm phán, nhóm G7 - gồm Mỹ, Anh, Canada, Pháp, Đức, Italy và Nhật Bản - đã cùng thảo luận về cuộc nội chiến ở Syria, khủng hoảng di cư mà châu Âu đang phải đối mặt và tình trạng bạo lực ở Ukraine.

Ông Kerry cũng dẫn đầu một cuộc thảo luận về bất ổn chính trị ở Iraq và Afghanistan, sau khi đến thăm các nước này trước khi đến Nhật. Cuộc chiến chống tổ chức phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) cũng là tâm điểm của các vòng thảo luận, trong bối cảnh một số nước châu Âu đang phải đối mặt với các thách thức an ninh ảnh hưởng từ các vụ khủng bố nghiêm trọng ở Paris và Brussels.

Trong khi đó, Nhật Bản hy vọng nêu bật các mối quan ngại đang xuất hiện ở châu Á, bao gồm cả các hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông và chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngoại trưởng Mỹ tới Hiroshima: Không có lời xin lỗi cho Nhật Bản