Nhà báo Trần Thanh Phương đã viết cả trăm bài báo về các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận, về những văn nghệ sĩ, trí thức lớn, về các vị nguyên là lãnh đạo hay phóng viên có nhiều đóng góp cho báo Đại Đoàn Kết, khi họ vừa từ trần. Những bài báo ấy không chỉ là lời vĩnh biệt trong niềm kính trọng, tiếc thương mà còn hiện lên chân dung sinh động người đã khuất, từ đời riêng đến sự cống hiến cho sự nghiệp giữ nước và dựng nước, cho sự nghiệp văn học, nghệ thuật và báo chí nước nhà.
Nhà báo Trần Thanh Phương (phải) và nhà báo Phương Hà trong một chuyến công tác ở An Giang.
Bây giờ thì anh không viết được nữa mà đến lượt tôi viết về anh.
Tôi và Trần Thanh Phương gặp nhau không lâu sau ngày giải phóng Sài Gòn. Anh trở về quê hương hơi trễ vì còn phải hoàn thành nhiệm vụ ở Ban Miền Nam báo Nhân Dân. Biết tôi từng 10 năm lăn lộn ở chiến trường, anh nhờ tôi đưa đi thăm chiến khu Bắc Tây Ninh - nơi trú đóng nhiều lần của Trung ương Cục và Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Tôi chở anh bằng chiếc xe Honda 67 do báo Giải phóng cấp, vừa mang từ rừng ra. Dọc đường, tôi nói anh chạy thử chiếc xe, anh bảo trong các phương tiện giao thông, ngoài chèo xuồng thời còn con nít ở Cà Mau, anh còn biết lội bộ!
Như vậy là từ khi tập kết ra Bắc, học phổ thông rồi đại học, làm việc tại hai tờ báo của trung ương, ngoài phương tiện công cộng và xe cơ quan khi đi công tác, anh chỉ lội bộ. Anh lội bộ suốt 82 năm và nay không còn tiếp tục được nữa!
Đã có gần trăm bài báo và mấy tập phim của VTV, HTV giới thiệu về nhà báo, nhà văn, nhà sưu tập Trần Thanh Phương. Tôi là một trong những người bạn vong niên thân thiết nhất của anh, một thời gian dài cùng làm phóng viên báo Giải phóng, báo Đại Đoàn Kết, cùng nhau đi viết khắp nước, rồi khi nghỉ hưu, hầu như tuần nào cũng gặp nhau, lúc thì “cụng ly”, khi thì tào lao chuyện đông chuyện tây, nên tôi hiểu anh khá rõ.
Đồng nghiệp và bạn bè nói về Trần Thanh Phương trước hết là nói về một người sống tử tế, rất tử tế. Anh không quảng giao kiểu nói nhiều, giao du rộng mà chính từ cách sống cởi mở, chân thật và luôn trải lòng mà nhiều người thấy mình cần có anh để kết bạn, để chuyện trò. Anh chuyện trò rất có duyên, thường cà rởn xen vào những chuyện tiếu lâm “cổ điển” hoặc “hiện đại” với cái kết bất ngờ, khi thì hài hước, lúc thì trào lộng, khiến người nghe cười xong phải ngẫm nghĩ bao sự đời.
Nhà Trần Thanh Phương hầu như ngày nào cũng có khách là bạn tứ xứ. Nếu như có “kỷ lục nhiều bạn” thì Trần Thanh Phương luôn “soán ngôi”. Bạn thân hay sơ, là quan chức rất to hay ông hàng xóm bán chén dĩa, vợ chồng anh đều tiếp như nhau, khi thì bia, lúc thì rượu đế, ngay cả mấy năm gần đây anh đã dứt hẳn thức uống có cồn. Trong số khách của anh có những sinh viên hết khóa này đến khóa khác tìm đến nhờ anh giúp tài liệu để làm luận văn tốt nghiệp. Anh chu đáo với từng sinh viên và trân trọng những đề tài mà họ cần một phần tư liệu từ anh.
Trần Thanh Phương bắt đầu tích lũy tư liệu từ năm 1967, khi mới về làm phóng viên báo Nhân Dân. Ngoài cắt dán hàng vạn bài báo theo từng chủ đề, lên đến 120 tập khổ giấy A3, anh còn có tập sách độc bản Đất nước tôi tập hợp hơn 10 nghìn bài báo từ giữa năm 1975 đến tháng 6-2005, chia làm 4 phần, gồm Danh lam thắng cảnh - Di tích lịch sử -Văn hóa, Phong tục - Lễ hội, Ẩm thực, khổ 120 cm x 80 cm, nặng 87 kg.
Anh còn sưu tập chân dung và bút tích 700 nhà văn, nhà thơ, sưu tập những bài viết về một số nhân vật nổi tiếng mà gia đình họ cũng rất ngạc nhiên sao lại đầy đủ đến vậy, như Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng - một trong những lãnh đạo chủ chốt ở miền Nam suốt thời kỳ chống Mỹ, nhà văn Nguyễn Tuân, nhà văn Nguyễn Quang Sáng, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn…
Đặc biệt Trần Thanh Phương có nhiều tài liệu về các nhà cách mạng tiền bối, trong đó có những bức thư, những di chúc, những trang viết không công bố, hoặc hiện tại không thể công bố mà anh không tặng cho thư viện. Theo tôi đó là những tài liệu rất chân thực cho người chép sử sau này.
Nhiều người nói kho tư liệu - nếu quy trọng lượng thì khoảng ba tấn của Trần Thanh Phương đã lạc hậu vì muốn gì đã có Google, nhưng ai đã lần giở hay sử dụng một phần tư liệu ấy mới thấy nó vô giá, như để tìm hiểu về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thì có đến hai tập cả ngàn trang những bài báo từ những năm 1960 đến nay. Hay muốn biết chi tiết cuộc đảo chính Diệm - Nhu (1963) thì có đến mấy tập bài báo xuất bản tại Sài Gòn trong thời gian ấy. Hoặc muốn hiểu về vụ án kinh tế Epco - Minh Phụng (1997 - 1999), vụ án hình sự Năm Cam (2001 - 2003) thì có đến bốn tập tài liệu từ khi điều tra đến kết thúc phiên tòa phúc thẩm… Ngày nay, Google có bỏ ra số tiền lớn để tìm đủ những tư liệu ấy cũng không thể.
Trần Thanh Phương được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác lập ba kỷ lục: Người có bộ sưu tập những bài báo nhiều nhất Việt Nam, Người có quyển sách sưu tập các bài báo có kích thước lớn nhất Việt Nam, Người có bộ sưu tập chân dung và bút tích nhà văn Việt Nam lớn nhất Việt Nam.
Vốn sống phong phú, chịu đọc, chịu đi, ngoài hàng ngàn bài báo, Trần Thanh Phương còn viết đủ thể loại, từ ký, truyện ngắn, truyện dài đến biên soạn. Anh đã xuất bản 38 tác phẩm dày dặn, trong đó có nhiều tác phẩm được nhiều người tìm đọc, như “Đường về nhà xa quá má ơi”, “Chân dung, bút tích nhà văn”, “Rượu và văn chương”, “Lời cuối với nhà văn đã đi xa”, “Hổ phụ sinh hổ tử”, “Ngòi bút và cây kéo”… Vậy nhưng hỏi tại sao anh không làm đơn xin vô Hội Nhà văn Việt Nam, anh nói “Không thấy cần thiết”.
Viết về Trần Thanh Phương không thể không nhắc đến giai đoạn anh làm Phó Tổng biên tập kiêm Trưởng Ban Đại diện báo Đại Đoàn Kết tại các tỉnh phía Nam. Ngoài công việc quản lý hằng ngày và biên tập, duyệt bài gửi ra tòa soạn ở Hà Nội, anh đã tổ chức xuất bản “Đại Đoàn Kết nguyệt san”, “Đại Đoàn Kết cuối tuần” với lượng phát hành khá cao. “Đại Đoàn Kết cuối tuần” là tờ báo đầu tiên mạnh dạn viết về những nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo có đóng góp lớn cho hai cuộc chiến tranh giữ nước nhưng người ta cho là “có vấn đề”, để trả lại sự công bằng cho họ.
Những năm đầu thập kỷ 1990, anh đã cùng anh chị em trong Ban Đại diện tiên phong tổ chức cho bạn đọc bình chọn “Mười nhãn hàng tiêu dùng Việt Nam được ưa thích nhất”, gọi tắt là “Topten hàng Việt”, tổ chức “Hàng nội vào Dinh”, tức hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao tại Dinh Thống Nhất, thành phố Hồ Chí Minh. Bây giờ, một số doanh nhân còn nhắc đến hình thức tiếp thị sản phẩm Việt Nam thật độc đáo ấy của Báo Đại Đoàn Kết, bởi có sức lan tỏa mạnh, đã mở đầu cho phong trào sản xuất hàng Việt Nam chất lượng cao.
Ngày 7/3/2017, khi đang ốm nặng, Trần Thanh Phương đã chuyển tặng toàn bộ kho tư liệu và khoảng 3.000 cuốn sách cho Thư viện Khoa học tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh và Thư viện đã trân trọng tổ chức “Phòng Tư liệu nhà báo Trần Thanh Phương” để lưu trữ và hằng ngày mở cửa phục vụ bạn đọc.
Tôi nghĩ, nếu Thư viện Khoa học tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh tổ chức số hóa toàn bộ tư liệu của Trần Thanh Phương rồi đưa lên internet thì tác dụng của nó càng vô cùng lớn.
Viết hay làm phim về Trần Thanh Phương không thể không có nhà giáo Phan Thu Hương - người vợ của anh quê xứ Nghệ. Hơn nữa thế kỷ bên nhau, Phan Thu Hương đã cùng chồng chia sẻ mọi ngọt bùi, cùng chồng tạo nên kho tư liệu báo chí, văn chương đồ sộ. Không có Phan Thu Hương, chưa chắc Trần Thanh Phương đã vượt qua được ba năm trời bệnh tật hành hạ.
Tôi lấy tên hồi ký “Ngòi bút và cây kéo” của Trần Thanh Phương làm đề tựa cho bài viết này là để nhắc mình nói thật đúng về anh - dù là những nét chấm phá về một con người hiền lành, khiêm nhường, cần mẫn viết, cần mẫn tập hợp tri thức cho đời.
Những ngày cuối cùng trên giường bệnh, Trần Thanh Phương nói với tôi: “Những gì mình có, mình đã viết ra hết”.
Chỉ vậy thôi, anh đã sống thật đủ đầy…