Minh họa quá trình ngôi sao trẻ RW Aur A "nuốt" mảnh vụn của hành tinh. Ảnh: NASA/CXC/M.Weiss. |
Các nhà khoa học có thể lần đầu tiên quan sát được một ngôi sao trẻ "ăn thịt" hành tinh khác nhờ dữ liệu từ Đài quan sát tia X Chandra của NASA, NDTV hôm 19/7 đưa tin. Ngôi sao có tên RW Aur A, được phát hiện năm 1937 và cách Trái Đất khoảng 450 năm ánh sáng.
Cách vài thập kỷ, RW Aur A sẽ tối đi trong khoảng một tháng rồi sáng trở lại. Những năm gần đây, hiện tượng giảm sáng xảy ra thường xuyên và kéo dài hơn. Nghiên cứu mới tìm ra yếu tố có thể dẫn đến lần giảm sáng gần nhất của ngôi sao này.
Theo đó, nhiều khả năng hai thiên thể mới hình thành, trong đó ít nhất một thiên thể đủ lớn để là hành tinh, đã va chạm trong lúc di chuyển quanh RW Aur A. Các mảnh vỡ bị kéo về phía ngôi sao do lực hấp dẫn và tạo nên một đám mây khí bụi dày, tạm thời che khuất ánh sáng của nó. Những lần tối đi trước đó của RW Aur A cũng có thể do các vụ va chạm tương tự giữa hai thiên thể hoặc giữa các mảnh vỡ lớn.
"Từ lâu mô hình trên máy tính đã dự đoán các hành tinh có thể bị hút vào một ngôi sao trẻ, nhưng chúng tôi chưa từng theo dõi được. Nếu chúng tôi hiểu đúng dữ liệu thì đây sẽ là lần đầu quan sát trực tiếp một ngôi sao trẻ đang nuốt một hoặc nhiều hành tinh", nhà khoa học Hans Moritz Guenther từ Viện nghiên cứu Vũ trụ và Vật lý thiên văn Kavli thuộc Viện Công nghệ Massachusetts cho biết.
"Hiện nay rất nhiều nghiên cứu tập trung vào ngoại hành tinh và quá trình chúng hình thành. Do đó, chắc chắn việc quan sát xem những hành tinh trẻ có thể bị phá hủy như thế nào khi tương tác với sao chủ và các hành tinh trẻ khác, cũng như việc tìm hiểu yếu tố quyết định sự tồn tại của chúng rất quan trọng", Guenther bổ sung.
Theo Vnexpress