34 năm sau ngày mất của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, sân khấu kịch Việt Nam vẫn nhắc tới ông, dựng những vở kịch do ông viết lúc sinh thời. Và công chúng vẫn nhận ra sự mới lạ, sức hấp dẫn của những vở kịch của Lưu Quang Vũ.
“Mùa nhớ”
Chạm vào thu, thời tiết Hà Nội se lạnh, cũng là lúc nhiều người yêu mến Lưu Quang Vũ và sân khấu kịch lại tìm đến Nhà hát Tuổi trẻ ở số 11 Ngô Thì Nhậm (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Ở đây đang diễn ra “Mùa kịch Lưu Quang Vũ” với các vở kịch “Lời thề thứ 9”, “Ai là thủ phạm”, “Hoa cúc xanh trên đầm lầy” và “Ông không phải là bố tôi” - vở kịch mới nhất vừa được Nhà hát Tuổi trẻ dàn dựng đầu năm 2022.
“Xa Lưu Quang Vũ hơn 30 năm, chúng ta vẫn thấy ngọn lửa ấy ngày càng sáng hơn, và như vậy những người thân của Lưu Quang Vũ được an ủi, khi ông “đi xa” vẫn đón nhận được tình cảm yêu mến của bạn bè, công chúng đối với người nghệ sĩ tài hoa…”
NSND Lê Tiến Thọ
Kể từ khi dàn dựng kịch bản đầu tay “Sống mãi tuổi 17” của Lưu Quang Vũ năm 1980 do NSND Phạm Thị Thành làm đạo diễn, Nhà hát Tuổi trẻ đã trở thành một trong những đơn vị nghệ thuật dàn dựng nhiều và thành công nhất kịch của Lưu Quang Vũ với những vở diễn đình đám: “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”, “Cô gái đội mũ nồi xám”, “Lời nói dối cuối cùng”, “Ai là thủ phạm”, “Hoa cúc xanh trên đầm lầy”… trong đó có không ít những vở được phục dựng lại và tiếp tục mê đắm người xem sau nhiều thập kỷ ra mắt: “Mùa hạ cuối cùng”, “Lời thề thứ 9”, “Tin ở hoa hồng”…
“Mùa kịch Lưu Quang Vũ” năm nay diễn ra trong suốt tháng 8 và 9 một lần nữa mang đến cho khán giả cơ hội được thưởng thức những tác phẩm để đời của Lưu Quang Vũ, cùng sống lại những ký ức đầy xúc cảm được tái hiện trên sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ.
“Ông không phải là bố tôi” do NSƯT Sĩ Tiến đạo diễn, được nhà viết kịch Lưu Quang Vũ viết năm 1988, là một trong những tác phẩm cuối cùng trong sự nghiệp lừng lẫy của ông. Với cốt truyện kể về một người đã chối bỏ vợ con, sau bao năm xa cách với nhiều biến cố, ông mới quay về tìm lại gia đình. Gia đình ấy một lần nữa đảo lộn trước giông bão của những toan tính, lòng tham. Tình cảm cha con, mối liên kết ruột thịt mới chớm được vun đắp nay lại đứng trước những tan vỡ, đứt gãy. Sự thấu hiểu, sẻ chia, tình người mà Lưu Quang Vũ muốn gửi gắm lại từ hơn 30 năm trước vẫn hiện hữu như một chân lý sống, làm rung động bao thế hệ khán giả.
Nhằm mang đến cho công chúng cơ hội thưởng thức một tác phẩm có giá trị của Lưu Quang Vũ theo cách sinh động, mới mẻ và hấp dẫn nhất, vở kịch đã được dàn dựng với hai ê-kíp biểu diễn khác nhau với những gương mặt nghệ sĩ được đông đảo khán giả yêu mến của Nhà hát Tuổi trẻ: NSƯT Đức Khuê, Thanh Sơn, Thu Quỳnh, Lương Thu Trang, Quỳnh Dương, Quang Ánh, Thanh Bình, Quang Trọng, Lệ Quyên, NSƯT Hoa Thúy, Thanh Dương, Thanh Tú, Chí Huy, Đức Anh, Minh Cúc…
Mùa kịch Lưu Quang Vũ năm nay, công chúng cũng sẽ gặp lại vở “Lời thề thứ 9” (đạo diễn: NSND Xuân Huyền, NSƯT Chí Trung). Vở kịch được Lưu Quang Vũ viết năm 1986, Nhà hát Tuổi trẻ công diễn lần đầu năm 1988, với những diễn viên thuộc thế hệ vàng thời đó như NSƯT Đức Trung, NSƯT Chí Trung, NSND Anh Tú... dưới sự dàn dựng của đạo diễn NSND Xuân Huyền. Năm 2012, tác phẩm được NSƯT Chí Trung phục dựng và từ đó đến nay thường “sáng đèn” trên sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ khi mùa thu về.
Bên cạnh đó, NSƯT Chí Trung còn đạo diễn vở “Ai là thủ phạm”. Vở kịch kể về đời sống thường nhật của thị dân trong những năm 80 ở Hà Nội, xung quanh những mảng đời nhỏ lẻ ở một khu tập thể có biệt danh “Quân khu Phượng Hà”! Một lớp trẻ sinh ra và lớn lên với nhiều môi trường giáo dục và hoàn cảnh sống khác nhau… đã đưa số phận các nhân vật tới những ngã rẽ khác nhau của cuộc đời, nội dung vở kịch đã phần nào đưa ra lời giải đáp cho câu hỏi “Ai là thủ phạm?“ của những hiện tượng cá nhân tha hóa, tiêu cực nảy sinh trong đời sống hôm qua và cả ngày hôm nay...
Vở kịch thứ tư trong mùa kịch năm nay là “Hoa cúc xanh trên đầm lầy” do NSƯT Sĩ Tiến đạo diễn. Vở diễn xoay quanh “cuộc tình tay ba” giữa Hoàng - Liên - Vân, những người bạn trẻ đã một thời đầy ắp những kỉ niệm với bông cúc xanh trên đầm lầy giữa miền quê yên ả. Khi trưởng thành, ngày Hoàng cầu hôn Liên cũng là ngày cô trao thiệp cưới của mình với Vân. Quá đau khổ, Hoàng với khả năng của mình đã “chiếm đoạt” được Liên khỏi tay Vân. Nhưng trái tim Liên sẽ thuộc về ai? Kỹ sư Hoàng tài ba làm chủ cuộc chơi hay họa sĩ Vân lãng mạn, phóng khoáng?… “Hoa cúc xanh trên đầm lầy” từng giành Huy chương Vàng tại “Liên hoan Kịch nói Toàn quốc 2018”.
Những thông điệp chưa bao giờ cũ
Vậy là sau 34 năm kể từ ngày kịch tác gia Lưu Quang Vũ đột ngột qua đời (29/8/1988), những vở kịch của ông vẫn tiếp tục được dàn dựng, trong đó có những vở kịch nói được xếp vào hàng kinh điển với giá trị nhân văn sâu sắc.
Theo chia sẻ của các nghệ sĩ Nhà hát Tuổi trẻ, “Mùa kịch Lưu Quang Vũ” là một hoạt động đầy ý nghĩa để tưởng niệm, tri ân tác giả Lưu Quang Vũ - người được ví như “một tượng đài của nền kịch nghệ Việt Nam”. Tên tuổi của Nhà hát Tuổi trẻ từ khi mới thành lập đã gắn bó với những tác phẩm có giá trị đặc sắc nhất trong di cảo của tác giả và cũng là nhà hát dàn dựng những tác phẩm đầu tiên của Lưu Quang Vũ như: “Sống mãi tuổi 17”, “Tin ở hoa hồng”, “Mùa hạ cuối cùng”, “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”...
Trong số các vở kịch được biểu diễn trong mùa kịch năm nay, “Hoa cúc xanh trên đầm lầy” là kịch bản sân khấu duy nhất hàm chứa nhiều yếu tố giả tưởng của tác giả Lưu Quang Vũ. Nhiều nhà nghiên cứu sân khấu đã đồng quan điểm nhận định, câu chuyện trong vở kịch này đã thể hiện nhãn quan vượt thời đại của Lưu Quang Vũ khi đi sâu khai thác những yếu tố hết sức mới mẻ ngay với cả trong cuộc sống đương đại hôm nay chứ chưa nói đến cái mốc hơn 30 năm về trước khi đất nước vừa thoát ra khỏi chiến tranh, sự nghèo đói, lạc hậu vẫn còn đeo bám. Dường như với “Hoa cúc xanh trên đầm lầy”, Lưu Quang Vũ đã giúp chúng ta tỉnh thức, biết nâng niu trân quý những niềm vui, hạnh phúc gần gũi, bình dị nhất.
Theo NSND Lê Tiến Thọ, sau hơn 30 năm, có thể khẳng định Lưu Quang Vũ là nhà viết kịch có số lượng tác phẩm gây chấn động dư luận nhất của Việt Nam. Sự ra đi đột ngột của “hiện tượng Lưu Quang Vũ”, sân khấu Việt Nam vẫn chưa có tác giả nào bù đắp được khoảng trống mà Lưu Quang Vũ để lại.
Thời gian qua, những tác phẩm của Lưu Quang Vũ vẫn được các đơn vị nghệ thuật từ chèo, cải lương, rối, dân ca kịch và đặc biệt là sân khấu kịch Việt Nam ở các đơn vị Trung ương, Hà Nội, lực lượng vũ trang và các địa phương luôn khai thác dàn dựng. Lưu Quang Vũ ra đi ở tuổi 40, nhưng những tháng năm ngắn ngủi của đời mình, ông đã sống, lao động miệt mài thắp lên ngọn lửa sáng tạo.
Trong khi đó, PGS.TS Lưu Khánh Thơ chia sẻ: Lưu Quang Vũ đã chứng tỏ một sự nhạy cảm đặc biệt, một khả năng phát hiện, nắm bắt cái “lõi” của hiện thực để phản ánh. Ngòi bút của Lưu Quang Vũ đã xông vào hầu hết mọi ngõ ngách của cuộc sống cũng như tâm hồn của con người. Theo bà Thơ: “Mỗi vở kịch là một mặt cắt của hiện thực. Anh Lưu Quang Vũ gửi gắm trong đó những tâm tư, tình cảm, khát vọng, những trăn trở về tình yêu, hạnh phúc, những suy tư về lẽ sống, lẽ làm người, cả những dự cảm về sự sống và cái chết…”.
Có thể thấy, với 53 vở kịch ngắn dài, hàng trăm bài thơ, truyện ngắn và những bài viết về sân khấu… cuộc đời và tác phẩm của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ luôn được bạn bè trong giới văn nghệ, người đọc đón nhận. Vào thời hoàng kim của sân khấu Việt Nam, cũng là đỉnh cao sự nghiệp của Lưu Quang Vũ, nhiều kịch bản của ông đã chiếm lĩnh sân khấu cả nước, tạo ra uy tín nghề nghiệp cùng với các đạo diễn, họa sĩ, nhạc sĩ, diễn viên góp phần tạo nên diện mạo sân khấu vào những năm 70-80 của thế kỷ 20.