Ngọt và đắng

TRẦN HỮU THĂNG 26/10/2023 09:16

Cụm từ hôn nhân, theo "Từ điển tiếng Việt" có nghĩa rất ngắn gọn và đơn giản: “Hôn nhân là việc nam nữ chính thức lấy nhau làm vợ chồng. Thí dụ: Luật Hôn nhân và gia đình”. Ấy thế mà tra mục từ “hôn nhân” trong các "Từ điển Triết học", "Từ điển Tâm lý học", "Từ điển danh ngôn thế giới" thì thấy cắt nghĩa rất nhiều. Lý do duy nhất là các tác giả đã đề cập đến “ngọt và đắng" của hôn nhân.

Bước vào thế kỷ XXI, hôn nhân lại trở thành một vấn đề to lớn ở nhiều quốc gia. Số lượng các gia đình trẻ ly thân, ly hôn, số người sống độc thân ngày càng gia tăng đến nỗi đe dọa đến cấu trúc dân số bình thường của nhiều quốc gia.

Do tuổi thọ tăng lên, số người già trên 60 tuổi đã đạt đến tỷ lệ 15 - 20% dân số. Số trẻ mới sinh ít đi, số gia đình do hôn nhân cấu tạo nên ít đi đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động trẻ, làm mất sự ổn định và cân bằng tỷ lệ dân số. Tai sao có hiện tượng này? Có nhiều cách cắt nghĩa: Do suy thoái kinh tế toàn cầu, số người ở độ tuổi sinh đẻ bị thất nghiệp gia tăng, việc nuôi dạy một đứa trẻ quá tốn kém, chi phí học đường tăng cao... đã dẫn đến tỷ lệ hôn nhân suy giảm, việc tan vỡ hôn nhân không còn theo quy luật thông thường nữa. Bài viết này xin trích dẫn một số nguyên nhân chính mà các nhà triết học đã nêu ra từ hàng trăm năm về trước.

Trước hết xin nói về “vị ngọt của hôn nhân”. Nhà thơ Xuân Diệu đã ca ngợi: “Này lắng nghe em khúc nhạc thơm/ Say người như rượu tối tân hôn”. Nhà thơ Nguyên Sa lại ước ao: “Hãy biến cuộc đời thành những tối tân hôn”. Đại triết gia Voltaire (1694 - 1778) đã khẳng định một cách lạc quan và đầy đạo lý: “Hôn nhân giúp cho người đàn ông đức độ và khôn ngoan hơn”.

Lời dạy này của Voltaire rất đúng. Theo lẽ thường, quy luật muôn đời là “Trai khôn lấy vợ, gái lớn gả chồng” được toàn xã hội coi là đúng đắn và thiêng liêng. Bao nhiêu giấy, bao nhiêu mực của bao nhiêu tác giả đã ca ngợi mô hình gia đình cơ bản, gia đình hạt nhân, gia đình hạnh phúc, gia đình là tế bào của xã hội. Không cần nhắc lại, vì theo quy luật “Trẻ cậy cha, già cậy con” thì ai ai cũng muốn có con, có cháu để nương tựa lúc tuổi già.

Triết gia danh tiếng cận đại Joseph Proudhon (1809 - 1865) đã để lại cho đời một danh ngôn ca ngợi vẻ đẹp của hôn nhân: “Từ đâu đưa đến sự cao thượng và sự tuyệt vời của hôn nhân? Đó chính là sự hy sinh và lòng trung thành trọn vẹn”. Thấm nhuần lời dạy vô cùng sáng suốt này của Proudhon, nếu trong chúng ta có ai nhờ tu dưỡng, nhờ giáo dục mà có được hai đức tính cao quý nhất tượng trưng cho con người là “sự hy sinh” và “lòng trung thành” thì cứ nên mạnh dạn tìm người khác giới phù hợp rồi tiến tới hôn nhân sẽ nhất định thắng lợi, nhất định có một tương lai bền vững.

“Không có cuộc hôn nhân nào là xấu, chỉ có những cặp vợ chồng xấu mà thôi”.

Triết gia Valette Rachide

Đến đây ta thấy rõ: Hôn nhân là một thành tựu lớn nhất của con người, vì nó đảm bảo hạnh phúc cho cả hiện tại và mai sau.

Vấn đề là ở chỗ từng cá thể cấu tạo nên cuộc hôn nhân đó như thế nào? Vallette Rachilde (1862 - 1938) đã khẳng định đầy lòng nhân ái và đầy nữ tính: “Không có cuộc hôn nhân nào là xấu, chỉ có những cặp vợ chồng xấu mà thôi”. Chao ôi, cái vị đắng mà toàn thể các triết gia từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây chỉ trích, lên án, than vãn lại chính là những con người cụ thể. Đó là những người vợ. Đó là những người chồng. Có lúc họ kết hợp làm một gọi là vợ chồng. Có lúc họ lại trở thành kẻ thù của nhau vì tham, vì sân, vì si.

Tiếp theo xin nói về “vị đắng của hôn nhân”. Triết gia danh tiếng La Rochefoucauld (1613 - 1680) đã nhận xét một cách thận trọng: “Có thể có những cuộc hôn nhân tốt đẹp nhưng không hề có những cuộc hôn nhân thú vị”.

Câu này rất hay. Ai biết nhiều về ngôn ngữ sẽ thấy cặp từ “thú vị” cao hơn “tốt đẹp” rất nhiều. Nếu theo nguyên văn tiếng Pháp, câu của Rochefoucauld đã cho thấy có sự khác biệt rất rõ ràng của hai cặp từ này. “Thú vị” là tăng thêm gia vị của cuộc đời, nó bền hơn và được nhớ lâu hơn “tốt đẹp”. Ngay cả đến hôn nhân được coi là “tốt đẹp” cũng chỉ là “có thể có” chứ không phải “chắc chắn có” càng chứng tỏ dưới con mắt các triết gia thì hôn nhân mong manh chẳng khác gì sương khói.

Bài thơ sau đây của thi sĩ De Montenoy (1730 - 1814) cũng làm ta giật mình cảnh giác: “Ai cũng nói hôn nhân/ Là nấm mồ tình ái/ Trong cuộc sống vợ chồng/ Được bao ngày hạnh phúc?”. Khi tác giả Montenoy đặt câu hỏi: “Trong cuộc sống vợ chồng/ Được bao ngày hạnh phúc?” thì nhiều ông đã cay đắng mà giải thích rằng: “Hôn nhân cũng như đi đôi giày, đôi nào rộng, vừa hay chật thì chỉ có người đi đôi giầy đó mới biết được”. Có ông mạnh dạn trả lời: “Người nào kêu đau, chật là dại vì người ngoài họ biết, họ sẽ chê cười cho. Người nào khôn ngoan cứ cố chịu đau cho đến khi tháo được đôi giày ra khỏi chân mình”.

Lại có một cách nhìn khác, khá chua cay, khá mỉa mai đối với hôn nhân. Đó là cách nhìn của Đại thi hào De Baumarchais (1732 - 1799), tác giả nổi tiếng của tác phẩm kinh điển “Đám cưới của Figaro”. Ông viết: “Rút từ trong những việc đứng đắn ra, thì hôn nhân lại là việc khôi hài nhất”. Thật là logic và cũng thật cay đắng. Chính lỗi tại con người, hoặc do vợ, hoặc do chồng, hoặc lỗi tại cả hai, mà một truyền thống tốt đẹp nhất, cao quý nhất của xã hội loài người lại biến thành một trò khôi hài, một trò cười mà con người phải ngậm ngùi, luyến tiếc.

Nữ văn sĩ De Lespinasse (1732 - 1776) đã nói không hề dấu diếm, không hề che đậy về bản chất của việc kết hôn. Bà viết: “Kết hôn tức là dũng cảm lao vào cuộc sổ số của số phận, mà ở đó họa hoằn lắm người ta mới chớp được tấm vé tốt”. Mới đọc ai cũng tưởng nữ văn sĩ nói quá về hôn nhân, về kết hôn. Nhưng nếu tham khảo kỹ chút nữa ta sẽ thấy nhiều dân tộc, nhiều phương ngôn, nhiều ngạn ngữ, cách ngôn cổ đại của các nền văn minh đã đề cập đến hôn nhân theo cách nhận xét đó.

Ngạn ngữ cổ Tây Ban Nha viết: “Kết hôn cũng như mua dưa hấu. Nếu gặp may cũng mua được quả ngon”.

Tác giả Georgesco lại ví dụ rất dễ hiểu: “Hôn nhân là một cái áo mới được mặc trong một ngày lễ, mà người mặc không được thử trước chiếc áo ấy bao giờ”. Ý kiến này làm ta tỉnh ngộ ra một ý rất đời thường là ngay ở các cửa hàng bán quần áo rẻ tiền người ta cũng có đến 3, 4 phòng kín để thử quần áo, thế mà hôn nhân thì không được thử.

Như thế chẳng đã rõ là nắm chắc phần thua hay sao. Từ đó cho thấy, thử quần áo xem có vừa hay không chỉ cần 5 - 10 phút là biết có nên mua hay không. Còn thử hôn nhân, thử kết hôn thì nên theo phương pháp nào đây, mất thời gian là bao lâu thì mới chắc chắn không phải ân hận sau này?

Sau khi điểm qua một số ý tứ về ngọt và đắng của hôn nhân, các triết gia cũng kịp thời tỉnh táo, uốn nắn suy nghĩ của con người để tuân theo những cảm xúc đúng đắn, dương tính, có lợi cho sự phát triển của xã hội. Triết gia bậc thầy Samuel Johnson (1709 - 1784) đã nhắc nhở con người một cách chân tình và đầy lòng nhân ái: “Đành rằng hôn nhân có nhiều đau khổ, nhưng cái cảnh sống độc thân cũng chẳng thích thú gì”.

Thi sĩ Robert Bridges đã ca ngợi tình cảm của đôi vợ chồng già chung thủy bên nhau cho đến suốt đời qua nguyện vọng được chết trước chồng để người bạn đời được tiếp tục sống, đó là một tình yêu đích thực, trọn vẹn qua hai câu thơ nổi tiếng để đời: “Một trong hai ta sẽ có ngày phải chết/ Em nguyện cầu người chết trước là em”. Chao ôi, sự say đắm của hôn nhân sâu thẳm đến thế là cùng.

Khép lại bài viết, nên nhớ kỹ lời dạy của nữ triết gia Valette Rachide: “Không có cuộc hôn nhân nào là xấu, chỉ có những cặp vợ chồng xấu mà thôi”. Thì ra, tự mình phải tu dưỡng hàng ngày thì mới mong có được một cuộc hôn nhân tốt đẹp.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngọt và đắng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO