Ngư dân đồng loạt tiến về ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa

Tấn Thành 01/02/2017 16:50

Tại làng chài Tam Phú, thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam, ngay từ những ngày đầu năm các ngư dân tổ chức lễ và cầu xin tàu thuyền xuất bến lấy lộc đầu năm với dòng chữ “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”.

Nhiều tàu giăng khảu hiệu “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”.

Mỗi ngư dân là một cột mốc chủ quyền

Từ sáng mùng một Tết đến nay, các chủ tàu ở vùng ven biển thành phố Tam Kỳ, đã lần lượt tập trung tại Miếu Ông, Miếu Bà, Cầu Mống, dâng hương lên các chư linh để nguyện cầu cho năm mới. Tại làng chài này, trên các con tàu chuẩn bị xuất bên, khẩu hiệu “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam” đã phấp phới tung bay.

Ngay sau lễ cúng thành tâm, họ ngồi lại cùng nhau nâng ly cầu chúc năm mới an lành và phát tài rồi cho tàu chạy xuất bến hái lộc đầu năm. Ngoài ra nhiều con tàu lớn tiến thẳng ra ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa.

Ngư dân Phạm Văn Được đang thành tâm khấn vái ngay trên tàu, trước khi cho tàu xuất bến đầu năm.

Trò chuyện với chúng tôi, chủ tàu QNa-95428 TS, anh Phạm Văn Được (41 tuổi), trú xã Tam Phú, thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam cho biết: “Đây là thông lệ hằng năm của ngư dân chúng tôi. Sau khi dâng lễ lên Miếu Ông, Miếu Bà,… chúng tôi cho tàu chạy xuất hành lấy lộc đầu năm. Có những tàu tiến thẳng ra ngư trường lớn”.

Qua quan sát của chúng tôi, trước khi xuất bến, sẽ có bốn nghi thức cho lễ cúng cầu an, mong cho năm nay ra khơi trời yên biển lặng, đánh bắt được nhiều thủy sản để có một năm làm ăn phát đạt.

Cùng nhau chúc mừng năm mới, mong những điều tốt đẹp nhất đến với nghề bám biển.

Đó là dâng lễ các đền thờ; chúc mừng năm mới, lì xì mừng tuổi cho nhau, chia sẻ kinh nghiệm hành nghề trên biển, nhắc nhở tương trợ giúp đỡ nhau khi có tàu, thuyền nào gặp nạn; thực hiện việc phúc sinh bằng thả cá, thả tôm dưới sông biển và sau cùng cho tàu thuyền xuất bến lấy lộc.

Đã có rất nhiều tàu, thuyền neo đậu sát bên nhau để vui mừng, cung chúc năm mới và cùng hò reo khi tàu, thuyền xuất bến. Không riêng gì ngư dân Được, cho đến hôm nay (mùng 5 Tết) hàng trăm chiếc tàu ở thành phố Tam Kỳ và nhiều địa phương khác ở Quảng Nam như huyện Núi Thành, Duy Xuyên, Hội An… hay Bình Sơn, Mộ Đức, Lý Sơn… Quảng Ngãi đều đã cho thuyền xuất bến lấy lộc đầu năm.

Thật đáng trận trọng khi nhiều chiếc tàu còn treo cả biển hiệu trên tàu với dòng chữ “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”, những dòng chữ đó đã khẳng định được sự quyết tâm của ngư dân Quảng Nam nói riêng và Việt Nam nói chung về chủ quyền 2 vùng đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như quyết tâm bám các vùng biển truyền thống này.

Niềm tin vào một năm thắng lớn

Trong khi đó tại xã Tam Tiến, Tam Quang… huyện Núi Thành, Quảng Nam và vũng neo đậu tàu thuyền Lý Sơn thuộc huyện đảo Lý Sơn, hay tại cảng Sa Kỳ, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi,… những ngày qua không khí rất nhộn nhịp khi hàng trăm tàu cá đánh bắt xa bờ tại ngư trường Hoàng Sa - Trường Sa đã đồng loạt làm lễ xuất hành.

Lão ngư Đặng Châu cho biết: “Theo tính toán của ngư dân, đầu năm nay mùng 1, mùng 2, mùng 6 Tết đều tốt cho mùa biển mới. Vì thế ngư dân đã làm lễ xuất bến thẳng tiến ra vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam chúng ta để khai thác hải sản”.

Xuất bến vươn ra biển lớn Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.

Quảng Ngãi hiện có trên 5.600 chiếc tàu thuyền, trong đó có 1.770 chiếc thường xuyên khai thác thuỷ sản tại các vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa và Nhà giàn DK1. Hơn 4 vạn lao động trực tiếp sản xuất trên biển, mỗi năm khai thác trên 100.000 tấn hải sản các loại. Riêng Lý Sơn hiện có 417 phương tiện tàu cá, trong đó có trên 1/2 số tàu cá chuyên đánh bắt xa bờ và tham gia khai thác hải sản tại ngư trường Hoàng Sa - Trường Sa. Năm 2016, huyện Lý Sơn đã khai thác trên 38.000 tấn hải sản các loại, với giá trị đạt trên 450 tỷ đồng, thu nhập trung bình một lao động nghề biển đạt từ 80-100 triệu đồng.

Còn tại Quảng Nam hiện đã có hơn 1.500 tàu thuyền với tổng công suất hơn 103.000 CV, trong đó đến 217 tàu đánh bắt hải sản xa bờ, chủ yếu ở vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa. Những ngày này các ngư dân miền Trung đang thực hiện các nghi thức cúng xuất bến với quyết tâm bám biển, nhất là ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.

Theo bà Phạm Thị Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, hiện phần lớn tàu cá đánh bắt xa bờ của ngư dân trên đảo tại hai ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa đã chuẩn bị xong nhiên liệu, ngư cụ, nhu yếu phẩm, thuốc men và đang thẳng tiến ra khơi. Người dân đang đặt niềm tin một năm thắng lớn với nghề đánh bắt thủy hải sản.

Xin lấy lời ngư dân Phạm Văn Được để kết thức bài viết này: “Ngư dân chúng tôi cả đời sống vì biển, biển không những nuôi chúng tôi lớn khôn nên người mà còn nuôi cả vợ, con, gia đình tôi. Truyền thống bám biển này được cha ông để lại nên chúng tôi quyết vươn khơi bám biển đánh bắt hải sản và góp phần bảo vệ chủ quyền biển của chúng ta. Xin hãy cầu chúc cho chúng tôi một năm thắng lớn với nghề biển”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngư dân đồng loạt tiến về ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa