Ngư dân gặp khó khăn 'kép'

NGUYÊN DU 27/10/2023 07:49

Hiện nay, tại Bạc Liêu nhiều ngư dân đánh bắt xa bờ đang gặp khó khăn “kép” do sản lượng sụt giảm, giá cả các mặt hàng thuỷ sản cũng giảm, trong khi giá nhiên liệu lại tăng cao. Khó chồng khó, nhiều tàu cá đành phải nằm bờ suốt thời gian qua…

Khai thác thua lỗ, nhiều tàu cá huyện Đông Hải vẫn còn neo đậu trong cảng cá Gành Hào.

Dù đang là vụ cá chính trong năm thế nhưng nhiều tàu của ngư dân trở về với khoang vơi cá. Nếu như mọi năm, vào thời điểm này, tại cảng cá Gành Hào, huyện Đông Hải, Bạc Liêu không khí lao động tất bật, tàu cá đầy khoang trở về sau những chuyến đánh bắt dài ngày trên biển, thì thời điểm này không khí cảng cá trầm lắng, vắng vẻ đến bất ngờ.

Ngư dân Đặng Quốc Thuỳ – chủ tàu cá ở ấp 1, thị trấn Gành Hào cho biết, nhiều chuyến biển lượng hải sản mà tàu cá của anh đánh bắt sụt giảm tới 1/3 so với mọi năm, vì thế nên bị thua lỗ nặng. Theo tính toán của anh Thuỳ, với tàu cá công suất trên 400CV, một chuyến đánh bắt xa bờ khoảng 1 tháng, chi phí hơn 500 triệu đồng, trong đó trả tiền công cho ngư phủ đã gần 100 triệu đồng, tiền dầu khoảng 15.000đồng/lít, tương đương gần 300 triệu đồng. Chi phí lớn là vậy, trong khi tiền bán thuỷ sản mỗi chuyến chưa được 400 triệu đồng, tính ra lỗ từ vài chục triệu đến hơn 100 triệu đồng/chuyến.

“Từ đầu năm tới nay việc đánh bắt rất kém, hầu như tàu cá nào cũng thua lỗ. Nghịch lý hơn là đáng lẽ ra mất mùa giá phải cao, đằng này giá các loài thuỷ sản lại giảm. Trung bình giảm từ 2-3 nghìn đồng/kg. Vì vậy, mỗi chuyến đi biển chủ tàu nào cũng bị thua lỗ” - anh Thuỳ cho hay.

Tương tự, ngư dân Mã Thanh Tường – Chủ tàu cá ở ấp 1, thị trấn Gành Hào chia sẻ, gia đình ông có 2 cặp cào đôi với công suất bình quân trên 500 mã lực mỗi chiếc, do là tàu cá có công suất lớn nên tổng chi phí ra khơi là hơn 700 triệu đồng cho mỗi chuyến biển kéo dài 1 tháng.

“Giá dầu tăng cao quá, chi phí cho mỗi chuyến biển lên gấp đôi. Hiện giá dầu diesel đã hơn 23.000 đồng/lít. Riêng nhiên liệu đã chiếm hơn một nửa chi phí đi khai thác hải sản. Vậy nên mỗi lần giá xăng dầu tăng, tôi và các chủ tàu khác âu lo đủ đường. Ngoài dầu tăng giá, các chi phí khác cũng tăng cao, nên thua lỗ triền miên. Hiện nay nhiều tàu cá ở đây phải nằm bờ cả tháng, chờ khi nào thấy giá cả tạm ổn mới ra khơi đánh bắt lại”- ông Tường cho biết.

Nói về khó khăn của ngư dân hiện nay, ông Hồ Thanh Tuấn – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đông Hải cho biết: Giá đầu vào tăng cao, nhất là dầu tăng kéo theo các chi phí khác tăng, trong khi giá các sản phẩm bán ra lại giảm khiến nhiều chủ tàu rơi vào khó khăn, thuỷ sản bán ra không đủ bù đắp chi phí ra khơi, nhiều tàu cá đánh bắt xa bờ đứng trước nguy cơ nằm bờ.

“Chúng tôi khuyến cáo bà con ngư dân nên lựa chọn những nghề khai khác thông minh, tiết kiệm, khai khác gắn với bảo tồn như nghề lưới, câu, có sự chọn lọc đánh bắt các loài cá có giá trị kinh tế cao, lại tiết giảm chi phí” - ông Tuấn nói.

Còn theo ông Nguyễn Hoàng Xuân - Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản Bạc Liêu, toàn tỉnh hiện có hơn 1.000 chiếc tàu cá, tổng công suất 206.670 CV, tổng số thuyền viên 6.106 người. Do ảnh hưởng của nhiên liệu tăng cao, thủy sản sụt giảm, ngư trường thu hẹp khiến nhiều ngư dân biển chưa thể ra khơi đánh bắt. Từ đầu năm đến nay có khoảng 60% tàu cá đang hoạt động trên biển.

“Để khai thác ổn định lâu dài, Chi cục Thủy sản đã khuyến cáo ngư dân tập trung theo dõi thời tiết khi xuất bến, kiểm tra thiết bị an toàn tàu cá khi đi trên biển để khai thác, tập trung đi theo tổ đội để hỗ trợ nhau sản xuất đạt hiệu quả hơn” - ông Xuân cho biết thêm.

Đánh bắt thủy sản là một trong những thế mạnh trong phát triển kinh tế Bạc Liêu và được xem là một trong những hoạt động mang lại thu nhập cao cho ngư dân ven biển. Vì vậy, việc nhiều tàu cá phải nằm bờ khiến ngư dân rất lo lắng. Điều mong mỏi lớn nhất của các ngư dân là có chính sách bình ổn giá xăng, dầu, tạo điều kiện tốt hơn cho ngư dân khi tham gia khai thác, đánh bắt.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngư dân gặp khó khăn 'kép'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO