Trước thông tin người dân 4 tỉnh miền Trung có thể ăn hải sản sống ở tầng nổi, không sử dụng hải sản tầng đáy trong vòng 20 hải lý vừa được Bộ Y tế công bố, nhiều ngư dân và tiểu thương ở các tỉnh từ Hà Tĩnh tới Thừa Thiên - Huế tuy vui mừng nhưng vẫn còn nhiều lo lắng. ĐĐK ghi nhận ý kiến của người dân tại vùng biển này.
Việc mua bán hải sản ở Hà Tĩnh bước đầu đã có dấu hiệu tích cực. Ảnh: Hạnh Nguyên.
Hà Tĩnh: Khẩn trương hoàn tất thống kê thiệt hại
“Tâm chấn” sự cố môi trường biển là Hà Tĩnh tới nay đã cơ bản hoàn thành việc thống kê thiệt hại. Tất cả các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh gắn với biển, 7/11 huyện, thị, thành phố bị ảnh hưởng với 5.804 tàu cá; 1.007,46 ha ao hồ nuôi trồng thủy sản; 68.297m3 nuôi lồng bè; 57,78 ha sản xuất muối; 26.953 lao động. Mặc dù đã nỗ lực thực hiện nhưng công tác kê khai, xác định thiệt hại hậu sự cố môi trường do Formosa gây ra ở địa phương này vẫn còn nhiều vướng mắc.
Sáng 20/9, Bộ Y tế khuyến cáo hải sản tầng đáy khu vực từ 20 hải lý trở vào ở vùng biển miền Trung chưa an toàn, vì thế việc khai thác thủy hải sản vùng lộng của ngư dân Hà Tĩnh vẫn chưa khởi sắc. Tới nay, chính quyền Hà Tĩnh đã đưa ra nhiều biện pháp tích cực hỗ trợ người dân khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống.
Toàn tỉnh đã hoàn thành việc hỗ trợ 3.748 tấn gạo (2.719 tấn còn lại đang tiếp tục được cấp phát); hỗ trợ tiền cho các chủ tàu, thuyền không lắp máy và lắp máy dưới 90 CV với 5.012 chiếc bằng số tiền 23.066,5 triệu đồng; hỗ trợ 100% theo BHYT cho người dân trong vùng bị ảnh hưởng; hỗ trợ thành lập 25 cửa hàng kinh doanh hải sản an toàn, với số tiền 125 triệu đồng; hỗ trợ 50% chi phí tiền điện cho các kho đông lạnh; hỗ trợ 100% lãi suất vốn vay ngân hàng...
Về công tác kê khai bồi thường thiệt hại, theo ông Dương Tất Thắng- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, ngay sau khi xác được thủ phạm gây ra sự cố, tỉnh Hà Tĩnh đã thành lập Hội đồng đánh giá thiệt hại gồm 18 thành viên do Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Chủ tịch Hội đồng; thành lập Hội đồng đánh giá thiệt hại cấp huyện, thị tại các huyện bị thiệt hại; các xã, phường thành lập Tổ xác nhận đối tượng, hộ gia đình.
Trong quá trình thực hiện, người dân tiến hành kê khai để các tổ đánh giá đúng mức thiệt hại, sau đó đưa ra họp và bàn bạc trong nhân dân một cách khách quan, công khai, tránh khiếu kiện và thiếu sót trong quá trình thực hiện....
Đến thời điểm này 367/367 thôn, xóm thuộc 62/62 xã, phường, thị trấn của 7 huyện, thị xã, thành phố đã thành lập Tổ xác định đối tượng, số lượng tàu thuyền bị thiệt hại ở cấp thôn. Phạm vi kê khai, xác định thiệt hại, gồm: 367 thôn, xóm thuộc 62 xã, phường của 7 huyện, thị xã, thành phố. Số lượng kê khai thiệt hại bước đầu: 5.804 tàu cá; 1.007,46 ha ao hồ nuôi trồng thủy sản; 68.297m3 nuôi lồng bè; 57,78ha sản xuất muối; 26.953 lao động bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, do khối lượng công việc lớn, phạm vi ảnh hưởng rộng, đối tượng thiệt hại nhiều, trong khi công tác chuẩn bị gấp, thời gian thực hiện quá ngắn nên thực tiễn quá trình triển khai còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng, nhất là tại một số địa phương đặc thù.
Thị xã Kỳ Anh là đơn vị chịu ảnh hưởng nặng nề nhất và cũng là nơi phát nguồn thải gây ra sự cố môi trường (nhà máy Formosa) vì thế việc thống kê thiệt hại cũng gặp nhiều trở ngại. Thời gian qua, cả hệ thống chính trị tại thị xã Kỳ Anh đã vào cuộc quyết liệt nhưng vẫn còn nhiều người dân chưa hợp tác.
Ngư dân Nguyễn Đình Dũng (Hải Thành, Đồng Hới, Quảng Bình) bên chiếc thuyền sửa chữa mới. Ảnh: Xuân Thi.
Sáng 20/9, trao đổi với PV Đại Đoàn Kết, ông Phan Duy Vĩnh- Phó Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh cho biết: Hiện tại đã thành lập được Tổ xác định đối tượng tại tất cả các thôn nhưng tỷ lệ người dân hợp tác kê khai ở một số thôn của xã Kỳ Hà và Kỳ Lợi đang còn rất ít.
Tại thôn Đông Yên (Kỳ Lợi) chưa có người dân nào hợp tác kê khai. Còn xã Kỳ Hà thì ở thôn Bắc Hà được 40%, thôn Hải Hà được 20%, Tây Hà được 40%. “Lý do người dân đưa ra để không hợp tác là do chưa có đơn giá đền bù. Thị xã sẽ tiếp tục vận động, những ai kê khai rồi thì tiến hành thẩm định để đảm bảo tiến độ”- ông Vĩnh nói.
Ông Bùi Nhân Sâm- Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Thời gian qua, Mặt trận các cấp đã tích cực tuyên truyền, vận động, hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn, phối hợp với chính quyền thực hiện các bước kê khai, xác định đối tượng, thẩm định thiệt hại. Mặt khác, trong 6 Tổ công tác kiểm tra, chỉ đạo, giám sát của tỉnh đều có thành viên của Mặt trận. Tuy nhiên, vẫn còn một số đối tượng kinh doanh, dịch vụ, du lịch cũng bị ảnh hưởng nhưng không được hỗ trợ, tỉnh cũng có văn bản đề nghị Chính phủ điều chỉnh, bổ sung. Vì thế mong Chính phủ quan tâm đến đề xuất của tỉnh để kịp thời bổ sung đối tượng cho hợp lý. Sắp tới, MTTQ tỉnh Hà Tĩnh sẽ có chương trình giám sát cụ thể về vấn đề này.
Ghi nhận của PV cho thấy, sự cố môi trường đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của ngành du lịch biển Hà Tĩnh. Tuy nhiên, khi kê khai thiệt hại do sự cố môi trường vẫn còn nhiều bất cập. Thiệt hại của ngành nông nghiệp được Bộ NN&PTNT bám sát ngay từ đầu, trong khi đó ngành du lịch lại bị “bỏ rơi” khiến địa phương gặp nhiều lúng túng.
Theo ông Lê Trần Sáng- Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh, trong hướng dẫn kê khai có mục nói người dân sống ven biển làm nghề dịch vụ du lịch có tính chất đơn giản nhưng không nói rõ tính chất đơn giản là những đối tượng cụ thể nào, dẫn đến việc kê khai của địa phương gặp nhiều lúng túng. Mặt khác, trong biểu mẫu chỉ cho kê khai người làm thuê còn những ngừời chủ của các cơ sở, người trực tiếp phục vụ khách du lịch chưa có trong biểu mẫu kê khai.
Sở cũng đề nghị ngoài hỗ trợ tiền thuế cần bổ sung hỗ trợ phần thiệt hại cho người lao động, hỗ trợ thiệt hại về kinh tế và hỗ trợ lãi suất dư nợ tại ngân hàng cho các doanh nghiệp tại các khu du lịch biển kinh doanh dịch vụ lưu trú, du lịch sinh thái, các nhà hàng ăn uống, các khu vui chơi giải trí nhưng đến nay vẫn chưa nhận được trả lời.
Ngư dân Quảng Bình phấn khởi Ông Trần Đình Quyết- Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Nam Đức, xã Đức Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình) cho biết: Qua các phương tiện thông tin đại chúng, ngư dân đã phấn khởi khi nắm bắt được kết quả hải sản do Bộ Y tế công bố. Bà Phạm Thị Hồng Nguyệt, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận xã Đức Trạch nói: “Đây là thông tin mà tất cả bà con ngư dân vùng biển chờ đợi và rất phấn khởi. Khi Bộ Y tế công bố cá tầng nổi biển miền Trung ăn được, có thể nói là sự kiện để giải tỏa tâm lý lo lắng của bà con ngư dân và người tiêu dùng. Bộ Y tế công bố danh mục các loại cá ăn được, để bà con tập trung khai thác. Hy vọng thị trường hải sản sẽ phục hồi, đời sống người dân sẽ khá hơn”. Xuân Thi |
Thừa Thiên-Huế: Số lượng Hải sản tồn đọng trong kho lạnh vẫn lớn
Sau nhiều tháng không đi biển, hơn một tuần nay ngư dân Trần Thái ở xã Lộc Trì huyện Phú Lộc tâm sự: Chúng tôi cần nói rõ hơn hải sản tầng đáy đánh bắt trong vòng 20 hải lý là loại nào, không thể cứ nói chung chung. Chi cục quản lý nguồn lợi thủy sản và những người có trách nhiệm cần nói rõ đồng thời thông tin rộng rãi cho nhân dân được biết. Chứ không thể đi biển về bà con phải ngao ngán nhìn cảnh cá không bán được.
Biết tin hải sản gần bờ sống ở tầng nổi ăn được, ngư dân Võ Ngọc Quang ở xã Hải Dương Thị xã Hương Trà tỉnh Thừa Thiên- Huế cùng vợ bàn tính đưa thuyền trở lại biển để đánh bắt cá.
“Bây giờ đã hết mùa lưới mực gần bờ, nhiều anh em trong thôn vươn khơi hơn 15 hải lý câu mực đêm, mỗi chuyến đi thu nhập cũng đủ tiền công, dù vậy khi được các Bộ khẳng định chắc chắn là cá ở tầng nổi ăn được nên tui đã thông báo cho bà con cùng nhau tiếp tục bám biển”- ông Quang nói, cho dù bây giờ thu nhập nghề gần bờ mỗi ngày may mắn kiếm được 100 đến 200 nghìn đồng. Nhưng rõ ràng đây là một dấu hiệu đáng mừng, giúp bà con có thêm động lực để vươn khơi bám biển.
Tại Huế, việc mua bán hải sản đã có tín hiệu hồi phục. Ảnh: Trang Hạ.
Trưa ngày 20/9 nhiều chợ tại TP Huế tình trạng buôn bán cá diễn ra bình thường, tuy nhiên tiểu thương bán cá nước mặn cho biết, tâm lí khách hàng khi đi mua vẫn còn nặng nề do đó lượng tiêu thụ cá biển vẫn rất ít.
Tại chợ Cống ở P.Xuân Phú, TP Huế, bà Nguyễn Thị Lợi- một tiểu thương chuyên bán cá biển cho biết: “Bà con vẫn còn tâm lí e ngại cá nhiễm độc trung bình mỗi ngày chị chỉ bán được 5 đến 10kg cá ngừ, cá nục và mực. Chợ ế lắm ai bán đồ biển cùng rên rỉ em ơi. Mong sau cần có một cơ quan giám sát về y tế và an toàn thực phẩm luôn túc trực bên chợ để xác định được cá nào là “sạch” hoàn toàn để bà con có thể yên tâm mà đến mua”.
Còn bà Ngô Thị Hoa đang ngồi dùng quạt tay để đuổi ruồi bên cạnh rổ cá, mực còn tươi roi rói, vui vẻ nói:“Trên nói là cá ăn được, không nhiễm độc, mau vô mua cá giúp tui với bà con ơi!”
Sau sự cố Formosa, tới nay Thừa Thiên- Huế còn hơn 500 tấn hải sản đông lạnh tồn kho. Trong khi đó việc cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm cũng như lấy mẫu xét nghiệm độc tố triển khai hết sức chậm chạp, gây thiệt hại kinh tế cho các chủ thu mua hải sản.
Tại kho đông lạnh và sản xuất nước đá Tám Thế của ông Trần Văn Châu tại cảng cá thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang là cơ sở thu mua hải sản lớn nhất tỉnh Thừa Thiên- Huế, được biết đến thời điểm hiện tại cơ sở còn tồn kho 450 tấn hải sản đông lạnh. Để có số tiền mua mặt hàng này, gia đình ông Châu phải vay hơn 6 tỉ đồng với lãi suất 7%/năm từ các ngân hàng.
Ngoài việc bảo quản số hải sản kể trên, trung bình mỗi tháng, cơ sở của ông phải chi trả 36 đến 37 triệu đồng tiền điện làm đá ướp cá.
Cạnh đó, cơ sở đông lạnh Chính Thủy cũng đang tồn đọng 150 tấn cá thu mua từ thời điểm cá chết. Bà Nguyễn Thị Thủy, chủ cơ sở này kể lại: Vào thời điểm cá chết, cơ sở mỗi ngày thu mua khoảng 20 tấn cá, chủ yếu là cá nục từ các tàu với giá từ 10.000- 15.000 đồng/kg. Hiện 150 tấn cá còn lại với giá trị khoảng 1,7 tỉ đồng không thể tiêu thụ.
Để mua số cá này, bà Thủy vay ngân hàng hơn 1 tỷ đồng. “Muốn bán hết số lượng cá còn tồn đọng tại những kho này, không còn cách nào khác bà con thu mua hải sản chúng tôi mong muốn chính quyền địa phương cần sớm tiến hành kiểm nghiệm chất lượng. Đồng thời công bố rộng rãi thông tin, nếu an toàn thì cho tiêu thụ. Hoạt động đánh bắt hiện đã bình thường, trước mắt cần có các chính sách giãn nợ, khoanh nợ, hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng từ sự cố môi trường biển trong giai đoạn khó khăn này”- bà Thủy kiến nghị.