Chiều 25/9, ngư dân tỉnh Quảng Nam hối hả chạy thuyền vào cảng cá Tam Quang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam để tránh bão số 4 (Noru). Nhiều ngư dân vui mừng khi hải sản đưa lên bờ được thương lái thu mua tận nơi.
Ghi nhận của chúng tôi, chiều cùng ngày, nhiều tàu cá xã Tam Quang, huyện Núi Thành đã cập cảng Tam Quang trú tránh bão và chở đầy khoang cá ngừ sọc dừa để bán cho thương lái.
Vừa về cập cảng, tàu cá 90394 TS do ngư dân Trần Phi, trú xã Tam Quang làm thuyền trưởng cho biết: “Chuyến biển này, tàu cá tôi đi đánh bắt được 20 ngày trên vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam thì nhận được thông tin về cơn bão số 4 nên tôi vội cho tàu chạy vào cảng trú tránh bão và bán cá cho thương lái. Chuyến biển này tàu tôi đánh bắt được khoảng 35 tấn cá ngừ sọc dừa, với giá bán 28 nghìn đồng/kg cá thì tôi và các anh, em thuyền viên có lãi hơn 300 triệu đồng”.
“Do tôi đánh bắt trúng cá vào đợt mưa bão nên thương lái thu mua cá giá cao. Sau khi bán hết số cá cho thương lái xong thì tôi cho thuyền chạy vào âu thuyền An Hòa neo đậu trú tránh bão. Chờ cho thời tiết trên biển dịu êm trở lại thì tàu cá tôi tiếp tục vươn khơi bám biển trở lại”, ngư dân Trần Phi chia sẻ.
Ngư dân Trương Văn Ân, trú xã Tam Quang, là chủ tàu cá QNa 91297 TS cho biết, sau khi nắm thông tin về đường đi của cơn bão số 4, sau 18 ngày lênh đênh trên biển đánh bắt hải, tàu cá của ông Ân đã trở về cập cảng để bán hải sản và neo đậu cho an toàn chờ qua cơn bão số 4 sẽ đi đánh bắt trở lại.
“Chuyến này, tàu tôi đánh bắt được 18 tấn cá ngừ sọc dừa, sau khi trừ các khoản chi phí cho chuyến biển thì mỗi thuyền viên trên tàu cũng kiếm vài chục triệu đồng. Ngoài ra, việc cơ quan chức năng chủ động thông báo, hướng dẫn tàu cá vào nơi tránh bão giúp chúng tôi bảo vệ tài sản”, ngư dân Trương Văn Ân nói.
Ông Phạm Viết Tích, Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Quảng Nam cho biết, đã có văn bản đề nghị các địa phương và đơn vị liên quan tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn phòng chống thiên tai trong lĩnh vực thủy sản.
Theo ông Phạm Viết Tích, đối với hoạt động khai thác thủy sản, các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến quy định về phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá cho chủ tàu, thuyền trưởng.
Khi có bão, áp thấp nhiệt đới, cam kết đưa tàu tìm nơi tránh trú an toàn và thông tin về gia đình, chính quyền địa phương.
Yêu cầu chủ tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên trang bị thiết bị giám sát hành trình theo quy định và đảm bảo thiết bị hoạt động liên tục 24/24 giờ từ khi tàu rời cảng đến khi tàu cập cảng. Các địa phương có khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đã được nhà nước đầu tư xây dựng, có phương án quản lý khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá theo quy định. Phối hợp các ban quản lý cảng cá hướng dẫn, sắp xếp tàu cá neo đậu đảm bảo an toàn.
“Sở NNPTNT yêu cầu Trung tâm Đăng kiểm tàu cá và Quản lý cảng cá tăng cường tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn trên hệ thống loa truyền thanh của cảng các quy định về đảm bảo an toàn cho người và tàu cá tránh trú bão an toàn; đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ trong thời gian tàu cá neo đậu ở vùng nước trước cảng.
Cập nhật, phát thông báo các bản tin dự báo bão, áp thấp nhiệt đới. Đồng thời yêu cầu chủ tàu, thuyền trưởng đang neo đậu tàu trong khu vực cảng di chuyển vào khu tránh trú bão khi có thông báo của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN địa phương. Tổ chức trực ban 24/24 giờ, thống kê số tàu cá neo đậu ở vùng nước trước cảng báo cáo về Sở NNPTNT tỉnh”, ông Phạm Viết Tích nói.