Xã hội

Ngư dân vượt khó, đoàn kết vươn khơi bám biển – Bài cuối: “Lộc biển” và niềm vui ngư dân

Tấn Thành-Chí Đại 28/11/2023 09:23

Ngư dân Trần Hoài (xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam), thuyền viên trên tàu câu mực QNa 94628 TS cho biết: Mùa này nguồn thức ăn trên biển nhiều, dòng hải lưu chạy mạnh mang theo nhiều thực vật, vì thế đàn cá theo đó mà kiếm ăn. Đó chính là “lộc biển” của ngư dân đánh bắt xa bờ.

anh-1.jpg
Hậu cần nghề cá tại Quảng Nam, Quảng Ngãi được đầu tư tốt. ẢNH: TẤN THÀNH.

Những con tàu chở nặng niềm vui

Ngư dân Nguyễn Hữu Ba (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) chủ tàu cá QNg 50824 TS chia sẻ, giai đoạn này sản lượng đánh bắt hải sản nhiều hơn, giá bán cũng cao hơn. Cá chuồn mùa này bán 40 đến 50 nghìn đồng/kg, tháng trước khoảng 25 đến 30 nghìn đồng/kg.

Những ngày này tại cảng cá Sa Kỳ, cảng cá Tam Quang... và một số cảng cá khác ở Quảng Nam, Quảng Ngãi nhộn nhịp cảnh tàu cá cập cảng bán hải sản. Đó là những con tàu vươn khơi hàng tháng trời trên biển xa trở về trong niềm vui được gặp lại người thân sau bao ngày xa cách, niềm vui nhân lên với hải sản đầy thuyền cho thu nhập cao.

Tại cảng cá Tam Quang (huyện Núi Thành), thuyền trưởng tàu cá QNa 91636 TS Nguyễn Thành cho biết: “Chuyến này tàu tôi đánh bắt được khoảng 15 tấn cá, gồm cá ngừ đại dương, cá thu và cá nục. Hiện tại giá cá ngừ 70 nghìn đồng/kg, cá thu 75 nghìn đồng/kg, cá nục 48 nghìn đồng. Sau khi trừ các chi phí hơn 120 triệu đồng, tôi còn lãi hơn 100 triệu đồng”.

Không riêng tàu của ông Thành mà còn nhiều tàu cá nặng khoang cặp cảng. Bao nỗi nhọc nhằn của họ hình như bỏ lại ở biển khơi, khuôn mặt của mọi người rạng rỡ niềm vui.

Ngư dân Trần Phi (xã Tam Quang), chủ tàu cá QNa 91297 TS cho biết, tàu của ông sau gần 1 tháng đã đánh bắt được 25 tấn cá ngừ sọc dừa. Với giá bán từ 25 đến 28 nghìn đồng/kg ông thu về hơn 700 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí cho chuyến biển hết gần 200 triệu đồng, chia cho các bạn thuyền hơn 150 triệu đồng, ông còn lại hơn 300 triệu đồng.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi, tính đến tháng 9/2023, nghề biển đã giải quyết lao động cho khoảng 38.000 người trong tỉnh. Sản lượng thủy sản khai thác 8 tháng đầu năm 2023 đạt 203.903 tấn.

Nghề biển đầy gian khó, nhưng cũng đầy ắp niềm vui khi trở về an toàn với hải sản đầy các các khoang tàu.

anh-2.jpg
Chuẩn bị cho một chuyến ra khơi. ẢNH: TẤN THÀNH.

Sức mạnh tổ đội đoàn kết trên biển

Thời gian qua, để đánh bắt hải sản trên biển an toàn và đạt hiệu quả cao, ngư dân Quảng Nam, Quảng Ngãi đã thành lập nhiều mô hình Tổ đội đoàn kết sản xuất trên biển, giúp đỡ lẫn nhau trong mọi hoàn cảnh, nhất là khi không may gặp sự cố trên biển và cùng nhau giữ vững ngư trường.

Quảng Nam có 6 huyện, thị xã, thành phố ven biển, với 34 xã có nghề khai thác hải sản. Còn tỉnh Quảng Ngãi có 4 huyện, thành phố ven biển và một huyện đảo.

Thời gian qua 2 địa phương này đã xây dựng hàng trăm “tổ đoàn kết”. Ông Trần Quang (xã Tam Quang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) cho biết: “Hơn 10 năm qua, chúng tôi đã thành lập “tổ đoàn kết” gồm 30 chiếc tàu. Mỗi khi ra khơi chúng tôi thường xuyên trao đổi, cập nhật thông tin về tình hình thời tiết hoặc chia sẻ khu vực có nhiều tôm, cá để cùng nhau đánh bắt hải sản đạt năng suất cao.

Ông Quang cho biết thêm, khi tham gia “tổ đoàn kết”, ngư dân rất an tâm. Không chỉ lúc lênh đênh trên biển mà khi nếu không may xảy rủi ro, gặp sự cố gì hay khó khăn trong cuộc sống các gia đình thành viên sẽ được anh, em “tổ đoàn kết” tận tình giúp đỡ về kinh tế và cả tinh thần để vượt qua khó khăn.

Ông Đinh Văn Tiễn (cũng ở xã Tam Quang) cho biết từ khi tham gia “tổ doàn kết”, chi phí sản xuất giảm, khai thác đạt hiệu quả, sản lượng đánh bắt hải sản tăng gấp 2 lần so với trước vì do thời gian bám biển dài ngày, giảm thiểu thiệt hại khi gặp rủi ro.

“Tổ đoàn kết” còn lập quỹ. Số tiền này dùng để giúp đỡ ngư dân mới, hay hộ ngư dân nào năm vừa qua làm ăn không hiệu quả. Đây cũng là nguồn kinh phí dùng để thăm hỏi ốm đau, thiệt hại do thiên tai” - ông Tiễn cho biết.

Theo ông Huỳnh Thế Điểu - Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã Tam Quang, “tổ đoàn kết” giúp ngư dân yên tâm và đạt hiệu quả kinh tế cao hơn khi làm biển. Qua đó thay đổi bộ mặt làng chài.

Ông Võ Văn Long - Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Nam cho biết, toàn tỉnh có hơn 2.700 tàu thuyền, trong đó có 679 tàu chuyên khai thác xa bờ. Tỉnh Quảng Nam cũng có 9 nghiệp đoàn nghề cá với 720 tàu và 4879 lao động; 158 “tổ đoàn kết” với 1.040 tàu và 8.063 lao động.

Còn tại Quảng Ngãi, theo ông Lê Văn Mạnh (huyện đảo Lý Sơn) thì tàu của địa phương thường xuyên đánh bắt hải sản ở ngư trường xa, đối mặt nhiều hiểm nguy trên biển từ thiên tai đến hư hỏng máy, phá nước. Nhưng tham gia “tổ đoàn kết”, mọi người rất yên tâm.

Theo ông Nguyễn Văn Mười - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi, toàn tỉnh có gần 300 “tổ đoàn kết” với hơn 1.000 ngư dân tham gia. Thông qua các tổ mô hình, lực lượng chức năng, chính quyền địa phương đã tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho các chủ tàu, thuyền trưởng về các văn bản liên quan đến biển, đảo, nhất là việc thực hiện các biện pháp ngăn chặn, chấm dứt tình trạng khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài; chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác trên các vùng biển xa... Qua đó, ý thức chấp hành pháp luật trong ngư dân được nâng cao.

anh-3.jpg
Niềm vui được mùa cá. ẢNH: CHÍ ĐẠI.

Phát triển hậu cần nghề cá

Dịch vụ hậu cần nghề cá là một trong những yếu tố quan trọng, nhằm thúc đẩy việc khai thác hải sản của ngư dân, góp phần nâng cao sản lượng, chất lượng hải sản, tạo điểm tựa vững chắc cho ngư dân. Ở 2 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi thời gian qua chính quyền đã đầu tư cho nhiều dự án hậu cần nghề cá nên ngư dân rất phấn khởi.

Tỉnh Quảng Nam đã đầu tư xây dựng các khu neo đậu tàu thuyền kết hợp cảng cá và dịch vụ hậu cần nghề cá. Âu thuyền Hồng Triều (xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên) đủ chỗ cho 600 tàu thuyền vào neo đậu trú tránh bão. Đồng thời từng bước xây dựng hoàn thiện hệ thống các dịch vụ, kết nối hệ thống hậu cần nghề cá, vừa cung cấp vật tư, nhiên liệu vừa làm nơi thu mua, trung chuyển sản phẩm, đáp ứng nhu cầu vươn khơi bám biển dài ngày của ngư dân địa phương và các huyện lân cận trong tỉnh và nâng cao giá trị kinh tế của sản phẩm đánh bắt được.

Chính quyền tỉnh Quảng Nam còn đầu tư nâng cấp cảng cá Tam Quang (huyện Núi Thành), với tổng vốn hơn 122 tỷ đồng. Nhờ đó, cảng cá này có khả năng cho tàu cá có công suất trên 1000 CV ra vào tiêu thụ sản phẩm và tiếp vật tư, nhiên liệu. Cùng với đó là các kho sơ chế, kho cấp đông, chợ đầu mối, hệ thống cấp thoát nước, hệ thống xử lý nước thải, khu sửa chữa tàu cá và sản xuất, cung cấp ngư lưới cụ đã xây dựng hoàn thiện.

Ông Ngô Đức An - Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cho biết: Việc xây dựng các khu neo đậu, tránh trú bão an toàn kết hợp với cảng cá và dịch vụ hậu cần nghề cá tạo điều kiện thuận lợi để ngư dân vươn khơi, nâng cao giá trị sản phẩm đánh bắt được, từ đó nâng cao thu nhập cho bà con ngư dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế biển của địa phương.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam Phạm Viết Tích, việc phát triển hậu cần nghề cá nhằm hiện đại hóa 3 khâu, gồm khai thác, nuôi trồng và chế biến hải sản. Có như vậy nghề cá mới phát triển bền vững, ngư dân mới an tâm bám biển.

Trong khi đó tại Quảng Ngãi, cũng đã hình thành được hệ thống dịch vụ hậu cần nghề cá, trong đó có cảng Sa Kỳ, Sa Huỳnh; khu neo đậu trú tránh bão Tịnh Hòa; Vũng neo đậu tàu thuyền Lý Sơn… rất thuận lợi cho các tàu thuyền cập cảng bán hải sản và trú tránh bão an toàn.

Bà Đặng Thị Ngọc Ánh - Trưởng Ban quản lý cảng cá Sa Huỳnh (Quảng Ngãi) cho biết, tỉnh đã phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình đê chắn cát, giảm sóng và nạo vét thông luồng vào khu neo đậu tránh bão cảng cá Sa Huỳnh, với tổng mức đầu tư 250 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh; thời gian thực hiện dự án từ năm 2022-2025. Dự án hoàn thành sẽ giúp cho khoảng 500 tàu thuyền vào neo đậu trú tránh bão an toàn, đồng thời phát huy tối đa, tạo thuận lợi việc thu mua hải cho ngư dân.

Trước đó vào năm 2022, UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng đã bố trí 32 tỷ đồng để mở rộng cầu cảng Mỹ Á và đầu tư hạng mục phòng cháy, chữa cháy, xử lý nước thải tại 4 cảng cá và cảng neo đậu tàu thuyền là Tịnh Hòa, Tịnh Kỳ, Sa Huỳnh và Lý Sơn.

Ông Hồ Trọng Phương - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi cho biết, tỉnh sẽ tập trung xây dựng hoàn thành các cảng cá lớn gắn với ngư trường trọng điểm nhằm thu hút đầu tư vào lĩnh vực chế biến sâu. Đáp ứng được mục tiêu phát triển nghề cá ở địa phương và nhất là để ngư dân an tâm bám biển phát triển kinh tế.

Hỗ trợ, đồng hành cùng ngư dân phải kể đến hệ thống MTTQ các cấp, luôn luôn kịp thời có mặt khi ngư dân gặp nạn hay triển khai các chính sách của Đàng, Nhà nước đối với bà con ngư dân. Sự đồng hành của MTTQ được ngư dân hai tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi đánh giá cao. Đặc biệt là việc ủng hộ ngư dân kịp thời tháo gỡ những khó khăn, có điều kiện cải hoán, đóng mới, nâng cấp tàu cá để vươn khơi xa. Trong trường hợp không may gặp nạn được kịp thời thăm hỏi, hỗ trợ, động viên làm ngư dân ấm lòng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngư dân vượt khó, đoàn kết vươn khơi bám biển – Bài cuối: “Lộc biển” và niềm vui ngư dân