Cụ là bậc Nho sĩ bởi 24 tuổi đã đỗ Hoàng giáp; cụ là bậc Danh sĩ bởi cụ là một nhà văn hóa lớn; cụ là bậc Chí sĩ bởi những hoạt động nhiệt thành của cụ trong các phong trào như: Đông Kinh nghĩa thục, Việt Nam quang phục hội… đã góp phần vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc hồi đầu thế kỷ hai mươi. Tháng 9 vừa qua là kỷ niệm 150 năm ngày sinh Nguyễn Thượng Hiền.
Từ ngã ba Ba La (quận Hà Đông) xe rời đường số 6 rẽ trái theo quốc lộ 21B, đi chừng 23 km là tới xã Liên Bạt huyện Ứng Hòa. Đây là quê Hoàng giáp Nguyễn Thượng Hiền. Nhà của cụ ở xóm Bặt Chùa và ở gần đồng làng đến nỗi chỉ với tay là chạm vào từng cánh lá lúa.
Ngôi nhà cụ ở thời xưa nay được làm Nhà thờ, làm nơi chốn cho con cháu đi về. Một ngôi nhà Việt cổ điển hình. Ông Nguyễn Thượng Hùng, người cháu gọi cụ là ông nội, năm nay đã tám mươi mốt tuổi tiếp chúng tôi bằng câu chuyện kể về “các cụ nhà tôi”. Mới hay ngôi nhà ba gian hai trái được làm bằng gỗ lim chở từ Thanh Hóa ra này là một trong hai ngôi nhà do các học trò của cụ Nguyễn Thượng Phiên, thân sinh cụ Nguyễn Thượng Hiền, quyên tiền dựng lên kính tặng thày nhân dịp cụ Phiên tròn bảy mươi tuổi, đó là năm 1898. (Rồi cụ Phiên để lại cho cụ Hiền thừa kế ngôi nhà hiện tại, ngôi nhà kia cụ Phiên để thừa kế cho con là cụ Nguyễn Thượng Chuyên thừa kế. Cụ Hiền lại để cho con trai mình là cụ Nguyễn Thượng Nghi thừa kế. Giờ ngôi nhà do ông Nguyễn Thượng Hùng ở cùng con trai trưởng và cháu đích tôn.
Nguyễn Thượng Hiền một nhân cách lớn
Sau khi đỗ Hoàng giáp (1892) chàng trai trẻ Nguyễn Thượng Hiền được bổ làm Toản Tu ở Quốc Sử quán rồi được thăng Đốc học Ninh Bình và Nam Định. Không mặn mà lắm nên chỉ vài năm làm “quan” Nguyễn Thượng Hiền kết giao được với những sĩ phu yêu nước Tăng Bạt Hổ, Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng… Năm 1898, Nguyễn Thượng Hiền định qua Nhật để hỗ trợ phong trào Đông Du nhưng ý định đó phải tạm ngưng vì lý do gia đình.
Ở lại trong nước để vận động cách mạng và được tiếp thu tư tưởng tiến bộ cùng thái độ phê phán những lạc hậu của chế độ phong kiến đương thời đã làm bước chuyển lớn từ quan niệm “Trung quân ái quốc” sang tinh thần “Yêu nước thương dân” của Nguyễn Thượng Hiền. Nó thể hiện một sự nhất quán trong sự nghiệp cách mạng của chí sĩ Nguyễn Thượng Hiền.
Chỉ tay lên đôi câu đối treo hai bên ban thờ cụ Nguyễn Thượng Hiền, ông Nguyễn Thượng Hùng đọc: “Cuồn cuộn khí hùng rõ bậc hiền tài lương đống. Đường đường kỳ vĩ sáng danh chí sĩ cô trung”. Quả là lời đánh giá về con người về sự nghiệp của Nguyễn Thượng Hiền chí tình chí lý.
Nguyễn Thượng Hiền một nhà thơ yêu nước
Thời kỳ đầu Nguyễn Thượng Hiền làm thơ theo tinh thần Nho giáo. Nhưng rồi trước những biến cố của đất nước, biến cố trong triều chính và đặc biệt là khi Nguyễn Thượng Hiền tiếp xúc với phong trào yêu nước của các bậc chí sĩ mà cụ kết thân; nhất là khi nhạc phụ của cụ là Đại thần Tôn Thất Thuyết quyết chí phò vua Hàm Nghi chống lại người Pháp xâm lược, thì những sáng tác của Nguyễn Thượng Hiền có sự “chuyển hướng”.
Đọc lại những câu thơ như “Ngựa biệt rừng xưa khói bụi tung/ Cao dày ơn nước quyết đền xong/ Vá trời lấp biển dù gian khổ/ Thuyền đắm rồi tan chẳng ngại ngùng/ Áo khoác đường trường theo bóng nhạn/ Gươm thiêng đêm vẳng thét oai rồng/ Ngày nào tay trói quân Hồ lỗ/ Rót chén vui mừng với núi sông” chúng ta có thể tìm thấy ở đó hiện thực đất nước cùng diễn biến tâm tư tình cảm chân thành của tác giả - tâm hồn thi sĩ, lời lẽ thiết tha, thúc giục; ý chí chiến đấu cao, lời lẽ chặt chẽ, hùng hồn; tập trung tố cáo tội ác của bè lũ thực dân, lời lẽ đanh thép, gay gắt; miêu tả nỗi cơ cực của dân tộc, nhân dân, lời lẽ buồn da diết, thấm nỗi tủi hổ. Hoặc như câu thơ trong bài thơ Gửi các đồng chí Đông Kinh nghĩa thục:“Thôi thôi càng nói lại càng rầu/ Mảnh áo đêm khuya thấm hạt châu/ Việc nước ai làm ra đến thế/ Cơ trời còn biết ngóng vào đâu?/ Hai bên gánh vác vai thêm nặng/ Muôn dặm xa xôi bước khó mau/ Giận biển sầu non như chẳng chuyển/ Câu thơ tín quốc để về sau”.
Sự chuyển biến trong sáng tác thơ ca như thế cho thấy: Nguyễn Thượng Hiền là một nhà nho trung ngĩa, một nhà thơ yêu nước. Cụ đã đem cả cuộc đời của mình để cống hiến cho đất nước cho dân tộc. Cụ đã dùng thơ ca để cổ động tinh thần yêu nước trong nhân dân và khích lệ tư tưởng Duy tân.
Nghe đâu hồi hay tin Nguyễn Thượng Hiền mất, cụ Phan Bội Châu khi ấy đang bị giam lỏng ở Bến Ngự (Huế) buồn thương vô hạn, cụ Phan tự tay lập bàn thờ rồi nước mắt chứa chan đọc bài văn điếu do mình biên soạn. Bài văn điếu có đoạn như sau “Danh viên mãn chí chưa viên mãn”. Ý là để ca ngợi sự học hành đỗ đạt của cụ Nguyễn Thượng Hiền và tấm lòng vị quốc của cụ.
Ông Nguyễn Thượng Hùng (trái) và tác giả.
Nguyễn Thượng Hiền nhà giáo có tâm
Tuy thời gian là Đốc học Ninh Bình rồi Đốc học Nam Định không dài chỉ khoảng 6 năm nhưng sự nghiệp làm thày, sự nghiệp dạy chữ, dạy người của Nguyễn Thượng Hiền cũng đáng vị nể. Hôm trường Đông Kinh nghĩa thục khai giảng năm học đầu tiên, Đỉnh thần Nguyễn Thượng Hiền được Chí sĩ Phan Bội Châu giao soạn “Bài khai học”. Đó là một bài “diễn văn” như cách nói bây giờ nhưng lại hàm chứa rất nhiều điều răn dạy thiết thực chứ không phải thứ diễn văn khoa trương diệu vợi. Bài khai học được viết bằng chữ Nôm (chữ của người Việt) và được gọi là “Đông học thư thân ca” nghĩa là “Bài ca của học sinh Đông du”. Cụ Hiền viết theo thể thơ song thất lục bát “Lò tạo hóa đúc gan anh kiệt/ Gặp gian nguy mới biết dạ bền/ Tha hồ ngọn sóng thao thiên/ Đông tay chèo chống thời thuyền không sao/ Kể từ lúc Nam Giao mở nước/ Hội phong vân kẻ trước người sau/ Ra tay thảo nghịch tiêm cừu/ Non sông vững nghiệp kim âu đời đời…. Có cày cấy có phen được thóc/ Có vun trồng có lúc nở hoa/ Ai ơi xin gắng lòng ta/ Dựng nên công nghiệp chẳng qua chữ “cần”/ Đường tiến hóa nguyên nhân ở học… Chữ nhân ái khuyên người nhớ trước/ Bạn đồng bào trong nước mới theo….”
Đọc lại những áng văn của Nguyễn Thượng Hiền càng thấm thía câu “Đường tiến hóa nguyên nhân ở học”, lời răn dạy này chẳng khi nào xưa cũ, chẳng khi nào là không thiết thực. Đấy cũng là những lời “rút từ gan ruột” của chính nhà yêu nước Nguyễn Thượng Hiền khi cụ tha thiết mà kêu gọi mọi người hãy “chữ nhân ái khuyên người nhớ trước/ Bạn đồng bào trong nước mới theo”.
Nguyễn Thượng Hiền hiếu trung tín nghĩa
Ông Nguyễn Thượng Hùng kể rằng: Năm 1892 sau khi đỗ Hoàng giáp Nguyễn Thượng Hiền rời xa quê nhà một thời gian khá dài. Mãi 15 năm sau, năm 1907 khi đang chuẩn bị cùng các đồng chí của mình qua hướng “Đông Du” tìm con đường cứu dân cứu nước thì hay tin cha mình ốm nặng, Nguyễn Thượng Hiền đành gạt mọi công việc cá nhân để về quê phụng dưỡng cha già. Rồi khi chịu tang bố tròn 100 ngày xong xuôi mọi nhẽ Nguyễn Thượng Hiền mới tiếp bước ra đi trên “chặng đường cách mạng” của mình cùng các đồng chí của mình.
Câu chuyện hiếu trung lại đầy tín nghĩa của Cụ Nguyễn Thượng Hiền còn được lớp cháu con bảo ban nhau gìn giữ và noi theo như một “truyền thống gia đình”. Chẳng rõ chàng khóa sinh trẻ tuổi tài cao Nguyễn Thượng Hiền và cô tiểu thư đài các Tôn Nữ Thị Ẩn, ái nữ của quan Đại thần Tôn Thất Thuyết gặp nhau và hứa hẹn với nhau từ khi nào? hai người hẹn sau khi Nguyễn Thượng Hiền đỗ Hoàng giáp thì sẽ kết hôn. Trong khi đó Hiệp biện đại học sĩ Nguyễn Thượng Phiên lại đã “chuẩn bị” trước một cuộc hôn nhân cho Nguyễn Thượng Hiền. Cụ Phiên đã ngầm “giao ước” với gia đình Thượng thư Tôn Thất Phan để đón tiểu thư Tôn Nữ Thị Dậu về làm người “nâng khăn sửa áo” cho Nguyễn Thượng Hiền. Một bên là tình một bên là nghĩa thật khó rành rẽ. Thời điểm này cuộc dấy binh đánh Pháp trong kinh thành Huế của Đại thần Tôn Thất Thuyết đã thất bại. Nếu Nguyễn Thượng Hiền bỏ tiểu thư tên Ẩn để lấy tiểu thư tên Dậu thì là người phụ tình với người mình yêu mà hơn nữa lúc này tiểu thư tên Ẩn đang ở trong cảnh gia đình thất thế. Mà bỏ tiểu thư tên Dậu để cưới tiểu thư tên Ẩn thì lại làm điều trái với ý cha, là trái với luân lý phong kiến đương thời. Nguyễn Thượng Hiền đã khéo léo cưới cả hai tiểu thư cùng một lúc và “coi” Tôn Nữ Thị Ẩn là vợ cả. (Cụ Tôn Nữ Thị Ẩn về làm dâu Liên Bạt và sinh được 1 trai, 1 gái. Cụ Tôn Nữ Thị Dậu sinh được 2 trai 1 gái và sinh sống ở xứ Thanh).
Chuyện càng nói càng thêm chi tiết mới. Mới hay cụ Hoàng giáp Nguyễn Thượng Hiền với hai bà vợ dòng Tôn Thất cho đến khi mất bên xứ người cũng chưa “lo” nổi một căn nhà cho cả hai bà cùng với 5 người con của mình. Sự thanh bạch và thái độ “lo cho dân trước nghĩ tới mình sau” của cụ thật đáng trân trọng.