Tại cuộc họp khẩn để triển khai công tác triển khai ứng phó bão số 12, Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo ngưng hoạt động cáp treo Vinperland kể từ 14h00’ ngày 3/11 cho đến khi kết thúc bão.
Ông Lê Đức Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo ứng phó với cơn bão số 12.
Sáng ngày 3/11, UBND tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức cuộc họp khẩn để triển khai công tác triển khai ứng phó bão số 12.
Tham dự và chỉ đạo cuộc họp có Thiếu tướng Trương Đức Nghĩa, Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Cục trưởng Cục Cứu hộ cứu nạn (Bộ Quốc phòng), đại diện Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn, lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa và các Sở ban ngành trong tỉnh.
Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn thì cơn bão số 12 sẽ đổ bộ vào đất liền các tỉnh Nam Trung bộ vào khoảng từ 4h đến 7h sáng ngày 4/11 và tâm bão nằm trên địa bàn 2 tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận.
Nhận định, đây là cơn bão mạnh, di chuyển nhanh sức gió giật cấp 14, 15 (mạnh nhất so với các cơn bão từng đổ bộ vào tỉnh Khánh Hòa trong 35 năm qua), Thiếu tướng Trương Đức Nghĩa cho rằng, công tác ứng phó cơn bão số 12 phải mạnh mẽ, quyết liệt.
“Trong đó, lãnh đạo là người đầu tiên phải nhận thức được mức độ thiên tai. Sau cuộc họp đề nghị các lãnh đạo xuống địa phương trực tiếp chỉ đạo ứng phó”.
Thiếu tướng Trương Đức Nghĩa phát biểu tại cuộc họp.
Theo Thiếu tướng Nghĩa, trước tiên phải tập trung bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân lên hàng đầu, kể cả trên biển, ven biển, ven sông, đến vùng trung du. Nguy cơ tàu thuyền chìm trên biển là hết sức chú ý. Các địa phương đẩy mạnh truyền thông, kể cả truyền thông loa để người dân biết thông tin để tự lo cho mình là chính. Thiếu tướng Nghĩa dứt khoát “sáng nay mọi công tác đều phải hoàn thành”.
Theo thông tin từ BCH Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Khánh Hòa: Trên khu vực Nam biển Đông, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã có mưa to đến rất to; tổng lượng mưa đo được từ 100-120 mm, riêng huyện Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa lượng mưa đạt 200-250 mm, lũ trên sông Dinh Ninh Hòa đã đạt đỉnh, đỉnh lũ đạt 6,15 m trên BĐIII là 0,65 m lúc 13h ngày 1/11 (tương đương với lũ năm 2010 là 6,2 m) gây ngập lụt nhiều xã, phường khu vực hạ lưu sông Dinh Ninh Hòa.
Theo báo cáo số 02/BC-BCH ngày 02/11/2017 của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, hiện nay có 183 tàu cá/885 thuyền viên của tỉnh đang hoạt động đánh bắt ở các vùng biển, cụ thể: Khu vực biển Khánh Hòa: 144 tàu/576 thuyền viên; Khu vực biển Ninh Thuận, Bình Thuận: 33 tàu/264 thuyền viên; Khu vực biển Trường Sa: 04 tàu/27 thuyền viên; Khu vực biển Hoàng Sa: 02 tàu/18 thuyền viên.
Quang cảnh cuộc họp.
Tính đến 6h ngày 3/11, theo báo cáo sơ bộ thiệt hại do mưa lũ gây ra trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã có 1 người mất tích (Ninh Hòa); có 5 nhà sập và hư hỏng; 1.550 ha lúa, 70 ha màu bị ngập, hư hỏng; 5.700 con gia cầm và 200 con gia súc bị chết, cuốn trôi.
15 ha tôm, 12 ha ốc bị thiệt hại 50-70%; 0,1 ha hàu bị thiệt hại hoàn toàn. 2.350 m đường bị sạt lở. 3.100 m kênh bị sạt lở. Tổng ước tính thiệt hại ban đầu trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đến nay là 40 tỷ đồng.
Riêng Cảng cá Hòn Rớ/ Nha Trang hiện tại có 934 tàu cá neo đậu trong đó có 72 tàu cá ngoài tỉnh. Trong 4 tàu ở Trường Sa, có 2 tàu trú tại khu vực đảo Song Tử Tây (Tàu KH98154TS/7 lao động, KH90154TS/8 lao động), 1 tàu trú tại bãi Đá Tây (KH92907TS/5 lao động), riêng tàu KH92907TS/7 lao động neo đậu tránh trú tại đảo Đá Đông.
Hiện nay, các hồ chứa trên địa bàn tỉnh dung tích trung bình từ 60 - 80% (riêng hồ Đá Bàn dung tích đạt 88%). Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị quản lý hồ chứa khẩn trương điều tiết xả nước sớm để hạ thấp mực nước hồ, cụ thể như sau: hồ Suối Dầu xả 27 m3/s; hồ Hoa Sơn 9 m3/s; hồ Đá Bàn 118 m3/s.
Theo rà soát của các địa phương, tổng số người dân cần phải sơ tán khi bão đổ bộ là 133.535 người (trong đó sơ tán tại chỗ 34.818 người; sơ tán đến khu vực khác 98.717 người)…
Phát biểu tại cuộc họp, ông Lê Đức Vinh Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết do thời tiết 2 ngày nay không có mưa và gió, Khánh Hòa cũng ít có bão nên người dân chủ quan. Do đó, các sở ngành cần nhanh chóng thông tin bão đến với người dân.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chủ trì phối hợp với các đơn vị tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh sẵn sàng lực lượng, phương tiện; đồng thời phân công lực lượng trực tiếp xuống từng địa bàn để phối hợp với các địa phương hỗ trợ người dân sơ tán, tránh trú.
Tiếp tục kêu gọi tàu, thuyền của ngư dân còn hoạt động trên biển khẩn trương trở vào bờ, hoặc tìm chỗ tránh, trú bão an toàn; ngưng hoạt động cáp treo Vinperland kể từ 14h00’ ngày 3/11 cho đến khi kết thúc bão.