Hàng trăm người Australia đang bày tỏ lo ngại rằng một nhà máy sản xuất và chứa từ 6.000-12.000 tấn amoni nitrat ở nước này có thể có nguy cơ cháy nổ sau vụ việc ở Li Băng hồi đầu tuần.
Người Australia lo nhà máy trữ 12.000 tấn amoni nitrat sau vụ nổ ở Li Băng - 1Nhấn để phóng to ảnh
Hiện trường bị phá hủy sau vụ nổ ở Beirut, Li Băng hôm 4/8 (Ảnh: Reuters)
Reuters đưa tin, khoảng 300 cư dân thành phố Newcastle, cách 163km so với Sydney, đã kêu gọi một nhà máy chứa hàng nghìn tấn amoni nitrat có tên Orica phải chuyển đi nơi khác.
Trước đó vào ngày 4/8, hai vụ nổ liên quan tới 2.750 tấn hóa chất trên ở Beirut, Li Băng đã gây ra sự tàn phá kinh hoàng, được ví như “vụ nổ bom nguyên tử”. Ít nhất 145 người đã thiệt mạng và hơn 5.000 người khác bị thương.
Trong khi đó, nhà máy Orica trên đảo Kooragang ở cảng Newcastle, Australia chứa khoảng 6.000-12.000 tấn amoni nitrat, theo thông báo của công ty.
Khối lượng hóa chất khổng lồ đã khiến người dân Australia lập một chiến dịch yêu cầu nhà máy trên phải chuyển đi, hoặc phải giảm mạnh lượng amoni nitrat đang được cất trong kho.
“Đó là một nơi hoàn toàn không phù hợp để sản xuất và cất trữ loại nguyên liệu nguy hiểm như vậy và chúng tôi đã phàn nàn về việc này từ rất, rất nhiều năm”, kỹ sư hóa học Keith Craig, một người tham gia vào chiến dịch kêu gọi Orica chuyển đi, nói với đài ABC.
Trong thông báo phát đi, Orica khẳng định họ tuân thủ mọi tiêu chuẩn quốc tế và chỉ dẫn của chính quyền địa phương để đảm bảo sự an toàn tại mọi giai đoạn của chuỗi cung ứng.
“Khu vực chứa amoni nitrat có khả năng chống cháy và được xây dựng từ vật liệu chống cháy. Chúng tôi áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt với mục tiêu là an toàn trong quá trình sản xuất, lưu trữ và vận chuyển mọi sản phẩm”, thông báo viết.
Dựa vào các video trong vụ nổ ở Beirut, Orica cho rằng pháo hoa dường như đã được chứa gần kho amoni nitrat. Trong khi đó, một số nguồn tin nói rằng một thợ hàn có thể đã khiến vụ cháy bùng phát.
“Không thể so sánh với việc sản xuất, lưu trữ và vận chuyển amoni nitrat đầy trách nhiệm và được quản lý chặt chẽ bởi Orica và các công ty khác ở Australia”, Orica cho hay.