Anh hùng lao động, Thầy thuốc Nhân dân, Giáo sư, Tiến sĩ Y khoa Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương không chỉ nổi tiếng về tài năng, đức độ trong giới y khoa mà còn được nhiều người biết đến là người có tâm hồn thi sĩ, nhạc sĩ. Những vần thơ, nốt nhạc mà ông viết thấm đẫm tình yêu quê hương, đất nước và con người.
Giáo sư Nguyễn Anh Trí trong một lần hiến máu.
“Cờ đỏ sao vàng/Thăng hoa hồn trong xôn xao nắng hạ/Sưởi ấm lòng trong buốt giá mùa đông/Vàng sắc lúa chín trên đồng/Đẹp như màu da, tươi màu máu Việt…”.
Những con chữ hiện ra trong bài thơ “Cờ đỏ sao vàng” của ông mộc mạc mà lấp lánh, trữ tình. Đây là một trong số hàng chục bài thơ của ông viết về quê hương đất nước, về Tổ quốc Việt Nam.
Từ năm 1985, sau khi tốt nghiệp loại xuất sắc trường Đại học Y Hà Nội, ông được phân công về công tác tại Khoa Huyết học - Truyền máu, Bệnh viện Hữu Nghị (Việt - Xô) rồi làm lãnh đạo Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương từ năm 2003 đến nay.
Cũng từ đây, “máu” là khái niệm bắt đầu đi vào tiềm thức ông, để rồi sự nghiệp nghiên cứu huy động, truyền máu phục vụ con người đã và đang choán hết gần như cả cuộc đời người bác sĩ tài năng đức độ và lãng mạn Nguyễn Anh Trí.
“Đẹp như màu da, tươi màu máu Việt”. Phải chăng chỉ khi thốt lên được vần thơ như vậy, ông mới có thể làm được một điều thật kỳ diệu: Ông chủ của hai ngân hàng đặc biệt không có tài khoản, không có tiền, nhưng lại có những thứ quý hơn cả tiền, đó là máu và tế bào gốc dây rốn cộng đồng. Nhờ đó, biết bao bệnh nhân đã, đang và sẽ được cứu sống.
Ông Trí lên làm lãnh đạo Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đúng vào thời điểm các căn bệnh về máu có xu hướng ngày càng tăng. Khi còn thuộc Bệnh viện Bạch Mai, Viện này mới chỉ có khoảng hơn 40 giường bệnh.
Đến năm 2010, sau khi chuyển ra cơ sở mới, thường xuyên mỗi ngày Viện có gần 1000 bệnh nhân nội trú, quản lý gần 5000 bệnh nhân ngoại trú. Đến nay, những con số này có thể phải kể đến trên, dưới chục nghìn bệnh nhân đang ngày đêm “vịn” vào Viện này để có thể duy trì sự sống.
Trong số các bệnh nhân mắc các bệnh về máu, có đến 70% bệnh nhân mắc ung thư máu. Sự gia tăng có thể nói là “chóng mặt” này, theo GS Nguyễn Anh Trí, có hai nguyên nhân chính: Thứ nhất là do hậu quả của chiến tranh khi phần lớn bệnh nhân mắc bệnh về máu đều có liên quan ít nhiều đến vấn đề di chứng của chất độc da cam và hàng loạt chất độc khác mà chiến tranh để lại trên đất nước ta.
Thứ hai là do quá trình công nghiệp hóa chưa quan tâm đúng mức đối với công tác bảo vệ môi trường sống. Một điều đau xót nữa là các bệnh nhân về máu thường phải điều trị dài ngày tại bệnh viện. Muốn điều trị được, ngoài chuyên môn của bác sĩ, các kỹ thuật y học hiện đại, thuốc men…còn đòi hỏi phải có nhiều thứ, trong đó có hai thứ rất đắt, rất tốn tiền nhưng nhiều khi có tiền cũng không mua được. Đó là máu và tế bào gốc.
Nếu như chữa bệnh cứu người là nghiệp, là sứ mệnh chứ không chỉ là nghề mà cuộc đời đã trao cho ông thì làm thơ, viết nhạc dường như cũng không kém phần thôi thúc với ông.
Với ca từ đẹp, giản dị, giàu tính triết lý, âm nhạc mang âm hưởng dân gian sâu sắc của Lệ Thủy, Quảng Bình quê ông, ẩn sâu bên trong một nhà khoa học, một bác sĩ này là một trái tim, một tâm hồn và một bầu nhiệt huyết của một nhà thơ, một nhạc sĩ chân chính. Ông viết mọi lúc, mọi nơi, trong suốt hành trình sống và làm việc trị bệnh cứu người.
Cảm kích trước tấm lòng của các y bác sĩ Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, anh Hoàng Ngọc Chấn - một người mắc bệnh Tan máu bẩm sinh (Thalassemia) đã một viết ca khúc mang tên: “Người thầy thuốc nhân dân” và những lời tri ân tới GS.TS. Nguyễn Anh Trí cùng các y bác sỹ của Viện.
Còn với Giáo sư Nguyễn Anh Trí: “Xin hãy coi tất cả bệnh nhân là người nhà của tôi”. Với tình cảm sâu nặng ấy Giáo sư Trí luôn khẳng định: “Tôi còn làm thơ, viết nhạc, trị bệnh cứu người khi còn hơi thở”.