Người ‘bắt bệnh’ thời tiết trên đảo hòn Ngư

ViệT hà 22/04/2021 08:30

Dưới những tia chớp xé trời, sáng lóa cả một cung đường rừng, tôi cứ cúi mặt mà đi. Người an toàn, nhưng xuống đến chân núi thấy trạm tan hoang hết, mái tốc, cửa sổ vỡ, bếp núc nồi xoong bay cả… Anh em co ro cả đêm đợi trời sáng. Nghề của mình như thế, cũng quen rồi, anh Nguyễn Ngọc Sơn kể.

Công việc hàng ngày của quan trắc viên Nguyễn Ngọc Sơn trên Vườn khí tượng.

“Những Robinson trên hoang đảo”…

Hòn Ngư là một đảo ở Vịnh Bắc Bộ. Theo địa giới hành chính đảo thuộc xã Nghi Hương, thị xã Cửa Lò, Nghệ An, gồm hai hòn núi lớn nhỏ. Hòn lớn cao 133 m, hòn nhỏ cao 88 m so với mặt nước biển.

Trạm Khí tượng Hải văn Hòn Ngư nằm trên đảo, chia thành hai điểm - điểm quan trắc nước biển nằm ở dưới chân hòn nhỏ, còn vườn khí tượng được đặt ở trên đỉnh núi. Sơn bảo, 11 năm rồi, em thuộc từng ngóc ngách, địa hình ở đây. Tính trung bình mỗi ngày leo 4 lần là cả ngàn bậc chứ ít đâu.

Trạm có 3 người, Hoàng Huy là trạm trưởng, hai quan trắc viên là Nguyễn Ngọc Sơn và Nguyễn Cảnh Long. Người ít, công việc lại nhiều nên hầu như họ kiêm nhiệm cả đo thủy văn và khí tượng. Lúc lên núi đo hướng gió, nhiệt độ mặt đất, nhiệt độ không khí, độ ẩm… khi lại xuống biển quan trắc nước, đo độ mặn, đo sóng.

Các số liệu quan trắc hàng ngày sẽ được gửi về Đài Khí tượng thủy văn Bắc Trung Bộ, sau đó chuyển về Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia để đưa ra các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai và các hiện tượng thời tiết nguy hiểm nhằm phục vụ cho việc phòng, tránh, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra.

Ngày thường đã trực 24/24, còn ngày mưa bão anh em phải duyệt số liệu liên tục. 30 phút phải chuyển về Đài Bắc Bộ một lần. Hỏi Sơn, ám ảnh nhất trong nghề là gì? Anh bảo, là những cơn bão năm 2017. Chỉ tính trong vòng 6 tháng cuối năm đã xuất hiện 16 cơn bão và 4 áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào Biển Đông, một con số kỷ lục chưa từng thấy của ngành quan trắc kể từ năm 1964.

“Tôi nhớ hôm ấy bão về, buổi tối từ trên vườn khí tượng đi xuống, sấm chớp xé trời, chiếc đèn pin như vô dụng bởi cả con đường sáng lóa, mình cứ cúi mặt mà đi. Xuống đến chân núi thì trạm tan hoang cả, một chút đồ ăn cũng không còn”, Sơn kể mà ánh mắt vẫn như đầy ám ảnh.

Những lúc khó khăn như thế, nhưng anh em chỉ nghĩ làm thế nào chuyển số liệu nhanh nhất, trôi chảy nhất về Đài chứ cũng chẳng ai nghĩ đến việc đảm bảo an toàn cho mình. Mùa bão đáng sợ thật, nhưng Sơn bảo ít ra còn có mưa, nghĩa là có nước ngọt để dùng. Còn vào những ngày nắng nóng kéo dài, nước phải tiết kiệm từng gáo.

Nắng nóng miền Trung chưa nói thì người ta cũng đã tưởng tượng ra, khô khốc và oi bức vô cùng. Nước ngọt hiếm, điện lại không có. Máy nổ chỉ chạy được có 3 tiếng trong ngày. 21 tiếng còn lại anh em cơ cực vô cùng. “Nhiều đêm ngủ muốn vén màn lên hứng chút gió biển mà muỗi quá trời. Cũng may ngoài đảo muỗi “sạch” chứ không sốt xuất huyết với sốt rét thì lấy ai trực”, Sơn cười bảo.

Nắng đã vậy, gió mùa về lại càng lo hơn. Gió mùa là biển động, mà biển động thì thuyền không ra đảo được. Nhiều hôm cả tuần trời bữa cơm dọn ra toàn đồ khô, anh em nhìn nhau ngao ngán. Thèm miếng thịt, thèm chút rau tươi đến tê cả lưỡi. Ở ngoài đảo các quan trắc viên cũng tranh thủ trồng rau xanh.

Thế nhưng nước ngọt khan hiếm, các anh tận dụng từng chậu nước vo gạo, rửa sau để tưới. Hôm nào mải mà quên đổ mất chậu nước thì áy náy lắm…

Không say sóng nhưng lại “say” đất liền…

Năm 2009 Sơn ra trường, anh được phân công về công tác tại huyện miền núi Quế Phong (Nghệ An) và 1 năm sau thì ra đảo Hòn Ngư.

Ngày đầu tiên trực trên biển, đêm về chỉ có tiếng gió hú và biển gầm gào, cũng thấy rờn rợn. Vậy mà mười mấy năm rồi, Sơn ngồi im lặng, dõi mắt về phía biển. Chỉ 4 km là tới đất liền - nơi ấy hai cô con gái nhỏ mỗi tháng một lần lại ngóng cha về…

Vợ Sơn là giáo viên, hai vợ chồng về chung một nhà cũng được gần 10 năm, nhưng tính số ngày ở bên nhau thì anh bảo chẳng nhớ. “Mỗi tháng em được về nhà một lần, sau 4 ngày phép rồi lại ra đảo. Nếu đến phiên về mà biển động, tàu không ra được thì lại chờ đến tháng sau. Nhiều hôm vợ gọi điện báo con ốm mà ruột gan như lửa đốt. Chỉ biết nén chặt cảm xúc, động viên vợ chịu khó chăm con chứ mình ở ngoài này có làm được chi đâu”, Sơn nói.

Một lần Sơn lên vườn khí tượng thì xuất hiện cơn đau bụng dữ dội. Anh gọi điện nhờ anh em lên dìu xuống. Từng bậc gạch hàng ngày đi băng băng vậy mà hôm ấy dài và nặng nề theo từng cơn đau quặn thắt. Sơn được đưa vào đất liền cấp cứu. Bác sĩ chẩn đoán sỏi niệu quản, phải mổ. “15 ngày nằm viện mà sốt ruột, ngoài đảo ít người, giờ lại vắng mình nên anh em càng vất vả”, Sơn áy náy.

Cuối tháng 4 mà trên vườn khí tượng đã nắng gắt, oi bức vô cùng. Tôi theo Sơn từ dưới chân núi lên, cảm giác như thở không ra hơi. Vậy mà, hàng ngày 4 lượt anh cứ leo lên, leo xuống như vậy, cặm cụi ghi chép. Hết đo thời gian nắng từ cầu khí tượng đến nhiệt ẩm khí… rồi lại xuống biển quan trắc nước.

Những ngày sóng lớn, gió to càng như những phép thử sức khỏe và ý chí của các quan trắc viên. Vất vả, khó khăn và thiếu thốn trăm bề nhưng Sơn và các anh em quan trắc viên ở trạm chưa bao giờ nghĩ tới chuyển nghề hay làm một công việc khác. Thật giản dị mà cao đẹp khi trong mỗi người họ luôn ý thức rất rõ về nhiệm vụ của mình.

“Thiên tai ngày càng khốc liệt, mà những người theo nghề như chúng em ngày càng ít, mình đã quen, đã chịu đựng được gian khổ mà còn chuyển nghề thì ai dám bước vào”. Nghe Sơn nói tôi bỗng nhớ đến chuyện một người trưởng trạm trên đảo Hòn Ngư. Sau 30 năm gắn bó trên đảo, ngay trong những ngày đầu về nghỉ hưu anh bỗng xuất hiện triệu chứng say ngược, tức là không phải say sóng, say biển mà là “say đất liền”…

Cùng chuyến công tác ra đảo Hòn Ngư với chúng tôi có ông Lê Đức Cương, Phó Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Bắc Trung Bộ. Là người sâu sát, chứng kiến sự khó khăn của anh em ngoài đảo, nhất là về nguồn điện ông Cương cho biết: “Phương án điện mặt trời cũng đã tính đến nhưng vì được biết đang có dự án đưa điện lưới ra ngoài đảo nên chúng tôi động viên anh em chịu khó chờ đợi. Cũng may giờ có sóng điện thoại, nên thông tin liên lạc cũng thông suốt, số liệu quan trắc anh em chuyển về kịp thời, chính xác góp phần quan trọng trong công tác dự báo, cảnh báo thiên tai và các hiện tượng thời tiết nguy hiểm nhằm phục vụ đắc lực cho việc phòng, tránh, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người ‘bắt bệnh’ thời tiết trên đảo hòn Ngư