Hơn 5 năm gắn bó với công tác Mặt trận, Chá Văn Dia, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Phù Nhi, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa đã lăn lộn, phối hợp, giúp đỡ chính quyền làm được nhiều việc ý nghĩa, góp phần giữ bình yên vùng phên dậu của Tổ quốc. Nói về Dia, đồng bào các dân tộc thiểu số ở Pù Nhi chỉ ngắn gọn: “Nó là cán bộ giỏi, vì dân đấy!”.
Năm 5 trước, tôi gặp Dia khi anh mới chuyển qua làm công tác Mặt trận tại xã Phù Nhi. Ấn tượng của tôi lúc ấy về Dia không nhiều, một người trẻ, năng nổ, làm nhiều hơn nói và đặc biệt… hiền. Cái hiền tỏa ra từ nụ cười, khuôn mặt đôn hậu. Kể cả khi nói về những việc rất khó khăn như vận động, thuyết phục đồng bào không nghe theo kẻ xấu lôi kéo, thì Dia cũng vẫn rất điềm tĩnh.
“Chuyển sang làm công tác Mặt trận mới thấy, để làm tốt nhiệm vụ thì không dễ chút nào! Phải thường xuyên về với bà con, đến từng nhà để động viên tuyên truyền chứ không phải lâu lâu tổ chức một hội nghị, mời dăm bảy người đến để nghe về chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước ta. Như thế là không hiệu quả!”- Dia đúc kết lại sau quãng thời gian là “người Mặt trận”.
Trong câu chuyện với tôi, Chá Văn Dia không hề giấu diếm sự yêu mến pha lẫn niềm tự hào khi nói về bản làng của mình - vùng đất nằm cheo leo phía sau Cổng Trời còn nhiều khó khăn, vất vả.
Pù Nhi mùa này mưa, những cơn mưa lê thê báo hiệu sắp bước vào độ hanh hao mùa đông. Đám dây leo dại gặp thời, mọc ken kín cả những lối mòn lên nương. Trong ánh sáng hừng đông, Chá Văn Dia đã nai nịt gọn gàng dắt vào xe con dao quắm phát nương đã được mài sáng loáng. Dia đi kiểm tra cột mốc đường biên.
Anh cho tôi hay, xã Pù Nhi được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia trên đoạn biên giới dài 15 km với 3 mốc quốc giới (305 đến 307). Phía bên kia giáp với bản Phiền Cần, Phiền Kay thuộc cụm Mường Pùn, bản Khăm Nàng, Na Hàm thuộc cụm Nậm Ngà, huyện Viêng Xay, tỉnh Hủa Phăn (nước bạn Lào).
Để bảo vệ bình yên cho thôn bản Dia đã cùng với chính quyền kịp thời tuyên truyền, đấu tranh, ngăn chặn, làm thất bại âm mưu, ý đồ hoạt động tuyên truyền tổ chức móc nối, lôi kéo người Mông sang Lào theo phỉ, di cư tự do, triển khai các chuyên án, kế hoạch nghiệp vụ đấu tranh với các loại tội phạm như mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép các chất ma túy; mua bán, vận chuyền, tàng trữ trái phép vụ khí, vật liệu nổ; tiền giả; mua bán người.
Thường một tuần Dia sẽ cùng với các trưởng bản Cơm, bản Pù Ngùa đi tuần, kiểm tra các cột mốc này 2 lần. Vừa để phát quang đám cây dại mọc che lấp vừa để cảnh giác đám người xấu xâm hại cột mốc.
Dia bảo, đi tuần cũng là dịp để ghé thăm bà con dân bản, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của đồng bào, luôn thể tuyên truyền cho người dân về các chính sách đúng đắn của Nhà nước trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho đồng bào vùng cao; phổ biến những chính sách pháp luật để người dân góp phần chung tay bảo vệ an ninh trật tự vùng biên viễn.
“Với mình, cột mốc không đơn thuần là thứ định mốc giới mà còn là nơi đánh dấu chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Bảo vệ cột mốc cũng là bảo vệ những điều yêu thương, máu thịt”- Chá Văn Dia chia sẻ.