Người cao tuổi dễ 'sập bẫy'?

Nhóm PV 27/06/2023 06:50

Gần đây, nhiều người cao tuổi đã “sập bẫy” bởi những chiêu trò tặng quà miễn phí rồi bán hàng với giá cao ngất ngưởng. Nhiều người còn bị dẫn dụ mua những gói “sở hữu kỳ nghỉ sang trọng đắt tiền”, để rồi thành ra mắc nợ.

Những buổi “trải nghiệm sản phẩm” được quà tặng khiến nhiều người cao tuổi “sập bẫy”.

“Đầu tư” rồi “ngã ngửa”

Vì sao các đối tượng lừa gạt lại nhắm tới người cao tuổi? Thường thì người cao tuổi sẽ tích lũy được một số tiền dành để dưỡng già, phòng khi ốm đau bệnh tật. Mặt khác, với uy tín của mình, người cao tuổi có thể huy động được tiền bạc từ con cháu, họ hàng.

Cách đây chưa lâu, một vụ đổ bể mua hàng ở thành phố Lào Cai gây xôn xao dư luận. Nồi cơm điện giá 4.150 triệu đồng/chiếc; bếp hồng ngoại 4 triệu đồng/chiếc; chiếc chảo chống dính 700 nghìn đồng/chiếc... Trong số những người “đầu tư” có bà H (tổ 25, phường Bắc Cường). Đến khi “ngã ngửa” bà H vẫn không hiểu tại sao mình lại bỏ ra đến 32 triệu đồng để sở hữu những sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ với giá cao ngất ngưởng.

Bà H kể, khi tham gia “hội thảo”, người dẫn chương trình nói ai có trong tay 4,1 triệu đồng thì họ bán cho cái nồi, không nhanh sẽ hết. Buổi sáng họ phát cho phiếu đã mất 50 nghìn rồi; ai không mua được nồi thì họ trả lại 50 nghìn. “Nhưng buổi chiều tôi thấy có tới 200 cái nồi. Người dân cứ theo đà, thấy người này mua được thì người kia cũng muốn mua".

Với chiêu bài “không bán hàng, tặng hàng là chính”, ban đầu người tham gia sẽ được tặng vài sản phẩm giá trị thấp. Sau đó, nhóm người nọ sẽ giới thiệu những sản phẩm có giá trị như: chảo chống dính, nồi áp suất, nồi cơm điện. Muốn sở hữu những sản phẩm này, người tham gia phải bỏ ra số tiền đến vài triệu đồng để mua phiếu đổi quà với cam kết sẽ được hoàn lại toàn bộ số tiền đó. Vậy nhưng, thực tế không bao giờ đúng như lời hứa.

Đáng nói là tại Lào Cai, trong hai ngày mùng 8 và mùng 9/6, chiêu trò hội thảo diễn ra đồng loạt ở một số khách sạn. Mỗi buổi có tới vài trăm người, đều là người lớn tuổi. Sau khi bán hết sản phẩm, nhóm người này lập tức rời nơi tổ chức và xóa mọi thông tin liên quan.

Một người làm ở bộ phận kinh doanh Khách sạn nói: "Nhân viên trong khách sạn không biết gì cả. Họ không cho tham gia. Họ rút đi bên em cũng không biết gì. Họ nói là ra lấy sản phẩm mang vào cho khách hàng, chứ không biết họ tháo chạy".

Không thể “ngây thơ” với tín dụng đen

Trong số những người cao tuổi “sập bẫy”, nhiều người không có tiền nhưng nghe “bùi tai” đã đi vay mượn để mong kiếm lời; vay cả tín dụng đen với suy nghĩ sẽ bán được sản phẩm ngay.

Tuy nhiên, với tín dụng đen thì không thể suy nghĩ ngây thơ như vậy.

Bà T. ở Quảng Nam kể lại câu chuyện của mình: Do cần tiền gấp để “đầu tư”, bà đã vay của ông N. 150 triệu đồng, với mức tiền lãi 20 triệu đồng/tháng và không có thời hạn. Biết là lãi quá cao nhưng nghĩ rằng vẫn có lời, bà T. đồng ý. Nhưng ngay lúc ký hợp đồng vay, ông N. đã trừ tại chỗ số tiền lãi của tháng đầu tiên, chỉ đưa cho bà T. 130 triệu đồng.

Cầm số tiền 130 triệu đồng, bà T. lập tức chia thành mấy món, cũng đi mua hàng những tưởng là giá rẻ. Nhưng rồi mang hàng về chất đầy nhà mà không bán được hàng tháng vẫn phải trả tiền lãi. Bà đã xin ông N. cho giảm lãi và giãn nợ nhưng không được. Cũng từ đó gia đình bất hòa, vợ chồng con cái tiếng nặng tiếng nhẹ, không muốn nhìn mặt nhau.

“Tôi đi vay để mua đồ cũng muốn bán được thì kiếm tiền cho cả nhà chứ có phải cho riêng tôi đâu. Thế nhưng khi bị lừa, lãi mẹ đẻ lãi con, chủ nợ thúc ép, đe dọa thì tôi trở thành kẻ có tội. Đã thế chồng tôi còn nói tôi phá nát gia đình. Lớn tuổi rồi không làm ăn gì được, chỉ có chút lương hưu, giờ bị lừa coi như bằng không” - bà T. ngậm ngùi nói và hỏi: Lãi suất cho vay theo quy định pháp luật là bao nhiêu? Tôi cần làm gì để bảo vệ mình và gia đình?

Bộ luật Dân sự 2015 quy định: Lãi suất vay trong giao dịch dân sự do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 20%/năm của khoản vay; trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn 20%/năm thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

Việc bà T. vay ông N. tương đương 160%/năm. Như vậy, mức lãi suất dù thỏa thuận nhưng vẫn cao gấp 8 lần so với mức quy định của pháp luật. Điều 201 Bộ luật Hình sự 2015 về “tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” quy định: Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 5 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.

Người vay tín dụng đen cần làm gì để bảo vệ mình và gia đình?

Trước hết cần thu thập tài liệu, chứng cứ như: hợp đồng vay/giấy vay tiền; văn bản xác nhận của hai bên về việc đã trả tiền lãi hàng tháng; tin nhắn qua lại của các bên về việc xác lập khoản vay và thanh toán toán lãi hàng tháng, chứng cứ về chuyển khoản, giao nhận tiền mặt, tiền lãi. Nếu đối tượng cho vay gây rối, chửi bới, gây sức ép, đe dọa, hành hung hoặc phá hoại, cưỡng đoạt tài sản thì cần ghi lại bằng chứng (hình ảnh, video, ghi âm, tin nhắn...) hành vi vi phạm. Tiếp đó tố cáo đến Cơ quan điều tra và đề nghị được bảo vệ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người cao tuổi dễ 'sập bẫy'?