Tôi cầm trên tay cuốn “Chuyện tôi” của anh Nguyễn Huy Thắng và muốn chia sẻ niềm vui với tác giả. Anh đã có một cuốn sách hay về người cha - nhà văn Nguyễn Huy Tưởng.
“Chuyện tôi” đã có mặt trên các kệ sách.
Nguyễn Huy Thắng viết những bài đầu tiên về cha mình khi còn là một kỹ sư xây dựng mới chuyển sang nghề báo. Từ bấy đến nay cũng đã ngót 30 năm, khi tôi có trong tay cuốn sách “Chuyện tôi” (NXB Văn học). Một hồi ức 220 trang gồm hai phần. Phần 1: “Kỷ niệm và nhớ thương” chủ yếu viết về người Cha qua đời khi anh 5 tuổi. Phần 2: “Trải nghiệm và đam mê” – chủ yếu nói về quá trình trưởng thành và lập nghiệp của anh.
Hai phần với 43 tiểu đoạn, gắn nối với nhau một cách liền mạch và linh hoạt, mục này gọi mục kia, để khi gập sách lại, trong tổng thể hiển lộ rõ nét một biểu tượng cảm động về tình cha con, hoặc một chân dung song đôi rõ nét về Cha và Con; cả hai hòa hợp và bổ sung cho nhau, trong một bút pháp, nếu có thể dùng chữ ấy, khiêm nhường mà tự tin, điềm đạm mà hứng khởi, chân phương mà không ít tài hoa, bởi tất cả đều là sự thật, một sự thật được chưng cất từ một tình yêu đến tận cùng và những suy tưởng có căn cứ, như chính đòi hỏi của Nguyễn Huy Tưởng lúc sinh thời: “Người là thật. Phải thật với người.” (Nhật ký, ngày 16/6/1956).
Một trí nhớ khỏe, gắn với những chi tiết sống đắt giá – đó cũng là nguyên cớ để có những trang hay qua các chương mục, gắn với những chuyện đời và những chân dung người được kể. Với Nguyên Hồng, đó là món quà to đến 10 đồng và bát phở giá những 5 hào thời bao cấp. Với Tô Hoài, đó là một bản dịch tiếng Pháp với một đính chính cho danh từ “hôtel de ville”. Với nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc, đó là số nhà 73 thừa ra của phố Hàng Quạt... Diễn giải kỹ để thấy sự thú vị của những câu chuyện này sẽ rất dài; tôi chỉ muốn gợi vậy, để bạn đọc tìm đến...
Cuốn sách với số trang và cách kể khiêm nhường này có giá trị một hồi ức và tự truyện; hồi ức về người cha Nguyễn Huy Tưởng; và tự truyện về người con Nguyễn Huy Thắng. Cả hai song đôi đi qua tất cả các sự kiện được chọn lọc rất tự nhiên và ăn ý cho đến trang cuối cùng. Nguyễn Huy Thắng đã có một cuốn sách cảm động về Nguyễn Huy Tưởng trong tư cách người con không những rất yêu mà còn hiểu về Cha, dẫu chỉ được ở với cha đến 5 tuổi và tất cả mọi hiểu biết về Cha chỉ là gián tiếp; và với cuốn sách này anh có thể yên tâm với danh xưng cao quý: Nhà Nguyễn Huy Tưởng học, trong nghĩa đích thực (chân xác) của nó.
Kể từ điểm xuất phát là một kỹ sư xây dựng, qua các địa chỉ công tác ở các báo, nhà xuất bản, cuối cùng là Nhà xuất bản Kim Đồng, sau rất nhiều bài, ấn phẩm anh đã viết, đến cuốn sách mang tên “Chuyện tôi”, ở thời điểm 2020 này, tôi muốn chia sẻ một niềm vui với tác giả: Anh đã có một cuốn sách hay không chỉ về cha - nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, một tên tuổi đáng kính trọng thuộc Thế hệ Vàng của văn học Việt Nam hiện đại, mà còn là nhiều chuyện đời, chuyện người một thời đất nước chúng ta đang sống, mà anh đã nối được nghiệp Cha để đưa lên trang giấy…
Với cuốn sách này của Nguyễn Huy Thắng tôi có tiếp niềm vui đọc lại Nguyễn Huy Tưởng qua Nguyễn Huy Thắng, và được đọc chính Nguyễn Huy Thắng.